Chưa đồng tình với 'lệnh cấm' của Bí thư Thăng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Việc Bí thư Thành ủy chủ trương “cấm dạy thêm, học thêm” vừa là đạo lý, vừa là hợp lòng dân. Tuy nhiên, trong dư luận, bên cạnh ý kiến tán thành, vẫn có ý kiến chưa đồng tình.

Sinh ra, lớn lên, học chữ và sống ở Sài Gòn (nay là TP HCM), tôi hết sức xúc động trước sự quan tâm đặc biệt mới đây của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng với việc phát triển giáo dục và đào tạo toàn diện đạt chuẩn hội nhập quốc tế.

Đây là vấn đề lớn mà các quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Úc, Bhutan, Singapore...) đặc biệt quan tâm, một trong những vấn đề hệ trọng, trước hết trong chiến lược xây dựng con người, chăm lo đời sống mọi mặt của con người.

Vấn đề cốt lõi mà Bí thư Thành ủy TP HCM quan tâm là chú trọng phát triển thể chất, đạo đức, lối sống, nhân cách, có trách nhiệm với cộng đồng của học sinh, tạo ra sản phẩm giáo dục hoàn chỉnh chứ không chỉ giỏi công nghệ thông tin, toán hay văn học, ngoại ngữ... Phải nung nấu tinh thần khởi nghiệp, nuôi chí lớn, hoài bão, khát khao làm giàu chính đáng. 

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố cần phải lưu tâm đến sách giáo khoa, phải giữ nét văn hóa đặc trưng, vốn quý của người Nam bộ, hào sảng, cao thượng, sống nghĩa tình, có ý chí tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, gia đình, phụng sự Tổ quốc, trên cơ sở chương trình giáo dục khung của Bộ GD-ĐT mang tính chất nền tảng. 

Bí thư Thăng còn chỉ đạo việc tổ chức thí điểm, lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) do Chủ tịch UBND TP HCM làm Chủ tịch nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển của TP HCM. Nhưng trước hết là phải kiên quyết không cho “dạy thêm, học thêm” để có thể tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyện học thời xưa

Tôi thuộc thế hệ học sinh ở thành phố này ngồi ghế nhà trường trước những năm 1950, thiết nghĩ cách dạy và học ngày ấy có nhiều điểm đến nay vẫn còn giá trị tham khảo đầy ý nghĩa. Hồi đó, từ khi học tiểu học đến lúc tốt nghiệp Tú tài toàn phần tiếng Pháp ở trường tại Sài Gòn: Học ở trường công  (như Jean Jacques Rousseau nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) có, ở trường tư có, kể cả ở trường tôn giáo do người theo đạo Thiên Chúa dòng La San tổ chức ở Thủ Đức, Trường Taberd ở Sài Gòn. Nhưng điểm giống nhau ở các thầy, cô là với đạo đức nghề nghiệp, đều chuyển tải hết kiến thức của mình cho học sinh. 

Đối với các học sinh yếu ở một môn hay một số môn thì thầy cô có trách nhiệm phụ đạo mà không đòi hỏi thù lao gì và bản thân học sinh giỏi có ý thức giúp đỡ học sinh kém hơn. Tất cả học sinh trong lớp, nếu chăm chỉ học tập thì chắc chắn thi đậu. Trường hợp học sinh siêng năng học yếu mà thi rớt thì sau đó nếu cố gắng học vẫn đậu. Không bao giờ có việc gian lận, “chạy” thầy, “chạy” bằng, bởi vì thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng đối với học sinh. 

Thời điểm đó, không cấm “dạy thêm, học thêm”. Những trường hợp học sinh yếu toàn diện thì cha mẹ buộc phải thuê thầy, cô dạy thêm ở nhà, tiền thù lao cũng vừa phải. Đối với học sinh giỏi vượt trội thì cha mẹ cũng thuê thầy cô để giúp con mình “nhảy” lớp. Như bản thân gia đình tôi: cha bị địch cầm tù và lưu đày hơn 4.000 ngày, mẹ tôi bị bệnh tâm thần, thu nhập khó khăn, chị tôi và tôi phải dạy thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

