"Chưa vinh danh người hy sinh vì công vụ, nỗi đau chồng chất"

"Không nên vì văn bản hướng dẫn luật chưa quy định rõ và giải thích đầy đủ mà không công nhận danh hiệu liệt sỹ cho người có công... Một khi người thực hành công vụ đã vì bình yên của cuộc sống, vì tài sản, tính mạng của nhân dân mà hy sinh nhưng không được vinh danh thì nỗi đau của những người ở lại sẽ càng chồng chất", một vị tướng về hưu nói.

[links()]Sau khi Báo PLVN đăng loạt bài chỉ rõ những bất cập trong việc xét công nhận danh hiệu liệt sỹ đối với người có công cũng như những ý kiến phân tích của các chuyên gia và sự phản hồi từ Bộ chủ quản, nhiều ý kiến tiếp tục lên tiếng và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có giải thích cụ thể về hai từ “dũng cảm” trong các văn bản hướng dẫn luật, bởi việc này không thể thờ ơ, né tránh được.

Cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH dù đã khẳng định sẽ có giải thích cụ thể khái niệm này trong các văn bản hướng dẫn luật sắp tới, nhưng khi nào thì các văn bản hướng dẫn này mới ra đời?. Và trong thời gian đó, liệu có bao nhiêu vụ việc bất đồng quan điểm do sự thiếu thống nhất trong cách hiểu thế nào là hành động dũng cảm?.

Không thể né tránh những nỗi đau như thế này
Không thể né tránh những nỗi đau như thế này
Không nên áp dụng máy móc
Rất nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với những Điều luật tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh) và Nghị định 54 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này khi quy định phải có yếu tố “dũng cảm” trong việc xét công nhận liệt sỹ cho người có công, nhưng lại khuyết điều luật giải thích từ ngữ. 

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Vụ trưởng, Trưởng Ban III, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: 

- Điều 11 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ các trường hợp là liệt sĩ. Ngoài ra, Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh cũng đã cụ thể hơn những quy định này.

Theo các quy định đó, việc công nhận là liệt sỹ trước hết phụ thuộc vào công trạng của cá nhân, trong đó không chỉ xét đến những người hy sinh khi tham gia kháng chiến mà xét đến cả những trường hợp hy sinh khi dám đương đầu, đối mặt với tội phạm, với sự nguy hiểm và thương tật, bệnh tật.

Những người thuộc diện nêu trên chính là tấm gương về sự cống hiến, họ đã thực hiện công việc vì lợi ích của tổ quốc, nhà nước và nhân dân mà bản thân họ có thể lựa chọn giải pháp khác an toàn hơn.

Vì thế, việc xét truy tặng liệt sỹ cho các cán bộ kiểm lâm và công an xã, phường hy sinh trong khi ngăn chặn lâm tặc, chống tội phạm là cần thiết và hợp đạo lý.

Việc làm này nhằm ghi nhận công lao của những người đã dũng cảm quên mình vì việc công, vừa có tác dụng giáo dục, khích lệ tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm để bảo vệ tài sản, tài nguyên của quốc gia…

“Văn bản pháp luật đã quy định đến từ dũng cảm thì phải giải thích rõ khái niệm dũng cảm là như thế nào. Theo tôi, công nhận liệt sỹ cho một trường hợp nào đó, cơ quan chức năng nên vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, không nên áp dụng quá cứng nhắc, máy móc và câu nệ vào từng câu chữ.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh, những chiến sỹ đi hái rau rừng, măng rừng hoặc xuống suối bắt cá về nuôi quân, nuôi thương binh và chẳng may vướng phải mìn hoặc gặp phục kích của địch mà chết thì vẫn được Nhà nước vinh danh, công nhận là liệt sỹ dù họ không trực tiếp cầm súng chiến đấu”, Đại tá Lê Công Hàm, nguyên Kiểm sát viên cao cấp Viện kiểm sát Quân sự Trung ương phân tích.

