Con trai cũng cần những cái ôm
Một ngày nọ, có cặp vợ chồng đến trường đón con. Thấy người bố ôm chầm lấy em gái mình khi vừa gặp mặt, cậu con trai mếu máo: “Mẹ ơi, con cũng muốn được ôm”. Người bố vỗ nhẹ vào lưng cậu con trai và nói: “Con đã học lớp 2 rồi. Là đàn ông lớn ai lại ôm như thế, xấu hổ lắm”.
Sau đó người cha lại tiếp tục giảng giải cho cho cậu bé về thế nào là sự mạnh mẽ của một đứa con trai. Nghe bố, cậu bé cố kìm nén tiếng khóc, cúi đầu lủi thủi đi theo cha mẹ đang bế em gái, bóng lưng của cậu đổ xuống như một nốt nhạc buồn.
Đi vào cửa hàng bán quần áo, con trai muốn mua chiếc sơ mi màu hồng. Mẹ lạnh lùng gạt phắt: “Đàn ông không ai mặc màu hồng, chọn màu xanh đi”. Từ lúc nào có quy định con trai phải nói không với màu hồng - con trai buồn bã tự hỏi mình vì cậu biết rằng có hỏi mẹ thì câu trả lời vẫn là như vậy.
Con trai được ôm ấp quá nhiều sẽ trở nên hèn nhát – nhiều phụ huynh nghĩ vậy. Điều đó có đúng? Một phòng thí nghiệm nghiên cứu giáo dục trí thông minh của trẻ ở Mỹ đã tiến hành một cuộc kiểm tra trong 3 năm với trên 200 trẻ dưới 5 tuổi.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng tốc độ phát triển trí tuệ và nhân cách tích cực của trẻ chủ yếu được quyết định bởi tần suất và độ chính xác trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Những trẻ có chỉ số này cao nhất là những đứa trẻ thường xuyên được bố mẹ bế, ẵm.
Cũng theo nghiên cứu này, sự phát triển não bộ của bé trai chậm hơn so với các bé gái cùng tuổi và nhu cầu gắn kết tình cảm của các bé trai cũng mạnh mẽ hơn các bé gái. Từ góc độ thể chất và tâm lý, các bé trai cần được chăm sóc nhiều hơn và làn da của chúng cũng cần được tiếp xúc nhiều hơn với bố mẹ.
Những đứa trẻ thường được cha mẹ ôm ấp sẽ an tâm và tự tin hơn. Ôm giúp trẻ tránh xa sự can thiệp của những cảm xúc xấu, đồng thời cũng giúp cho việc tiết hormone tăng trưởng ở trạng thái tốt nhất và thúc đẩy sự phát triển thể chất. Bởi vậy mới nói, một cái ôm giản dị lại truyền đi nhiều tình yêu ấm áp.
Vào những năm 1980 ở phương Tây, khi bố mẹ bắt đầu xác định được giới tính thai nhi, những người bán hàng đã tìm ra một cách mới để tiếp thị sản phẩm, gia tăng sức mua. Những thông điệp truyền thông mới xuất hiện, đó là màu hồng dành cho con gái, màu xanh dành cho con trai.
Bé trai cũng cần được ôm. |
Từ đó, gian hàng đồ chơi, quà tặng của bé gái tràn ngập màu hồng, từ váy hồng nhiều tầng, đồ trang sức hồng, giày cao gót, búp bê và công chúa… trong khi gian hàng con trai chủ yếu màu xanh và các gam màu lạnh.
“Con gái mặc màu hồng, con trai mặc màu xanh không hề gắn liền với nam tính, nữ tính như bố mẹ và mọi người thường lầm tưởng. Cha mẹ hãy nói với con màu sắc nào cũng đẹp, cho con lựa chọn áo quần, đồ dùng nhiều màu khác nhau. Càng có ít định kiến, con càng được tự do suy nghĩ và sáng tạo” – theo chuyên viên tư vấn tâm lý Ths Lê Thanh Hải.
Đàn ông phải chứng minh họ là đàn ông, phụ nữ thì không cần?
“Nữ quyền” luôn là khẩu hiệu được nhiều phụ nữ hướng đến trong xã hội hiện đại. Theo đó, nữ giới hoàn toàn làm được những thứ nam giới đang làm. Đấy cũng là thước đo được người theo đuổi nữ quyền áp dụng. Về phía đàn ông thì ngược lại, họ không có định hướng để trở thành đàn ông thực thụ là phải thế nào. Mơ hồ và nhiều định kiến.
Giáo sư Michael Kimmel (ĐH Stony Brook, New York, Mỹ), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu về giới, từng nói: “Đàn ông phải chứng minh họ là đàn ông, phụ nữ thì không cần”. Theo Giáo sư Kimmel, đàn ông liên tục chịu áp lực để thể hiện mình là đàn ông. Từ cách đi đứng, nói chuyện, cử chỉ, hành động với người khác phái... đều phải như một người đàn ông thực thụ.
