Xập xệ, nóng bức, ngột ngạt, nhếch nhác là hình ảnh thường thấy ở những chung cư cũ tại Hà Nội. Nhiều chung cư còn trở nên nguy hiểm đối với gia chủ vì lâu ngày xuống cấp, có thể xập xuống bất cứ lúc nào.
Nhếch nhác chung cư cũ |
Sống trong sợ hãi
Bước vào tầng một và tầng hai khu tập thể (KTT) 11 Vọng Đức, dù ban ngày nhưng tôi có cảm giác đó là ban đêm bởi không gian tối om, ngột ngạt và chật chội. Tại đây, nhiều hộ gia đình sống trong căn phòng chỉ 6m2, giống như một cái hộp diêm. Đa số những căn phòng chừng 24 m2 mà phải chứa tới mấy thế hệ sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một căn phòng chật hẹp trên tầng 4 tâm sự: “Người dân trong khu 11 Vọng Đức có câu ca: “Nhất chợ, nhì ga, thứ ba Vọng Đức” để ví cuộc sống của người dân ở đây chẳng khác gì những người sống vất vưởng ở ngoài chợ, ngoài ga. Gia đình tôi có ba thế hệ sống trong căn phòng 11,8 m2.
Mọi sinh hoạt đều khó khăn nên tôi cơi nới được thêm 4 m ở hành lang gọi là “chuồng cọp”, chủ yếu được quây bằng cót ép, gỗ dán để lấy chỗ nấu ăn. Cái khó ló cái khôn, người dân ai cũng muốn được sống trong căn hộ có đủ ánh sáng, không phải nơm nớp sợ cháy, sợ sập, mà mua nhà khác là điều không thể.
Người dân sinh sống tại đây đa phần là công nhân nghèo, không có điều kiện mua những căn hộ rộng hơn nên đành “sống chung với nóng bức”. Ngày nào người dân cũng phải chui qua cầu thang bộ tối, dây điện, ống nước lằng nhằng chăng trên những bức tường sát đầu. Cả KTT bốn tầng chỉ có một cầu thang chính làm chỗ “thoát hiểm”, nếu chẳng may chập dây điện, gây cháy thì hậu quả thật khó lường.
Nếu nói xuống cấp thì KTT Nguyễn Công Trứ có đến cả chục khối nhà đều xuống cấp. Dự án xây lại nhà A1 và A1 đã rậm rịch từ 2009 nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Nhiều dãy nhà khác cũng “chung số phận xuống cấp” nhưng với tình hình này, chưa biết bao giờ mới được xây lại. Qua thời gian, các “cụ chung cư” cứ tiếp tục tăng tuổi, già nua và trở nên dễ sập hơn.
Nỗi lo nhà sập |
Gia đình ông Nguyễn Xuân Trường ở phòng 88, nhà E thuộc diện chính sách, cũng xập xệ nhiều năm. Qua nhiều lần sửa chữa, vá víu nhưng vẫn không đủ sức chống lại nước mưa dột từ nóc xuống, thấm vào tường làm tróc vôi vữa và trần nhà. Mùa mưa năm 2012, lại một lần nữa gia đình phải gia cố lại. Ngay chính giữa nhà, ông Trường phải dùng cột gỗ chống tạm.
Phường Văn Chương (quận Đống Đa) có 16 nhà tập thể chỉ… chờ sập. Tất cả hiện đang gây nguy hiểm cho gia chủ bởi mọt đục ruỗng tường và các thanh gỗ đỡ mái. Chỉ cần một tác động nhẹ cũng dễ dàng… sập xuống. Dù sống đoàn kết nhưng để cùng tự đóng tiền, cải tạo mái thì không phải cứ muốn là được. Nhiều hộ muốn sửa chữa nhưng khi nói đến chuyện tiền nong thì lại toát cả mồ hôi.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhàng (phòng 33, nhà A11) có tới 10 người con, hiện tại căn phòng 24 m2 của đại gia đình được ngăn làm 4, chia cho 4 hộ cùng sinh sống. Trước đây, Nhà nước phân cho vợ chồng bà theo diện công nhân. Sau nhiều năm sinh sống, sinh con đẻ cái, do đói nghèo nên các con bà chẳng được học hành tử tế. Nay xây dựng gia đình, tất cả làm nghề tự do, chẳng có điều kiện mua căn hộ khác. Đằng đẵng bao nhiêu năm, chúng bà chưa bao giờ biết đặt lưng lên thứ gọi là giường.