Trước đó, trao đổi với PLVN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 từng lý giải: Giống như người chiến sỹ trên chiến trường, không phải khi anh đánh nhau với địch mới thể hiện sự dũng cảm. Sự dũng cảm đã thể hiện khi anh tiên phong ra trận để chiến thắng kẻ thù, không nghĩ rằng mình sẽ hy sinh, chỉ biết rằng mục tiêu trước mắt là chiến thắng.
Như vậy, ý chí đó đã thể hiện lòng dũng cảm, thể hiện mục tiêu của người chấp hành mệnh lệnh mà mệnh lệnh đó là vì an ninh tổ quốc, trật tự xã hội. Lòng dũng cảm có thể được thể hiện bằng những hành động cụ thể, cũng có thể lúc chưa có điều kiện thì chưa thể hiện ra, nhưng ý chí của người đó là biểu hiện cho lòng dũng cảm vì tổ quốc, vì nhân dân. 
Sẽ còn bao nhiêu vụ việc phải bàn cãi?
Hiện nay, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới. Tuy vậy, Nghị định thay thế cho Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa ra đời. Có nghĩa là, trong thời gian tới, việc xét công nhận danh hiệu liệt sỹ cho người có công, cơ quan chức năng vẫn phải đi mượn khái niệm “dũng cảm” trong Từ điển. 
Chính vì phải đi “mượn” khái niệm (chưa có giải thích chính thống trong các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh) nên quan điểm của cơ quan áp dụng pháp luật với cơ quan, đơn vị nơi công tác của người đã ngã xuống đã có những ý kiến trái chiều.
Mặc dù cơ quan chức năng của Bộ LĐ -TB&XH cho biết, sẽ có những giải thích cụ thể khái niệm dũng cảm và các khái niệm liên quan khác trong các văn bản hướng dẫn luật.
Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn lo ngại không biết đến bao giờ các văn bản hướng dẫn đó mới chính thức ra đời?. Và trong thời gian đó liệu có bao nhiêu vụ việc phải bàn cãi, bất đồng quan điểm giữa các cơ quan liên quan vì sự thiếu thống nhất trong cách hiểu, cách vận dụng thế nào là hành động dũng cảm?.

Về vấn đề này, một vị tướng về hưu bày tỏ: Không nên vì văn bản hướng dẫn luật chưa quy định rõ và giải thích đầy đủ mà không công nhận danh hiệu liệt sỹ cho người có công, việc làm đó sẽ gây nên nỗi đau và nỗi day dứt kéo dài cho gia đình người đã ngã xuống. Bởi vì, một khi người thực hành công vụ đã vì bình yên của cuộc sống, vì tài sản, tính mạng của nhân dân mà hy sinh nhưng không được vinh danh thì nỗi đau của những người ở lại sẽ càng chồng chất.

Cũng theo vị tướng này, người được hưởng chính sách không có trách nhiệm phải giải thích và trình  bày về lòng dũng cảm của mình, sự hy sinh của họ đã minh chứng cho tinh thần nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, khái niệm dũng cảm có thể hiểu là tinh thần trách nhiệm của người đó trong lúc thực hành công vụ, họ đã đem hết sức mình để hoàn thành và không may trong cuộc chiến đấu đó, họ đã hy sinh.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh, đã đến lúc cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ LĐ-TB&XH  phải nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để tạo thuận lợi cho cơ quan áp dụng pháp luật.
Nếu một trường hợp nào đó đã anh dũng hy sinh mà cơ quan chức năng lại né tránh, không giải quyết thì sẽ không khuyến khích được những người khác khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia chống tội phạm, đồng thời gây mất lòng tin của nhân dân vào chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa:

Không khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn là tắc trách, thiếu trách nhiệm

- Thời gian gần đây, các trường hợp hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ xảy ra khá nhiều. Trong thời bình thì việc công nhận trường hợp nào là liệt sỹ đang gây tranh luận giữa các cơ quan chức năng. Thường thì những người trong lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu hoặc thực thi công vụ mà hy sinh thì thủ tục công nhận dễ hơn.

Tuy nhiên, với trường hợp dân sự thì hiện nay đang vướng do nhận thức và quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Đó là những trường hợp như thế nào được gọi là dũng cảm thì văn bản luật chưa cụ thể hóa được. 

Theo tôi, khi xét công nhận trường hợp nào đó là liệt sỹ thì người đó phải có tính chủ động trong công việc, thấy nguy hiểm nhưng vẫn tự nguyện lao vào nhiệm vụ. Pháp lệnh chỉ quy định những điều chung nhất, Chính Phủ và Bộ chủ quản phải cụ thể hóa những điều này và có hướng dẫn bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Những trường hợp này không thể thờ ơ, né tránh được.

Nếu thực tiễn đã xảy ra nhiều vụ việc và có sự không thống nhất ý kiến giữa các cơ quan chức năng mà Bộ LĐTB&XH không khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất trong thực hiện là việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm.

Là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc xét công nhận chế độ liệt sỹ cho người có công mà để xảy ra tình trạng tranh luận, bùng nhùng giữa công nhận hay không công nhận trong một thời gian dài chỉ vì hai từ dũng cảm là việc làm không hết trách nhiệm với Chính Phủ, với nhân dân.

Vân Anh- Tuấn Anh- Bảo Hằng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.