Vòng đấu loại Hội chọi trâu Đồ Sơn tranh giải Báo Hải Phòng 2010 vừa kết thúc, nhưng dư âm của ngày hội lớn ở vùng đất bán đảo vẫn còn đọng lại với nhiều người. Xen giữa những trận đấu hay là những trận các “ông” trâu … không đấu. Bên cạnh đó, việc vắng mặt của nhiều cơ quan báo chí khiến không khí ngày hội trầm hơn mọi lần. Màn tấu trống, múa cờ được đổi khác, tuy vẫn chưa thực sự hấp dẫn…
Màn tấu trống, cờ vào hội |
Làm mới nhưng chưa sâu
Quyết tâm đổi mới phần hội được Ban tổ chức Hội chọi trâu tiến hành ngay từ đầu năm và điều đổi mới lớn nhất là thay đổi màn tấu trống, múa cờ trận. Phải thừa nhận, sự đổi mới kịp thời này của BTC lễ hội tạo nên sự khác biệt và đem lại thích thú cho người xem. Những năm trước, tấu trống và múa cờ được chia thành hai tiết mục riêng biệt, nay gộp lại thành một. Âm hưởng hào hùng của tiếng trống hội, những màn múa cờ mang chất võ thuật xen lẫn vào nhau tạo nên không khí sôi động hiếm thấy trên sân. Nhiều người theo dõi hội chọi trâu lâu năm có cảm giác vui thích khi chứng kiến những chàng trai trẻ đất Đồ Sơn thể hiện tinh thần thượng võ của thế hệ cha ông ngày trước.
Tuy nhiên, màn múa cờ trận vẫn chưa thực sự nổi bật với việc thiếu đi một nhân vật trung tâm. Khác biệt đến chỉ trong động tác, chưa tạo nên sự thay đổi mang tính riêng biệt. Càng xem, càng thấy thiếu đi một người “cầm trịch” trong màn múa cờ. Theo nhiều người, màn múa cờ trận kết hợp tấu trống năm nay hay, nhưng giá như có một người cầm cờ đại đứng đầu vung cán cờ múa mô phỏng hình ảnh những người bắt trâu sau trận đấu sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Và đó mới là cái gốc thể hiện tinh thần thượng võ với những kỹ thuật điêu luyện chỉ có ở Đồ Sơn.
Đông đảo nhân dân địa phương về xem và nhiệt tình cổ vũ cho hội |
Chưa khi nào Hội chọi trâu Đồ Sơn lại trầm lắng như năm nay bởi số lượng người xem ít. Về mặt truyền thông, hình ảnh của lễ hội cũng mờ nhạt. Đến giờ khai mạc, số người đến chỉ bằng một nửa so với vài mùa trước. Lý giải về việc này, một thành viên của Ban tổ chức cho rằng, vòng loại được tổ chức vào ngày thứ hai nên lượng người đến ít. Nói như vậy sẽ có người hiểu, người đi xem chọi trâu phần lớn là cán bộ công chức hay sao(?). Những người thích chọi trâu đều biết đến vòng chung kết với câu vè “mồng chín tháng tám chọi trâu thì về”, nhưng nếu không phải người Đồ Sơn, mấy ai biết đến vòng loại tổ chức vào mồng tám tháng sáu?. Như vậy có nghĩa là về mặt truyền thông, hình ảnh vòng đấu loại không đạt yêu cầu như kỳ vọng ban đầu, chưa thu hút được sự chú ý của người Hải Phòng, chưa nói gì đến các tỉnh, thành phố khác. Cũng phải kể đến một nguyên nhân khách quan là vòng loại diễn ra chỉ sau 1 ngày cơn bão số 1 đổ bộ vào Hải Phòng và các tỉnh duyên hai phía Bắc, cũng hạn chế ít nhiều lượng khách đến xem.
Dù sao, vòng loại Hội chọi trâu Đồ Sơn cũng là vòng đấu mang tính truyền thống, đừng quá tập trung vào ngày hội chính mà xem nhẹ vòng loại, bởi theo nhiều người am hiểu về Hội chọi trâu, vòng loại mới là vòng quyết định vì các trâu chỉ thi đấu trận duy nhất. Cái tinh hoa trong nghề sẽ bộc lộ ra ngay từ lúc đưa trâu vào sới chọi.
