Với khả năng Bắc Kinh sẽ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, chứng khoán toàn cầu khép lại tuần điều chỉnh sâu nhất trong hơn 3 tháng.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc với biên độ tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2009. Cảnh bán tháo cổ phiếu diễn ra bất ngờ và nằm ngoài các dự tính của giới phân tích. Những lo ngại về tỷ lệ lạm phát cao tiếp tục ám ảnh giới đầu tư. Thị trường phỏng đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ giới hạn tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một số tài sản được nhận định là đã bị đầu cơ quá nóng.
Với biên độ dao động giữa số mã cổ phiếu giảm, tăng là 5:1, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI mất 1,4%, xuống 132,4 điểm. Như vậy sau 3 phiên xanh và 2 phiên đỏ, chỉ số này trượt 1,8% khi kết thúc tuần. Tại Tokyo, phong vũ biểu Nikkei 225 thất bại tại ngưỡng cản 10.000 điểm, khi điều chỉnh 1,4%, về mốc 9.721,84 điểm. Các thị trường từ Ấn Độ, sang Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt giảm trong khoảng từ 2% đến 1,4%.
Chứng khoán Phố Wall ghi nhận tuần giao dịch xấu nhất trong 3 tháng. Chỉ số Dow Jones Industrial hạ 90,52 điểm, tương ứng 0,8%, xuống 11.192,58 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 giảm 1,2%, đóng cửa ở 1.199,21 điểm. Trong phiên, đã có thời điểm S&P giảm xuống dưới đường trung bình 20 ngày tại 1.194 điểm lần đầu tiên từ ngày 1/9 nhưng đã xoay sở đóng cửa trên mức này. Mốc 1.194 điểm có thể là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh cho S&P. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite rớt 1,5%, chốt tại 2.518,21 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones và S&P 500 cùng giảm 2,2%, trong khi đó Nasdaq trượt 2,4%. Thống kê từ đầu năm đến nay, Dow Jones tăng 7,3%, S&P tiến 7,5% và Nasdaq Composite nhảy vọt 11%.
Ở bờ kia Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu điều chỉnh ngày thứ ba liên tiếp. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 thoái lui 0,5%, xuống 270,18 điểm, theo đó nới rộng đà giảm trong tuần qua lên 0,7%. Những lo ngại về sức khỏe tài chính của một số quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nhà và Ireland lại bùng phát sau khi lợi tức trái phiếu của các nền kinh tế này đã lên mức cao nhất trong lịch sử. Chứng khoán Pháp mất 0,9%, trong khi đó, FTSE 100 của Anh hạ 0,3%. Chứng khoán Đức đảo chiều đi lên 0,2%.
Trên thị trường hàng hóa thế giới, nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với vàng và dầu thô. Vàng giao kỳ hạn tháng 12 trên bảng điện tử Comex rớt mạnh nhất trong 4 tháng, bốc hơi 37,8 đôla, tương ứng 2,7%, xuống 1.365,5 đôla một ounce. Thống kê tuần qua, giá kim loại quý điều chỉnh 2,3%, theo đó co hẹp đà tăng kể từ đầu năm 2010 đến nay xuống 25%.
Không nằm ngoài xu thế chung, mặt hàng dầu thô cũng chịu áp lực chốt lời mạnh giữa những phỏng đoán nhu cầu tiêu dùng vàng đen của Trung Quốc sẽ sụt giảm nếu Bắc Kinh nâng lãi suất. Giá dầu thô giao dịch kỳ hạn tháng 12 lao dốc 2,93 đôla (3,3%), xuống 84,88 đôla một ounce.
Đồng euro hồi phục từ mức đáy thấp nhất trong 6 tuần. Giới đầu cơ tiền tệ đã bắt đầu nhắc đến nhiều hơn những biện hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ireland. Tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla nới rộng thêm 0,2%, lên 1,3691 đôla. Tuy nhiên tuần qua, euro vẫn ghi nhận đà giảm mạnh 2,3% so với đôla.
Nguyễn Hùng