Thoát ly tham gia cách mạng ở căn cứ Bắc Tây Ninh (năm 1962), sau ngày 30/4/1975, tôi gặp lại bạn cũ, hầu hết đều đã là bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư, giáo viên, nhà kinh doanh thành đạt… Xét lại một số nguyên nhân quan trọng, nhận thấy có những lý do là dù cấp học nào cũng có chấm điểm cho từng môn học; hàng tuần học sinh còn có thời gian chơi thể thao, bơi lội, học thêm tiếng Anh ở Hội Việt – Mỹ (nay là trụ sở của Ủy ban MTTQ TP HCM); buổi tối có thời gian ôn bài, giải trí. Sách giáo khoa thì ổn định. Sách chị tôi học xong để cho tôi. Sáu năm sau em tôi vẫn dùng sách ấy.

Nỗi buồn thời kinh tế thị trường

Sau ngày 30/04/1975, theo chủ trương ban đầu, giáo dục chỉ có trường công, không còn trường tư. Ngân sách mà Nhà nước phải dùng để trả lương cho giáo viên là quá lớn; đương nhiên lương của mỗi giáo viên có thể quá thấp, không đủ để nuôi bản thân giáo viên thì làm sao nuôi cả gia đình. Thực trạng trên đòi hỏi mỗi cán bộ kháng chiến phải tìm việc làm phụ để giảm bớt khó khăn gia đình như đi bán hàng, nuôi heo, gà tại nhà, đi sản xuất xa, bỏ mối bánh mì... 

Khi từ chiến khu về, nghe lãnh đạo nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: Về thành phố “Không được đụng viên đạn bọc đường”, “không được đụng đến cây kim, sợi chỉ của nhân dân”, tôi chọn nghề phụ là đi bỏ mối bánh mì (5 năm liền); qua đó tôi hiểu thấu cuộc sống vất vả của người dân lao động; nhờ vậy tôi đã giữ vững sự liêm chính đến ngày nay.

Đáng tiếc là thời kinh tế thị trường đã có không ít cán bộ không vượt qua chính mình, gục ngã trước bao cám dỗ về tiền tài, vật chất. Bên cạnh những giáo viên bằng lòng với số tiền ít ỏi thu được từ việc bán kẹo, bánh, thức ăn mặn cho học sinh tại ngay sân trường… để giảm bớt khó khăn gia đình thì không ít giáo viên không giữ vững được đạo đức nghề nghiệp làm những điều không phải như: Không chuyển tải hết kiến thức cần thiết để buộc học sinh  phải học thêm ở nhà hay trung tâm, tệ hơn là còn buộc phụ huynh học sinh làm đơn xin cho con học thêm. 

Thay vì lấy thù lao vừa với công sức bỏ ra thì có người lại lấy thù lao quá đáng, có trường hợp thu nhập đến nửa tỷ đồng/tháng. Họ xem học sinh là đối tượng để lợi dụng làm giàu, góp phần tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, tạo sự bất công trong xã hội. Làm như vậy, gia đình giàu mới có tiền cho con học thêm, còn gia đình nghèo không có tiền cho con học thêm, con sẽ mãi là học sinh dốt, không có cơ hội để tiến thân.

“Gạn đục khơi trong” như thế nào?

Trước tình hình nghiêm trọng trên đây, việc Bí thư Thành ủy chủ trương “cấm dạy thêm, học thêm” vừa là đạo lý, vừa là hợp lòng dân. Tuy nhiên, trong dư luận, bên cạnh ý kiến tán thành, vẫn có ý kiến chưa đồng tình.

Có lẽ, việc cấm “dạy thêm, học thêm” nên là ở trường, lớp chính khóa. Ở trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo học sinh yếu kém mà không lấy thù lao. Cần khuyến khích học sinh giỏi giúp học sinh yếu kém. Cần quy định giáo viên chuyển tải hết kiến thức cần thiết cho học sinh theo chương trình nhà trường đề ra, tuyệt đối cấm việc chuyển tải không hết kiến thức rồi buộc học sinh phải học thêm. 

Có lẽ cũng nên cho phép giáo viên dạy thêm đối với học sinh quá yếu kém dù có nỗ lực, nhưng phải có yêu cầu tự giác của phụ huynh và có sự  chấp thuận của ban giám hiệu nhà trường. Đối với học sinh học giỏi vượt trội có yêu cầu “nhảy” lớp thì cũng cần được “dạy thêm, học thêm”.