Có vấn đề về luyện trâu
Khác biệt ở sới chọi vòng loại năm nay là các trận đấu được phân chia thành hai thái cực. Thứ nhất là những trận đấu tuyệt hay, thứ hai là những trận đấu cực dở, dở đến nỗi trâu không… thèm chọi.
32 trâu dự vòng loại với 16 trận để chọn ra trâu thắng vào vòng chung kết, nhưng những trận đấu hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải thừa nhận, có một số trận đấu “đỉnh” thực sự. Đó là trận thứ 2 giữa trâu số 14 của ông Hoàng Đình Phúc (Vạn Hương) và trâu số 09 của ông Hoàng Đình Doàn (Hợp Đức); trận đấu thứ 8 giữa trâu số 21 của ông Đinh Đình Ngọc (Ngọc Hải) và trâu số 32 của ông Lưu Đình Kim (Ngọc Hải). Trận đấu thứ 13 giữa trâu số 20 của ông Lê Đình Cò và trâu 22 của ông Lưu Đình Hiếu có thời gian thi đấu lâu nhất, 15 phút… Những trận đấu này, tài chọn trâu, luyện trâu được các chủ trâu thể hiện tối đa. Trận đấu thứ 2 diễn ra căng thẳng nhất. Trâu số 14 to hơn trâu số 09 nhiều, nhưng độ lỳ của trâu 09 thì ít trâu nào sánh bằng. Bị trâu 14 quần cho tơi tả nhưng trâu 09 vẫn không chịu chạy và lừa miếng chống lại. Thế giằng co bị phá vỡ ở phút thứ 8 khi trâu 14 có độ lỳ kém xa đối thủ. Trận thứ 13 cũng vậy, trâu số 22 bị trâu 20 húc gẫy cả chân, tóe máu mắt nhưng vẫn gan lỳ. Chỉ khi bị đối phương lắc chẻ sừng, trâu 22 mới bỏ chạy trong tiếng reo hò vang dội của người xem.
Những trận đấu dở lại nhiều hơn ở vòng đấu loại này khiến người xem thất vọng. Các trâu cứ thoải mái “ngửi” nhau khiến người xem sốt ruột. Nào hò hét, nào gõ trống, nào phất áo mà các trâu cứ tha thẩn… gặm cỏ rồi nhìn đối thủ. Một ông chủ trâu thấy trâu mình không chọi cũng sốt ruột không kém, hô hào người dẫn trâu, nhưng trong sới, trâu nhất quyết không chọi. Nhiều người bảo, trâu không chọi là có vẻ như chúng kỵ giơ nhau, nhưng thực tế có phải như vậy? Theo kinh nghiệm của một số người cao tuổi, chả có kỵ giơ gì hết, trâu không chọi thể hiện sự yếu kém của các chủ trâu trong huấn luyện. Chẳng hạn, trâu số 19 của ông Nguyễn Văn Tuấn (Bàng La) trước khi đi chọi được dự đoán nằm trong tốp đầu ứng viên vô địch, vì từng khiến các trâu khác khiếp đảm vì lối đánh dũng mãnh và khôn ngoan, vượt qua vòng loại là chuyện “trở bàn tay”. Nhưng khi vào trận, trâu này không chọi, nguyên nhân được đưa ra là: chủ trâu đưa trâu ra luyện ở hiện trường ít quá. Thấy trống phách, hò hét, vẫy áo, trâu… mất hứng, không chọi nữa. Cũng có người tiếc cho trâu 19, giá mà chủ trâu thường xuyên luyện trâu với tiếng động hiện trường, chắc “ông” này dạn hơn nhiều và kết quả sẽ khác.
Lâu lắm rồi, vòng đấu loại Hội chọi trâu Đồ Sơn mới kéo dài kỷ lục -đến gần 13 giờ chiều, lỗi thuộc về các “ông” trâu không chịu chọi và tác phong lề mề của các chủ trâu khi đưa trâu vào sân sới. Những hạn chế này nhiều khả năng tái diễn tại vòng chung kết, nếu như Ban tổ chức không tính đến những rủi ro kiểu này.
Để lễ hội chọi trâu hoành tráng và hấp dẫn, cần giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình diễn ra. Khi Ban tổ chức quản lý tốt được những rủi ro về cách thức tổ chức, truyền thông, bán thịt trâu, thu hút được người đến…, lúc ấy, Hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn càng có điều kiện để vươn xa…
Đức Phong
Ảnh: Duy Lân