“Chưa muộn để phát triển công nghiệp ôtô”

Sau thời điểm thực hiện cam kết AFTA, với mức thuế suất đối với ôtô nhập khẩu bằng 0%, chúng ta sẽ không nhìn nhận

“Sau thời điểm thực hiện cam kết AFTA, với mức thuế suất đối với ôtô nhập khẩu bằng 0%, chúng ta sẽ không nhìn nhận Việt Nam như một thị trường riêng lẻ nữa, mà sẽ nhìn nhận ASEAN như một thị trường chung”.

Tại trụ sở ở Hà Nội, ông Michael Pease – Tổng giám đốc Ford Việt Nam (sau đây được viết tắt là TGĐ Ford) – đã có một cuộc trao đổi đầy cởi mở với Tạp chí Autonet. Không chỉ tiết lộ những kế hoạch sắp tới của Ford, về mẫu xe nhỏ toàn cầu Fiesta, ông TGĐ còn tỏ ra lạc quan về nền sản xuất ôtô, về công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam trong tương lai. Dưới đây là chi tiết cuộc nói chuyện:

Autonet: Được biết tập đoàn Ford đang tiến hành phát triển mẫu xe nhỏ Fiesta trên thị trường toàn cầu, trong đó có các nước châu Á và cả Việt Nam. Xin ông cho biết kế hoạch của Ford Việt Nam về mẫu xe này?

TGĐ Ford: Ford Fiesta là một sản phẩm vô cùng quan trọng đối với tập đoàn của chúng tôi, không chỉ ở châu Á, Úc, châu Âu mà cả ở Mỹ trong tương lai. Ford đã giới thiệu mẫu xe này ở Trung Quốc và châu Âu – những thị trường quan trọng nhất của chúng tôi. Phản hồi của khách hàng tích cực, chỉ trong vòng hơn 1 năm kể từ khi giới thiệu Fiesta phiên bản mới nhất, doanh số bán đã đạt hơn 500.000 xe. Đây là tín hiệu rất tốt, là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi.

Và đây là thời điểm để chúng tôi giới thiệu Fiesta trong khu vực Đông Nam Á, mà sẽ khởi động bằng việc giới thiệu tại Thái Lan. Fiesta tại Thái Lan cũng sẽ đóng vai trò như một sản phẩm CBU cho một số thị trường Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ford.

Ở Việt Nam thì chúng tôi sẽ lắp ráp Fiesta để bán cho người tiêu dùng, chính vì thế chúng tôi sẽ đi sau kế hoạch ở Thái Lan vài tháng. Và chúng tôi dự kiến sẽ giới thiệu sản phẩm này vào đầu năm 2011. Với sự kết hợp của kiểu dáng Kinetic, công nghệ hiện đại, tôi nghĩ rằng Fiesta sẽ thành công trên thị trường Việt Nam.

Autonet: Thực tế cho thấy là có những mẫu xe thành công trên thị trường châu Âu, nhưng lại không được đón nhận ở Việt Nam, chẳng hạn như Mondeo, Focus… Theo ông thì đâu là  sự khác biệt về sở thích cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam?

TGĐ Ford: Thứ nhất là vấn đề về Focus, nổi tiếng ở khắp nơi, và tiêu thụ mạnh không chỉ ở các thị trường khác mà cả ở Việt Nam. Hiện tại chúng tôi đạt mức tiêu thụ hơn 100 xe một tháng. Càng ngày Focus càng có vị trí tốt hơn và thị phần không ngừng tăng. Với việc giới thiệu phiên bản mới nhất của Focus, cả sedan 4 cửa và hatchback 5 cửa, Focus đã tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Giá trị mà Focus mang lại cho người tiêu dùng là rất lớn.

Còn đối với sản phẩm Mondeo mà chúng tôi giới thiệu phiên bản hoàn toàn mới vào năm 2009, đây có thể nói là công việc kiến tạo lại thương hiệu Mondeo. Phân khúc mà Mondeo cạnh tranh có vẻ như vô cùng khốc liệt. Vì ngoài những đối thủ lắp ráp trong nước có từ khá lâu rồi thì chúng tôi còn có rất nhiều đối thủ nhập khẩu.