Về thù lao, nên có quy định đối với từng cấp học sao cho hợp lý. Với các trường nội trú mùa nghỉ hè, phụ huynh phải làm việc ở cơ quan nhà nước hay đơn vị  tư nhân có yêu cầu có nơi giữ con họ, nên có quy định riêng.

Nay TP HCM được Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm xây dựng chương trình GD - ĐT phù hợp với tính đặc thù của TP HCM có vai trò đầu tàu cả nước. Thiết nghĩ, với các cấp học, cần khôi phục lại truyền thống chấm điểm từng môn học. Bãi bỏ chế độ đánh giá, nhận xét mà không dựa trên cơ sở chấm điểm theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. 

Cần đề ra chính sách phù hợp, công bằng đối với trường công và trường tư. Kể cả việc đầu tư xây dựng trường công và trường tư, phải hợp lý, không phân biệt đối xử. Đề ra chế độ kiểm tra  việc giáo viên chuyển tải hết kiến thức cần thiết theo chương trình chính khóa. Trong tuần có xen chương trình thể dục thể thao. Sách giáo khoa phải có tính ổn định ít nhất 10 năm trở lên. Nhất thiết phải bằng mọi cách nâng lương cho giáo viên, đi đôi với việc Nhà nước hỗ trợ giáo viên có nghề phụ ngoài việc giảng dạy ở trường để cải thiện đời sống. 

Về việc tổ chức thí điểm xây dựng chương trình GD- ĐT phù hợp với tính đặc thù của TP HCM, ngoài sự quản lý của các ban ngành, chính quyền, cần nghiên cứu việc tham gia của Mặt trận và các đoàn thể theo chức năng vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ trong giám sát hoạt động của chính quyền thực hiện đúng chương trình GD-ĐT, thực hiện đúng chủ trương “cấm dạy thêm, học thêm”. Nhưng trước hết, MTTQ từ T.Ư đến cơ sở có trách nhiệm phản ánh ý kiến của các tầng lớp nhân dân chung quanh chủ trương quan trọng trên. Việc thí điểm cần công bố công khai, minh bạch. Thành lập Ban Chỉ đạo, chọn địa bàn để thí điểm. Định kỳ có kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân mô hình ra diện rộng…

Ước vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ về một cuộc “cách mạng về giáo dục” thật chính đáng. Muốn vậy, tuyệt đại đa số giáo viên phải thể hiện đạo đức nghề nghiệp thì mới tạo ra những học sinh giỏi, trung thực, xứng đáng là con cháu Bác Hồ. Như Bác Hồ đã nói gọn, dễ hiểu, dễ làm: “Dạy tốt, học tốt”, “Văn hóa là học chữ”. “Xây dựng con người là xây dựng người tốt, gia đình tốt; làng tốt thì đất nước phú cường”. 

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bàn về định hướng phát triển giáo dục đào tạo của TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng những gì cần làm thì phải làm ngay để TP HCM tạo đột phá. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 7 chương trình đột phá của TP HCM và để thực hiện Đề án tổng thể phát triển giáo dục TP HCM trong giai đoạn từ nay đến 2025, Bí thư Thăng đề nghị phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản nền giáo dục; việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phải dựa trên nền tảng khoa học giáo dục chứ không thể phụ thuộc vào ý chí chủ quan… 

Bộ trưởng Nhạ cho biết sẽ chọn TP HCM là địa phương tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thí điểm thực hiện Đề án tổng thể phát triển giáo dục. Ông Nhạ ủng hộ và chấp thuận nhiều đề xuất mang tính thí điểm, đột phá của TP HCM như khuyến khích TP tự chủ, phân cấp trách nhiệm, giao quyền cho các trường CĐ, ĐH trong việc chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế. Sắp tới Bộ xây dựng chương trình giáo dục khung chung mang tính chất nền tảng, phân cấp, ủy quyền cho TP chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Đề nghị TP tiên phong, quyết liệt không cho phép dạy thêm, học thêm. Trước mắt Bộ chấp thuận cho TPHCM thực hiện xét tốt nghiệp THPT từ năm học tới 2016-2017; đánh giá năng lực ngoại ngữ theo 4 kỹ năng… 

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...