Một nghiên cứu từ ĐH Mở (Anh) liên kết với Promundo là tổ chức chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) cho thấy đàn ông đang đối mặt với nhiều thứ mà xã hội kỳ vọng. Theo kết quả khảo sát, có đến 72% đàn ông độ tuổi từ 20-24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối, dũng cảm và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống. Ngoài ra, đàn ông còn có hàng tá gánh nặng trên vai như phải biết quyết đoán, không cầu cứu và phải giữ cái đầu lạnh, tránh biểu hiện cảm xúc ra ngoài.
Ở ngoài xã hội là thế, trong gia đình cũng không khác gì. Kỳ vọng quá mức dẫn đến việc kìm nén cảm xúc quá mức của những người đàn ông, người chồng, người cha. Lâu dần, ngay cả những lúc hạnh phúc nhất, họ cũng không có cảm xúc để thể hiện. Thế nên không khó để bắt gặp những người chồng, người cha lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, vô tâm trong gia đình.
Để giải quyết phần nào vấn đề này, đầu tháng 11 mới đây, tại Việt Nam một bộ sách tuyên bố về quyền của mỗi thành viên trong gia đình đã ra mắt, trong đó quyền của mỗi thành viên trong gia đình gồm quyền được là chính mình, được lắng nghe, được chia sẻ, được thông cảm và được yêu thương.
Bé gái cũng có quyền mơ ước thành phi công. |
Bố cũng hoàn toàn có thể giống như mẹ, có quyền không hoàn hảo, hay lầm bầm khi con tè dầm, quyền làm “gà trống nuôi con”, quyền không thích thể thao, không biết sửa chữa và cũng chẳng cần cơ bắp. Bố có quyền sống hạnh phúc như trong câu chuyện tình yêu mà mình hằng mong ước. Còn mẹ cũng có quyền biết sửa xe đạp, tỏa sáng trong công việc.
Con trai, giống như con gái, cũng có quyền khóc nhè, chơi búp bê, mặc quần áo màu hồng, học giỏi môn tập đọc, có quyền thoát khỏi gánh nặng trở thành siêu anh hùng. Con gái, giống con trai, có quyền được được nghịch ngợm, có quyền chọn nghề nghiệp mình yêu thích, tự do thoát khỏi cái mác công chúa…
Theo TS. Giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội thì quyền của mỗi thành viên trong gia đình tạo nên giá trị nền tảng cho sự tồn tại bền vững của một gia đình. Mỗi người biết rằng bố, mẹ hay anh chị em có những quyền nào và bản thân mình có quyền đến đâu để cư xử trên cơ sở đó. Những quyền này là quyền đến từ tự nhiên, tự nguyện trên cơ sở chia sẻ, yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu, không phải cần một ai đó bên ngoài phải công nhận.
Đừng nghĩ sai bình đẳng giới!
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã – đang không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và đã đạt được những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, vẫn có nhiều những quan điểm sai lầm về giới tính, giới và bình đẳng giới dẫn đến hố ngăn cách ngày càng bị khoét sâu.
Giới tính là đặc điểm sinh học tạo nên sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới. Ví dụ, phụ nữ có bộ phận sinh dục nữ và có thể mang bầu, sinh con và cho bú bằng chính bầu sữa của mình, còn nam giới có bộ phận sinh dục nam và có thể sản xuất ra tinh trùng.
Giới là sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam giới và phụ nữ như vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị. Vai trò giới được biết đến thông qua quá trình học tập và khác nhau theo từng nền văn hóa và thời gian, do vậy giới có thể thay đổi được. Ví dụ, phụ nữ cũng có thể mạnh mẽ và quyết đoán, trở thành lãnh đạo, phi công, thợ máy... Ngược lại nam giới có thể dịu dàng và kiên nhẫn, có thể làm đầu bếp, nhân viên đánh máy, thư ký…
Bình đẳng giới không phải là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông vì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng phụ nữ hay cho riêng bất cứ một cá nhân nào. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải giới hạn. Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính.
Đấu tranh cho bình đẳng giới không bao giờ là “chống lại” một giới tính nào đó. Đấu tranh cho bình đẳng giới là chống lại những khuôn mẫu, những định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội, nhằm giải phóng con người, cho họ những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.
Bình đẳng giới là bắt phụ nữ làm những công việc “dành cho đàn ông” và ngược lại. Đây có lẽ là quan điểm sai nhất về bình đẳng giới, khi những người chỉ trích cho rằng các nhà nữ quyền đang cố gắng bắt phụ nữ phải có địa vị trong công việc tương đương với đàn ông, phải tham gia vào nền kinh tế, trở thành luật sư, bác sĩ, chính trị gia; còn đàn ông phải làm việc nhà, phải chăm sóc con …
Nhưng đâu phải như vậy. Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh để mọi người đều được tạo điều kiện để làm những việc theo ý muốn của mình, không bị giới hạn bởi giới tính. Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn của mỗi người.
(Theo Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam VOGE)