Những sản phẩm nhập nguyên chiếc ở Việt Nam, đáng lẽ ra với chính sách thuế như ở Việt Nam hiện nay, thì sẽ có giá rất cao. Nhưng trên thực tế thì có khi lại ngang giá, thậm chí là thấp hơn so với giá của Mondeo. Và đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi rất khó hiểu.

Với tình hình như vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã tiếp tục theo dõi những biến động và có những chiến lược để phát triển dòng xe này. Gần đây nhất, chúng tôi đã công bố bảng giá mới cho Mondeo, nâng tính cạnh tranh cũng như giá trị cho sản phẩm này. Từ động thái đó, Mondeo nhận được những phản hồi rất tích cực từ các đại lý và từ thị trường. Với tất cả những điểm mạnh mà sản phẩm này vốn có, từ kiểu dáng, phong cách và công nghệ, giờ lại có thêm mức giá hấp dẫn tôi tin chắc sự phát triển của Mondeo trên thị trường Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Còn về sự khác biệt về thị hiếu người Việt Nam, đương nhiên là có sự khác biệt rõ ràng về việc sử dụng xe như thế nào, và loại xe mà họ lựa chọn. Nhưng chung quy lại, có những điểm chung mà hầu hết người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới tìm kiếm, đó là những chiếc xe giá trị, phong cách, chất lượng, độ tin cậy, và chất lượng dịch vụ.

Autonet: Nhưng có ý kiến cho rằng, xe Ford bây giờ có chất lượng nội thất không tốt như mấy năm trước, đặc biệt là về chất liệu. Có phải Ford Việt Nam theo đuổi việc cắt giảm giá mà coi nhẹ vấn đề này?

TGĐ Ford: Tôi khá là ngạc nhiên với bình luận như vậy và không hề có chuyện đó. Chiếc xe đẹp bên ngoài là một vấn đề, nhưng điều quan trọng hơn là nội thất phải tạo cho lái xe sự thoải mái, là nơi thường xuyên giao tiếp với lái xe trong suốt quá trình mà họ sử dụng.

Tôi đơn cử như phong cách nội thất châu Âu của Mondeo tạo cho người sử dụng cảm giác rất thoải mái và tiện nghi. Bản thân tôi vừa qua đã tự mình lái chiếc Mondeo vào Thành phố Vinh suốt 7 tiếng, rồi lái từ đó trở ra 7 tiếng nữa, và tôi rất hài lòng.

Autonet: Trường hợp của Everest – chiếc xe rất hot một thời – nay lại có sức tiêu thụ khiêm tốn, giảm nhiều so với thời kỳ mới ra mắt. Liệu có phải Everest cải tiến không còn hấp dẫn?

TGĐ Ford: Về tình hình tiêu thụ của Everest thì tôi cảm thấy là vẫn rất tốt. Hơn nữa, việc tăng trưởng của hai mẫu là Escape và Focus đã giúp chúng tôi cân bằng lại tổng thể sản phẩm của mình. Cách đây độ 2 – 3 năm thì Everest chiếm đến khoảng 70% sản lượng của Ford Việt Nam. Tuy nhiên, sự trỗi đậy của Escape và Focus trong nhóm khách hàng cá nhân giúp điều tiết lại. Năm sau khi giới thiệu mẫu Fiesta thì tôi tin rằng sự cân bằng về sức mua giữa các dòng xe của Ford còn được điều chỉnh nữa.

Tôi không nghĩ rằng việc cải tiến Everest làm nó không còn hấp dẫn, mà vấn đề ở đây là tính cạnh tranh trên thị trường đã tăng lên. Trong quá khứ, khi Everest ra đời, gần như chỉ có nó và một vài đối thủ khác. Nhưng gần đây có rất nhiều đối thủ khác nhảy vào phân khúc này, trong đó có cả các hãng Hàn Quốc. Chính vì thế, sức cạnh tranh càng ngày càng lớn.

