“Chúng ta không nên chiều chuộng đứa trẻ quá lố”…

“Con người hạnh phúc thật sự đó là con người đã học được cách tự ghép mình vào kỷ luật”…  (Ảnh minh họa).
“Con người hạnh phúc thật sự đó là con người đã học được cách tự ghép mình vào kỷ luật”… (Ảnh minh họa).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tác phẩm “Triết lý Giáo dục”, Jean Château khi nhận định về quan điểm giáo dục của John Locke (nhà tư tưởng người Anh) đã viết: “Chúng ta không nên chiều chuộng đứa trẻ quá lố, lấy lý do làm cho nó sống hạnh phúc. Con người hạnh phúc thật sự đó là con người đã học được cách tự ghép mình vào kỷ luật…”. 

Và với người Việt, từ lâu lắm “thương cho roi cho vọt” vốn xuất phát từ tình thương của người thầy chứ không phải sự mất kiểm soát trong cơn nóng giận đã khiến không ít người thầy đi chệch đường ray làm thầy. Đó chính là sự nghiêm khắc và bao dung của người thầy!... 

Ngọn roi, nếu xuất phát từ ái, sẽ là bài học

Còn nhớ, những năm qua, sau những cái tát rách môi ở Ứng Hòa - Hà Nội, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng, bắt cả lớp tát bạn 231 cái ở Quảng Bình, bắt bạn học tát 50 cái ở Hà Nội,... ngành Giáo dục đã mạnh mẽ tuyên bố quyết tâm nói không với bạo lực giáo dục. Ngày xưa, các cụ đồ vẫn đặt sẵn một cây roi trên lớp để phạt học trò. Ở nhà, các bậc cha mẹ cũng học theo cách thức tương tự để dạy dỗ con.

Đành rằng, việc liên tiếp xảy ra các vụ việc nhà giáo xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học sinh, nhiều thầy, cô giáo còn quen với nếp giáo dục “thầy đồ” với lý do đổ lỗi cho áp lực thành tích, do thu nhập không tương xứng,… nên giáo viên nóng giận không kiềm chế được.

Tuy nhiên, thầy đồ xưa dạy học trò cũng chính bằng sự thuần khiết, đạo đức tạo nên cái uy của người thầy! Học trò kính trọng và sợ thầy! Ngày nay, những hình thức bắt phạt đôi khi đã không còn xuất phát từ cái tâm của thầy, mà chính bởi từ những cơn nóng giận không kiểm soát của không ít thầy, cô. Và với một số thầy, cô đi chệch đường ray làm thầy ấy, đã làm hình ảnh người thầy không được nguyên vẹn như xưa…

Tuy nhiên, John Locke không chủ trương sử dụng những trừng phạt thể xác. Hiển nhiên là thỉnh thoảng chúng ta cũng nên sử dụng roi, nhưng mục tiêu của mọi cuộc giáo dục đạo đức vẫn là đào luyện đứa trẻ thế nào cho sự sợ hãi xấu hổ thắng thế hơn sự sợ hãi trừng phạt hà khắc.

Nếu chỉ vì vài ngọn roi răn đe học trò mà thầy, cô bị pháp luật trừng phạt hay buộc phải thôi dạy thì thật là một kết quả buồn cho những biện pháp sư phạm mà những người thầy vẫn nghĩ rằng khi cần vẫn vận dụng được.

Như vậy, vấn đề không phải là ngọn roi hay cây thước mà là cách phụ huynh hay là xã hội nhìn vào việc sử dụng ngọn roi ấy. Dù rằng đó gần như là biện pháp cuối cùng trong phương pháp sư phạm. Bởi “Quá nhiều nghiêm khắc, quá nhiều trừng phạt, sẽ đương nhiên làm cho đứa trẻ trở thành giả dối”.

