Được ví như một hòn đảo xanh nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long - Hà Nội. Ai đến tham quan đều rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây.
Nhân dịp xuân năm mới Đinh Dậu 2017, PV báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Hoà thượng Thích Thanh Nhã - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trụ trì chùa Trấn Quốc về ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, danh thắng bậc nhất kinh kỳ.
Thưa Hòa thượng, Trấn Quốc cổ tự được coi chứng tích lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, chính ngôi chùa này đã song hành với kinh thành Thăng Long hàng nghìn năm lịch sử, Hoà Thượng có thể cho biết thêm về điều này?
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội). Chùa được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi đầu tiên là “Khai quốc” (nghĩa là mở nước). Đây cũng là ngôi chùa gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam - nhà nước Vạn Xuân.
Hoà thượng Thích Thanh Nhã |
Kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mông, chùa được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.
Trấn Quốc tự xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.
Các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi chơi). Sau khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho bọn hoạn quan và cung nữ, còn chùa vẫn giữ được nguyên vẹn.
Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý - Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.
Ngôi chùa có lịch sử nghìn năm |
Nổi tiếng là linh thiêng, lại là danh thắng bậc nhất kinh kỳ với bề dày lịch sử, xin Hòa thượng cho biết những giá trị đặc biệt nào đã khẳng định “tên tuổi” của ngôi cổ tự nghìn tuổi bên Hồ Tây?
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).
Chùa được thiết kế theo hướng Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.
Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.
Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.
Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.
Chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010 |
Đánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan ngôi chùa, viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn sứ Đông Dương. Đến năm 1962, nhà nước xếp hạng chùa là di tích lịch sử Quốc gia thu hút rất đông khách đến lễ phật, thăm quan.
Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010.
Được biết, không chỉ là điểm du lịch, tham quan nổi tiếng trong nước mà ngôi chùa còn là nơi tiếp đón nhiều “vị khách” lịch sử?
Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng để đàm đạo. Năm Kỷ Mão (1639), chúa Trịnh cho sửa và trồng sen quanh chùa, biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà Chúa. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc để tu sửa chùa. Năm 1842, vua Thiệu Trị ghé thăm, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan để tu sửa chùa.
Đặc biệt, chùa Trấn Quốc còn là ngôi chùa đón nhiều vị lãnh đạo quốc gia và các đoàn nguyên thủ, du khách quốc tế đến đây thăm quan, vãn cảnh rất thành kính và bày tỏ tình cảm quý mến.
Ngày 24/3/1959, chùa Trấn Quốc vinh dự đón Tổng thống Ấn Độ Prasat đến thăm. Ông đã tự mình mang sang tặng cây bồ đề chiết từ gốc cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Cây bồ đề ấy nay rất tốt tươi, vươn cành xòe tán phủ khắp sân chùa.
Tiếp đó, ngày 28/11/2008, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đến thắp hương và thăm quan nhân dịp trong chuyến công du Việt Nam.
Cách đây không lâu, nhân chuyến sang dự Hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN - LB Nga lần thứ hai, chiều 30/10/2010, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã đến thăm chùa Trấn Quốc. Trong không khí se lạnh có chút nắng vàng của trời thu Hà Nội, Tổng thống đã thong dong bách bộ trên lối lối nhỏ trong vườn chùa.
Những đoàn khách từ Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Romania… đến vãn cảnh chùa đều tỏ ra thích thú và muốn tìm hiểu nhiều điều về Phật giáo tại Việt Nam. Ngôi chùa mang đậm kiến trúc Á Đông này sẽ là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người, lắng đọng nơi tâm hồn du khách một cảm giác nhẹ nhàng, trong lặng.
Xin cho biết các hoạt động được tổ chức tại chùa nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017 và Hòa thượng muốn gửi gắm điều gì tới những phật tử và du khách trong và ngoài nước nhân dịp chào đón năm mới?
Từ bao đời nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam. Ðạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc, như trong câu thơ của cố hòa thượng Mãn Giác:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên
Không chỉ trong dịp tết mà nhà chùa liên tục mở cửa đón phật tử và nhân dân đến hành lễ, chiêm bái. Đặc biệt, trong đêm giao thừa tết Nguyên đán, nhà chùa mở cửa và tổ chức khoá lễ cầu nguyện cầu quốc thái dân an, đây là khoá lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức.
Trong những ngày đầu tháng và rằm, nhà chùa sẽ tổ chức khoá lễ Giảng pháp; tổ chức giảng lễ cầu quốc thái dân an. Tất cả mọi ngày trong năm, chúng tôi luôn mở cửa đón du khách đi lễ và thăm quan, vãn cảnh chùa.
Du khách thập phương tìm đến vãn cảnh chùa |
Trong tương lai nhà chùa sẽ tiếp tục là nơi dành cho các phật tử và các sư tu học, thúc đẩy Phật giáo phát triển đồng hành cùng với dân tộc, đồng hành cùng đất nước tiến lên hội nhập Quốc tế. Mong muốn giúp cho tâm từ bi hỉ xả, làm sao để mọi người đóng góp được lợi ích cho đời nhiều hơn.
Đồng thời, làm phong phú thêm truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc hình thành nhân cách mang tính nhân văn, nhân ái của một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhân đây, nhà chùa xin gửi tới quý độc giả của báo Pháp luật Việt Nam lời chúc: Tú - Dạ - Ngọc - Hạ - Hồng - Cát Tường. Cầu nguyện cho quốc thái, dân an; mọi người được an lành mạnh khoẻ. Chúc bà con một năm mới được khoẻ mạnh - bình an; cầu chúc cho mọi người được an lành trong cuộc sống; đất nước phát triển!
PV: Xin cảm ơn Hoà thượng!