Chuẩn bị kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố khóa 13, Thường trực và các đại biểu HĐND thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương, đơn vị. Qua đó tiếp thu nhiều ý kiến của cử tri thành phố tham gia vào nội dung kỳ họp.
Giữ nguồn nước sông Đa Độ- phải quyết liệt hơn
Hơn bao giờ hết, môi trường luôn là vấn đề nóng, được nhiều cử tri, đơn vị và đại biểu HĐND thành phố kiến nghị. Trong số 78 câu hỏi cử tri, địa phương và đại biểu HĐND thành phố kiến nghị, có gần 20 câu hỏi liên quan đến lĩnh vực môi trường, cảnh quan đô thị. Vấn đề được nhiều cử tri, đại biểu HĐND thành phố quan tâm là rác thải sinh hoạt và ô nhiễm các dòng sông, nhất là dòng sông đầu nguồn, cung cấp nước ngọt cho thành phố như sông Đa Độ, sông Rế...
Kiến nghị này hoàn toàn có cơ sở. Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tại 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hộ dân học hai bên bờ sông xả nước thải, chất thải trực tiếp xuống sông Đa Độ và các kênh thuộc lưu vực sông Đa Độ khẳng định nguồn nước cấp cho sinh hoạt của thành phố đang bị ô nhiễm. Hầu hết điểm quan trắc của các sông cho thấy dấu hiệu ô nhiễm với các chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu ôxy hoá học (COD, )chất hữu cơ (BOD, NH4+), vi sinh vật (Coliform) và kim loại (Pb).
Cử tri quận Hồng Bàng phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu HĐND thành phố. Ảnh: Duy Thính |
Cử tri thành phố băn khoăn, việc khắc phục ô nhiễm tại khu vực sông Đa Độ mới thực hiện việc tập trung ngăn chặn các cơ sở gây ô nhiễm. Đó là Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung yêu cầu các cơ sở này lập đề án bảo vệ môi trường theo quy định trình cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường phê duyệt; cam kết thực hiện việc xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực sản xuất để bảo đảm nước thải trước khi xả xuống sông phải đạt tiêu chuẩn cho phép. Tiến hành tự quan trắc dòng thải báo cáo UBND quận, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố. Đến thời điểm hiện nay chưa có cơ sở nào tại khu vực này được thành phố cấp giấy phép xả thải vào kênh Hòa Bình và sông Đa Độ do đây là nguồn nước thô được khai thác để cung cấp nước sạch cho thành phố.Tuy nhiên, vấn đề xử lý ô nhiễm nước sông Đa Độ do các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trực tiếp xử chất thải xuống sông chưa được báo cáo, trả lời rõ. Mặc dù thành phố không cấp phép xả thải xuống các sông đầu nguồn cung cấp nước cho thành phố, nhưng trong số doanh nghiệp nằm dọc hai bên sông, có doanh nghiệp nào xả trộm chất thải xuống các dòng sông? Do đó cử tri đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường và các ngành tăng cường kiểm tra, xử lý, bởi việc ngăn chặn sớm ô nhiễm nước đầu nguồn là biện pháp rẻ và hiệu quả nhất.
Để làm rõ hơn giải pháp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: Các cơ quan chuẩn bị đề án cần chỉnh sửa phù hợp, nhất là làm rõ các phương thức đầu tư. Nhà nước đầu tư những khoản mục nào, còn những nội dung nào cần huy động xã hội hóa. Nên có chính sách ưu đãi để khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia xã hội hóa việc thu gom rác thải. |
Rác thải nông thôn-vấn đề đúng và trúng
Đa số cử tri thành phố đánh giá cao việc UBND thành phố xây dựng đề án về chủ trương thu gom, xử lý chất thải rắn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” trình HĐND thành phố xem xét. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay ở khu vực ngoại thành. Song để đề án sớm đi vào cuộc sống, cử tri đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện đề án trong 5 năm, bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết bảo đảm đề án sớm được thực hiện. Cử tri hội viên CLb Bạch Đằng đề nghị, việc tham khảo ý kiến các địa phương là cần thiết, nhưng thành phố cần thống nhất việc lập quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp rác thải khu vực nông thôn. Đối với các chất thải nông thôn, cần phân loại rác. Với những loại rác là chất hữu cơ, dễ phân hủy, mỗi gia đình có vườn rộng nên có hố chôn lấp rác ngay trong gia đình. Chỉ nên thu gom những loại rác khó phân hủy. Một số ý kiến cho rằng, rác thải khó phân hủy nhất hiện chính là các loại túi ni-lông. Việc lạm dụng các loại túi ni-lông trong cuộc sống không chỉ gây tác hại về môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cử tri đề nghị cần nghiên cứu loại túi phù hợp, dễ phân hủy hơn để mọi người sử dụng.
Khôi Nguyên