Nếu thầy, cô thật sự răn dạy các em xuất phát từ lòng yêu thương và trách nhiệm, ngọn roi kia nào có nghĩa gì? Một thiền sư khi cần cảnh giới các thiền sinh vẫn dùng hèo nhắc nhở nhưng có ai sinh lòng oán hận đâu? Một vị thầy khi răn dạy mang chính niệm với công việc của mình thì hành vi ấy vẫn là hành vi sư phạm đầy từ ái.

Tuy nhiên, thời nay, khi các thầy, cô dùng roi vọt trừng phạt các em, các thầy, cô có dám chắc rằng không vì những động cơ nào khác ngoài việc mong muốn các em trở nên tốt đẹp? Chúng ta có quyền hoài nghi những động cơ chân chính khi thầy giáo Nguyễn Thế Toàn (Lâm Đồng) đánh học trò thủng màng nhĩ, cô Trần Thị Ngọc (Thái Bình) cho 32 em học sinh tát một em chấn thương nằm bệnh viện đến 10 ngày hay có người ném thước rách mắt học sinh…

Chúng ta đều hiểu, một biến cố không hay sẽ để lại những “vết sẹo” tâm hồn sâu sắc và ám ảnh mãi trong cuộc đời. Nhưng nếu ngọn roi ấy chỉ vạch ra khuôn thước trong tâm hồn các em để sống ngay ngắn, thẳng thắn làm người với niềm hạnh phúc đang sống trong một xã hội gồm rất nhiều con người nhân ái và đầy thiện ý. 

Người thầy không phải chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn phải hơn thế nữa, thầy truyền thụ một tinh thần hiếu tri, là người “truyền lửa”, truyền khát vọng khám phá và thúc đẩy học trò vươn lên. Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt đã làm nên nhân cách sống có trước, có sau, có tình, có nghĩa cũng một phần xuất phát từ tình thầy trò thiêng liêng bền bỉ theo thời gian. Bởi nơi ấy là miền trong trẻo, là những ký ức đẹp, nơi mỗi con người lớn lên và trưởng thành…

Và trưởng thành trong yêu thương, thay vì khiếp sợ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định giáo viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh, nhưng đâu đó trên thực tế, những biện pháp xử phạt gây tổn thương thể chất, tinh thần, thiếu tôn trọng học sinh vẫn được sử dụng. Như vậy, thay vì đòn roi nghiêm khắc như thầy đồ xưa, ngày nay, thầy cô chọn kỷ luật học trò theo chiều hướng tích cực, chứ không phải là buông hoàn toàn. 

Theo TS Nguyễn Chí Tăng, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoa học và quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, ở tiểu học, vẫn có giáo viên bắt học sinh vi phạm quỳ gối, úp mặt vào tường, đứng cuối lớp, thậm chí có giáo viên còn đánh học sinh. Ở THCS, khi học sinh vi phạm, không ít giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp, kéo tai, giật tóc… 

Cô Vũ Thu Hà, giáo viên Trường  THCS Ban Mai (Hà Nội) luôn trăn trở về hai từ “kỷ luật”. Làm thế nào để giáo dục được học sinh, các con trưởng thành trong tình yêu thương, sự tôn trọng, nuôi dưỡng chứ không phải trong nỗi “khiếp sợ” với những hình phạt, kỷ luật hay chì chiết? Làm thế nào để các con cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng của cô giáo, để thầy, cô không chỉ là  “thợ dạy”?

Cô chia sẻ: “Cách giao chủ nhiệm một lớp các con có cá tính rất mạnh, câu đầu tiên khi bạn nhìn một đứa trẻ quyết định cách đứa trẻ ấy trưởng thành. Cách nhìn, nói, cư xử của thầy, cô giáo nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng có ảnh hưởng, tác động vô cùng lớn với mỗi đứa trẻ. 

Khi được bước vào và nói chuyện với các con là: “Cô không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, cô là thành viên thứ 26 của lớp mình”. Cuối năm học, học sinh chia sẻ câu nói ấy giúp các em thấy yên tâm hơn, không còn suy nghĩ ban giám hiệu cử thêm người vào “trừng trị” lớp”. 