Khi các hãng mới vào cuộc, sức tiêu thụ của các tên tuổi cũ tất nhiên sẽ bị chia sẻ. Tuy nhiên, khi phân tích một dòng xe thì tôi thường nhìn vào tỷ lệ thị phần của nó trong phân khúc đó chứ không nhìn vào doanh số tiêu thụ chung. Hơn nữa, Everest là chiếc xe phục vụ rất đắc lực cho công việc của các khách hàng khối doanh nghiệp. Khi có sự biến động về kinh tế, với những khó khăn về lãi suất cũng như các tín hiệu không mấy sáng sủa về kinh tế khác, thì họ sẽ không đủ tự tin để mua sắm xe.

Autonet: Vâng, quả là thị trường đầu năm nay có khó khăn. Vậy ông có hài lòng với kết quả bán hàng mà Ford đạt được trong 6 tháng đầu năm 2010 (đứng thứ 6 với 2.673 xe)?

TGĐ Ford: Thị trường trong 6 tháng đầu năm nay quả là khó khăn hơn rất nhiều. Với những thay đổi về chính sách, về lãi suất tín dụng cho vay, thì việc mua xe trong trong các lĩnh vực doanh nghiệp giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lạc quan vào tình hình của thị trường. Năm 2010, chúng tôi nhận thấy những tiến bộ trong việc bán hàng cho người tiêu dùng cá nhân cho các dòng sản phẩm như Focus, Escape, Mondeo… Tuy nhiên, lĩnh vực bán hàng cho các doanh nghiệp gồm có các sản phẩm như Everest, Ranger và Transit không được mạnh mẽ như vài năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận được rằng đây là những yếu tố khách quan của thị trường và chỉ là vấn đề tạm thời.

Chúng tôi hy vọng rằng trong nửa cuối của năm 2010 với những nỗ lực của chính phủ thúc đẩy kinh tế để đạt được mức tăng trưởng GDP như mục tiêu thì niềm tin trong khối sản xuất và doanh nghiệp tăng lên, cùng với đó là chính sách hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng sẽ thúc đẩy việc mua sắm ôtô. Nhu cầu mua xe trong giới doanh nghiệp vẫn còn đó, chỉ có điều là họ chưa tự tin trong nửa đầu năm mà thôi. Và tôi tin chắc là nửa cuối năm thị trường sẽ khởi sắc hơn rất nhiều.

Nếu quan sát báo cáo tổng kết của VAMA thì có thể thấy là hai đối thủ đứng trước chúng tôi là những nhà sản xuất lớn cung cấp số lượng lớn xe tải và xe buýt – những sản phẩm mà chúng tôi không có. Còn trong các phân khúc mà chúng tôi có sản phẩm cung cấp thì Ford luôn đứng thứ nhất hoặc đứng thứ 3.

Autonet: Ông có vẻ rất lạc quan. Và Ford Việt Nam phấn đấu nửa cuối năm nay sẽ tăng trưởng bao nhiêu?

TGĐ Ford: Bản chất thì tôi là người lạc quan và tôi luôn nhìn nhận các vấn đề hết sức lạc quan. Tôi đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng trong nửa cuối năm 2010 khoảng 30%. Tất nhiên là chúng tôi không kiểm soát hoàn toàn được vấn đề đó, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thúc đẩy kinh tế của nhà nước.

Autonet: Chiến lược của Ford VN sẽ có thay đổi gì sau khi cam kết tự do hóa thương mại AFTA có hiệu lực vào năm 2018? Liệu điều này có ảnh hưởng đến cam kết đầu tư lâu dài của Ford vào thị trường Việt Nam không?

TGĐ Ford: Chúng ta cần phải thừa nhận rằng các chính sách dành cho việc phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và minh bạch. Mặc dù có được sự tăng trưởng khá lớn về mặt số lượng bán ra trong những năm qua, nhưng về mặt quy mô thì rõ ràng là thị trường Việt Nam còn quá nhỏ so với các thị trường khác trong khu vực.

Xét về lượng xuất xưởng cho một dòng xe cũng vậy, việc sản xuất cho một dòng xe ở Việt Nam là quá nhỏ. Đến năm 2018 sẽ có một bức tranh là không phải tất cả các hãng sản xuất ôtô ở Việt Nam bị đóng cửa. Các hãng sẽ phải nghiên cứu rất nghiêm túc, xem lại việc đầu tư của mình.

