Thành phố Đà Nẵng có khoảng 5.000 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và 1.400 trẻ em dị dạng, tật nguyền do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra. Do vậy, ngay từ khi tổ chức Đại hội thành lập (tháng 1-2005), Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng đã xác định nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho những người không may mắn và vận động giúp đỡ, chăm sóc đối tượng này trở thành một yêu cầu bức thiết của toàn xã hội, mang tiếng nói của lương tri.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (người đứng giữa) thăm hỏi, chia sẻ và động viên NNCĐDC tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: S.TRUNG |
Mang niềm vui đến với từng nạn nhân
Ngay sau khi thành lập, với tinh thần “Đoàn kết, Nhân ái, Chủ động, Sáng tạo”, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố đã nhanh chóng thành lập Hội NNCĐDC/dioxin các quận, huyện, ổn định tổ chức, hoạt động ngày càng tích cực.
Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được Hội triển khai thường xuyên, đặc biệt tập trung vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7, Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” (10-8) hằng năm. Trong 5 năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố liên tục mở các cuộc vận động vào các ngày lễ lớn dưới nhiều hình thức như mít-tinh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, tổ chức lễ hội nhằm kêu gọi toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ với tổng số tiền, quà trị giá hơn 25 tỷ đồng. Trong số đó, Thành Hội vận động hơn 15 tỷ đồng, 10 tỷ đồng còn lại do các quận, huyện Hội vận động. Nguồn kinh phí trên đã kịp thời đưa đến các “địa chỉ đỏ” cần giúp đỡ, giúp nhiều gia đình vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ quà, tiền để các gia đình vượt qua khó khăn, Hội đã tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh cho gần 4.000 lượt trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây mới và sửa chữa 80 căn nhà tình thương cho gia đình nạn nhân chất độc da cam với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội các cấp còn giúp đỡ dụng cụ, trang thiết bị, xe lăn, xe lắc tay, phẫu thuật chỉnh hình các dị tật bẩm sinh, trợ cấp học bổng hằng năm cho gần 40 trẻ em bị ảnh hưởng di chứng chiến tranh...
Hội ký kết với các tổ chức nước ngoài hỗ trợ theo từng dự án như sản xuất, chăn nuôi bò và heo cho gần 300 gia đình NNCĐDC tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang… Một số dự án khác trị giá hàng tỷ đồng ở các quận, huyện để hỗ trợ cho NNCĐDC. Các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã cử tình nguyện viên, sinh viên giúp phục hồi chức năng, dạy hát, dạy múa, tổ chức sinh hoạt cộng đồng cho NNCĐDC.
Đấu tranh vì công lý
Một trong những chương trình hành động nổi bật của Hội NNCĐDC/dioxin Đà Nẵng thời gian qua, là góp tiếng nói đấu tranh đòi công lý cho những NNCĐDC Việt Nam. Sớm nhận thức ý nghĩa cao cả của cuộc đấu tranh này, nên ngay từ khi thành lập, Hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức, sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên tục tổ chức nhiều cuộc phát động tuần hành đi bộ, vận động hàng chục nghìn người dân thành phố tham gia ký tên ủng hộ vì công lý.
Các cuộc giao lưu hữu nghị quốc tế cũng diễn ra thường xuyên, nổi bật là tổ chức giao lưu, gặp gỡ các nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima - Nagasaki ở Nhật Bản, gặp gỡ tàu Hòa Bình, các Đoàn hành trình cam của các cựu chiến binh Mỹ, tiếp xúc hàng trăm phóng viên các nước đến thăm, tìm hiểu tư liệu, viết bài phục vụ cho vụ kiện của NNCĐDC/dioxin Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, để san sẻ “nỗi đau da cam”, nhiệm vụ của Hội NNCĐDC/dioxin thành phố trong những năm tới là phấn đấu vận động mỗi năm từ 2,5 đến 3 tỷ đồng, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Tết vì NNCĐDC”. Ngoài ra, Hội sẽ duy trì trao học bổng của các nhà tài trợ cho trẻ em là NNCĐDC trên địa bàn thành phố, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.
VIỆT DŨNG