Hơn nữa, theo cô Hà, học sinh hiện nay tư chất thông minh, linh hoạt và nhạy cảm với các cảm xúc, đặc biệt là cảm giác “được tôn trọng”. Chính vì vậy, bắt đầu vào một lớp dạy hay chủ nhiệm lớp nào đó, cô Hà thường tìm hiểu học sinh bằng những câu hỏi như: Điều con làm tốt nhất là gì? Khó khăn của con là gì? Con mong muốn được cô giúp đỡ, được học trong một lớp học thế nào?...

Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Kỷ luật tích cực khác kỷ luật tiêu cực truyền thống ở triết lý của kỷ luật chứ không phải hình thức kỷ luật được đưa ra. 

Kỷ luật truyền thống dựa trên việc đưa ra hình phạt làm cho học sinh cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, hoặc đau đớn để không tái phạm lỗi. Còn kỷ luật tích cực lại chỉ rõ cho học sinh thấy nếu làm sai thì con mất cơ hội, sẽ buồn chán vì mọi người sẽ không chú ý đến hành vi đó. 

Vì vậy, nếu không hiểu rõ triết lý, giáo viên có thể vẫn đưa ra một hình thức kỷ luật mà nhà trường quy định, nhưng thái độ và lời nói của giáo viên lúc quyết định kỷ luật sẽ làm cho nó trở thành kỷ luật trừng phạt. Trên thực tế, mục đích của kỷ luật tích cực không phải đưa ra hình phạt để trẻ vào nền nếp mà là khuyến khích những hành vi đúng đắn phù hợp, dạy kỹ năng để trẻ tự giác vào nền nếp trong một không khí tích cực. 

Muốn triệt để áp dụng kỷ luật tích cực, theo PGS Trần Thành Nam, giáo viên cần hiểu được nguyên nhân đằng sau một hành vi sai của đứa trẻ, để kiểm soát cảm xúc của mình, kiềm chế những hình thức kỷ luật tiêu cực bột phát là kết quả của sự bùng nổ cảm xúc. Suy nghĩ về nguyên nhân, mục đích đằng sau hành vi, giáo viên cơ bản cũng đã kiểm soát được cảm xúc của bản thân và định hướng được cách thức xử lý. 

Nếu mục đích hành vi của học sinh là tìm kiếm sự chú ý, việc giáo viên phớt lờ và cô lập học sinh bằng cách yêu cầu học sinh còn lại trong lớp tập trung vào 1 nhiệm vụ cô giao là một lựa chọn nên làm. Nếu mục đích hành vi của các em do thiếu kỹ năng, giáo viên có thể di chuyển đến gần, thể hiện quan tâm, hỏi bài tập của em thế nào, có cần sự hỗ trợ gì không với một thái độ chân thành, kiên nhẫn và tử tế.

Nếu vấn đề gây ra lỗi hành vi là do khí chất, tính cách của em bị giảm chú ý, giáo viên có thể thay đổi cách bố trí không gian vật lý lớp học, thay đổi chỗ ngồi của người học, loại bỏ các yếu tố có thể làm người học xao nhãng ra khỏi lớp học, thay đổi cách tổ chức hoạt động giảng dạy. Còn nếu mang tính trả đũa, thách thức, giáo viên nên tìm hiểu sâu thêm liệu có điều gì có thể khiến học sinh hiểu nhầm về những sự việc đã xảy ra.

Và như vậy, khi trò phạm lỗi, dù kỷ luật dưới hình thức nào, xưa hay nay thì vẫn luôn xuất phát từ tấm lòng, cách nhìn của thầy, cô với học trò có đủ yêu thương và độ lượng hay không. Bởi những hành vi thô bạo, ấy là khi người thầy đã bất lực và mất kiểm soát bản thân mà thôi! Giá trị của roi vọt hay cây thước ngay ngắn, luôn phụ thuộc vào những ứng xử có từ trái tim của người thầy hay không… 

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.