Và để đạt hiệu quả nhất, các nhà sản xuất sẽ chỉ đầu tư vào một nhà máy sản xuất với số lượng lớn, hơn là đầu tư vào 3 – 4 nhà máy với năng suất thấp. Sau năm 2018 thì xu hướng hợp lý hóa quá trình sản xuất sẽ bộc lộ rõ. Chẳng hạn như tập đoàn Ford có thể sẽ sản xuất mẫu Focus ở một nhà máy ở một nước, rồi xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực. Transit cũng vậy, chúng tôi sẽ chọn một nơi để sản xuất xe Transit. Đối với Việt Nam, nếu đến thời điểm đó vẫn duy trì việc sản xuất lắp ráp trong nước thì chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ cần đến năng lực để xuất khẩu.

Vậy câu hỏi lớn ở đây là điều gì sẽ xảy ra đối với Việt Nam? Liệu Việt Nam sẽ trở thành nguồn xuất khẩu của ASEAN hay đơn thuần là một thị trường nhập khẩu của ASEAN? Không còn nghi ngờ gì nữa là thị trường nội địa của Việt Nam rất hấp dẫn, tiềm năng rất lớn với hơn 86 triệu dân, tầng lớp có thu nhập trung bình ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào… Bất kỳ một hãng nào đầu tư vào Việt Nam đều có tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến việc cạnh tranh trực tiếp với các thị trường lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay các thị trường khác, nơi có những nhà máy rất lớn, công suất lớn, và có hệ thống cung cấp phụ tùng nội địa tốt hơn hẳn.

Với cương vị là nhà sản xuất thì chúng tôi thực sự cần sự hỗ trợ của Chính phủ, và các cơ quan đầu ngành, làm việc cùng nhau để có thể hoạch định những chính sách, đặt ra mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng như kế hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, tôi tin chắc rằng sẽ duy trì được nền sản xuất nếu chúng ta định hướng và phát triển nền công nghiệp phụ trợ tốt hơn. Đương nhiên là số lượng các nhà sản xuất cũng như các nhà máy sẽ ít đi, nhưng đổi lại các hãng sẽ đầu tư một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn và họ cũng phải tìm cách tồn tại được trên thị trường này.

Autonet: Ông lại vừa tỏ ra lạc quan về công nghiệp phụ trợ. Trong khi đại diện nhiều bộ ngành liên quan lại cho rằng đã quá muộn để phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

TGĐ Ford: Tôi không nghĩ là đã muộn. Có thể mọi người quá tập trung vào cái mốc năm 2018 và muốn nhìn thấy một cái gì đó thay đổi ngay lập tức, nhưng không phải như vậy. Phát triển công nghiệp ôtô là một quá trình dài. Trong suốt quá trình các hãng tung ra sản phẩm mới, thay thế sản phẩm cũ, cải tiến sản phẩm hiện có… thì các hãng luôn phải quyết định xem sẽ dùng các sản phẩm nội địa của Việt Nam hay không.

Đúng là thời gian còn rất ngắn, không còn nhiều để chờ đợi nữa mà chúng ta phải hành động ngay bây giờ và chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ ngay bây giờ, ngay trong năm nay chứ không phải là năm sau hay năm sau nữa.

Năm 2018 không phải là thời điểm để kết thúc, mà là thời điểm để bắt đầu. Tôi có thể dẫn chứng thêm về các thị trường như Thái Lan, Indonesia hay Philipines (dĩ nhiên là loại trừ Malaysia vì nền công nghiệp ôtô nước này được bảo hộ). Hiện tại 3 nước này đã áp mức thuế là 0% nhưng chưa hề có nhà máy nào đóng cửa, ngược lại, họ nhận được thêm nhiều tin tốt lành. Tất nhiên là có sự khác nhau về cạnh tranh, và sau thời điểm thực hiện cam kết AFTA đó thì chúng ta không nhìn nhận Việt Nam như một thị trường riêng lẻ nữa, mà chúng ta sẽ nhìn ASEAN như một thị trường chung và tìm kiếm cơ hội xung quanh đó.

Autonet: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cho Autonet! Chúc Ford tiếp tục thành công trên thị trường xe hơi Việt Nam!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.