Diễn biến giá của PVF sáng nay, từ giảm sàn đến tăng trần. |
Một loạt cổ phiếu lớn biến động mạnh tạo những xáo trộn cuối ngày. Một lần nữa giao dịch trong đợt khớp lệnh đóng cửa trên HOSE tách khỏi hướng vận động chủ đạo trước đó.
Đà lao dốc nối tiếp trên cả hai sàn. Điều này đã có bảng điện hiển thị. Nhưng sóng giảm chủ đạo đó bất ngờ gặp sự dội lại đáng chú ý trên HOSE ở đợt khớp lệnh cuối ngày. Dù không mạnh mẽ như trong phiên ngày 20/8 vừa qua, và có khác biệt về tình huống, nhưng sự bất ngờ đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư khó xử.
VN-Index giảm thống nhất từ đầu phiên đến mức thấp nhất 421,3 điểm vào 10h09, ứng với mức giảm 13,12 điểm. 6 phút nối tiếp, hoạt động chặn mua tập trung, giúp hãm đã giảm của chỉ số. Kết hợp với diễn biến trong 6 phút đó, sức bật ở đợt ba có vẻ hợp lý, nhưng biến động quá mạnh tại nhiều cổ phiếu lớn là sự bất ngờ. Chỉ số lấy lại được 2,6 điểm và tránh được mức thấp nhất khi đóng cửa. Nhưng vẫn khó lý giải tại nhiều biến động cục bộ, nếu xét đơn thuần theo diễn biến chung của thị trường và trạng thái giao dịch chỉ trước đó vài phút.
Những biến động mạnh trong nhóm cổ phiếu lớn, gây xáo trộn cuối ngày, có ở PVF, BVH, OGC, HAG, VCB, PVD, FPT… Trong đó đa số là hướng lội ngược dòng rất mạnh ở đợt khớp lệnh đóng cửa.
Tiêu điểm là PVF. Con số 10% cho thực tế biến động của mã này sáng nay đủ để tạo sự chóng mặt cho những ai ngắm đến. Từ giảm sàn đến tăng kịch trần ngay trong phiên - khả năng mà không nhiều mã có được thời gian qua. Kết thúc khớp lệnh liên tục, giá PVF sát sàn; đóng cửa, giá PVF kịch trần. Đáng chú ý là lượng khớp đợt cuối chiếm tỷ trọng tới 57% tổng lượng khớp hôm nay, lượng dư mua giá trần còn tới 190.010 đơn vị.
Không đột biến như PVF, nhưng OGC cũng là mã có bước nhảy lớn, từ giá sàn lên tham chiếu với quy mô hơn nửa triệu đơn vị chỉ riêng trong đợt 3. Khối lượng tại mã này cũng vọt lên mức cao nhất trong 10 phiên. Tương tự HAG cũng từ mức giảm mạnh chuyển giao từ đợt 2 bật về tham chiếu; hay PVD bật tăng; VCB, FPT rút ngắn bước giảm rõ rệt…
Riêng BVH hôm nay là biến động mạnh ngược chiều trong nhóm gây xáo trộn nói trên. Với lượng giao dịch thấp (tổng 160.430 đơn vị), khối ngoại vẫn quen thuộc ở sự chi phối khi tỷ trọng mua vào chiếm tới khoảng 80%; nhưng giá từ tăng 200 đồng/cổ phiếu cuối đợt 2 rơi sàn khi đóng cửa (giảm 2.200 đồng/cổ phiếu). Nếu không có “hiện tượng” này, nỗ lực bật lại của chỉ số cuối ngày sẽ đáng kể hơn.
Ngoài BVH, hầu hết những biến động mạnh của nhóm cổ phiếu lớn đều chung hướng hỗ trợ cho chỉ số. Vẫn là tình huống cũ, câu hỏi đặt ra cho diễn biến này là những ai đã tập trung mua để tạo sự thúc đẩy rất mạnh đó và ý đồ là gì?
Có nhiều câu trả lời khác nhau. Giá giảm quá mạnh tạo hấp dẫn? Lập luận một cách đơn giản là tại sao họ không tranh thủ lượng bán giá thấp chất trước đó thuận lợi hơn rất nhiều. Lập luận này là thực tế, bởi chi phí mua và đẩy giá với chênh lệch cao đó là không nhỏ. Điều này hẳn không chỉ với năng lực của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Liệu đó có phải là hoạt động bắt đáy với niềm tin hồi phục, hay vẫn là khả năng “có biến” về thông tin? Hiện chưa có những thông tin rõ ràng để có thể tác động chặn đà suy giảm. Về phương diện kỹ thuật, các mốc hỗ trợ vừa qua đều trở nên mờ nhạt, trong khi khối lượng hôm nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, duy trì gần với hôm qua. Câu trả lời về khả năng tạo đáy vẫn còn nhiều rủi ro.
Một tham khảo cho những câu hỏi trên là lượng dư bán tại giá đóng cửa tại chính HAG, VCB, FPT, PVD… vẫn còn đáng kể (theo quy mô và trạng thái cung – cầu trong phiên).
Thực tế, hai hôm nay lực cầu bắt đáy đã dần sôi động hơn so với khó khăn thanh khoản nổi bật tuần trước. Tuy nhiên, có thể thấy bên mua càng thận trọng hơn khi những nỗ lực xuất hiện đầu ngày bị vùi lấp nhanh chóng. Dễ thấy hoạt động quét sàn đầu giờ giao dịch giúp cải thiện giá nhiều mã trên HNX, nhưng lực lượng này trở nên quá mỏng trước lượng cung dồn dập xuất hiện nhanh chóng. Trạng thái canh mua sàn trên 25.000 đơn vị tại TNG đầu ngày nhanh chóng chuyển sang chen bán và đóng cửa còn kẹt bán sàn trên 263.000 đơn vị là một ví dụ…