Chung cư khổ vì… cõng
Hầu hết các hộ dân sống ở các KTT, chung cư cũ đều tận dụng tất cả mọi điều kiện để cơi nới, tạo thêm diện tích sử dụng cho gia đình. Thực tế chứng minh, người dân không ai bảo ai mà mạnh ai nấy cơi nới nên tạo ra những cái “chuồng chim”, “chuồng cọp”, “ba lô” vắt vẻo trên tầng cao.
Nhiều hộ cơi đến mấy tầng, làm cho căn hộ của mình “chửa” hết cỡ! Thậm chí, người ta còn đặt cả bình nước lên bắt “cụ nhà” phải cõng. Bằng nhiều cách, các hộ dân này không chỉ làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình mà còn tạo nên sự nhếch nhách cho đô thị.
Hơn thế, họ tạo ra nguy hiểm cho chính mình. Ông Đinh Quốc Trung (Phó chủ tịch UBND phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “Toàn phường có 52 KTT, đa số xống cấp do thời gian, mưa nắng và do người dân cơi nới, sửa chữa mà không hiểu kiến trúc xây dựng. Chúng tôi biết tình trạng này rất dễ gây nguy hiểm, nhưng đó là do lịch sử để lại, phường cũng không còn cách gì khác. Nhiều khu nhà ở phường còn được lắp ghép bằng các khối bê tông lớn, chỉ cần động đất nhẹ là sập ngay. Nhà càng “cõng” nặng thì càng dễ sập.”
Nhà E4, KTT Trung Tự ngay cạnh trường đại học Y cũng trở nên hết sức tàn tệ với những căn hộ “chửa”, lô nhô, nhếch nhác. Khu nhà này xưa được dùng cho sinh viên trường, sau nhà trường chia nhỏ phòng cho cán bộ, giáo viên, mỗi căn 12m2. Ai có điều kiện thì bán lại cho người khác, ai kém hơn thì ở lại, họ sinh con, đẻ cái mà tất cả đều không có công trình phụ nên đành cơi nới thêm để lấy làm chỗ sinh hoạt. Hộ nào ở vị trí cạnh cầu thang, không thể cơi nới thì làm khu vệ sinh chung với phòng ngủ.
Bà Phạm Thị Thu, Tổ phó tổ dân phố nhà E 4 cho biết: “Sống ở đây vào mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng khủng khiếp bởi mỗi căn hộ đều giống cái lò bánh mỳ. Hơn nữa nhiều hộ còn dùng bếp than, hóa vàng vào các ngày lễ, mồng một nên cũng “hun” luôn cả khu”.
Cũng theo bà Thu, nhà E 4 xưa có một khu vệ sinh ở tầng một nhưng lúc có nước, lúc không lại vô cùng bất tiện nên người dân đành phải tự dùng ống nước riêng để bơm nước về, rồi lại gắn ống bắc từ khu vệ sinh của ra đình thải nước và chất thải xuống mương nước cạnh đó. Tất cả đường ống được làm lộ thiên, đường nước thải vắt qua ngõ đi, lơ lửng trên đầu nên khiến cho cả khu không những bị tra tấn bởi mùi hôi mà còn giống như con bạch tuộc khổng lồ với rất nhiều vòi.
Hà Nội còn đến hàng trăm chung cư cũ, đa số đã xuống cấp thuộc các phường Hồng Mai, Giảng Võ, Trung Tự, Nam Thành Công, Kim Giang, Thanh Xuân… Người dân khao khát được tu sửa, hoặc xây lại nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, ỳ ạch. Người dân nghèo chỉ biết sống khổ, nơm nớp sợ hãi hàng ngày nhưng vẫn chờ đợi, bám trụ trong các “cụ chung cư”…
Phóng sự của Sơn Bình