CQĐT nói “xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương” về vụ án nhưng hồ sơ không thấy các văn bản thể hiện việc xin ý kiến hay trả lời. Phiên xử sơ thẩm lần hai kéo dài gần 20 ngày, với hai lần lỗi hẹn tuyên án và đến nay chưa rõ ngày nào sẽ đưa ra phán quyết. Thẩm phán chủ tọa bị bệnh là có thật, hay vì sức ép nào đó khiến phải “cáo lỗi” trước một bản án có nhiều dấu hiệu oan sai?
Chủ tọa bị bệnh “phút 89”
Như PLVN đã có những bài viết phản ánh, trong vụ án cáo buộc ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có nhiều dấu hiệu oan sai.
Sự việc tóm tắt như sau: Đoàn liên ngành đi kiểm tra chất lượng phân bón tại một doanh nghiệp, thấy có 150 bao (trong hồ sơ lúc lại nói 200 bao) nghi ngờ về chất lượng nên niêm phong, đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả hai lần đầu cho thấy có chỉ tiêu đạt, chỉ tiêu không. Doanh nghiệp khiếu nại, Đoàn cho kiểm nghiệm lần ba, kết quả đạt, nên tháo niêm phong trả hàng cho doanh nghiệp. Trưởng đoàn và một thành viên sau đó bị cáo buộc là “tội phạm”.
Vụ án chỉ có hai bị cáo, một tội danh, cáo trạng dài 12 trang, và theo các chuyên gia pháp luật, có dấu hiệu oan sai rõ ràng, hình sự hóa sai sót hành chính.
Vụ án kéo dài “lê thê”, nhiều lần tòa trả hồ sơ. Ngày 12/7 vừa qua là lần thứ hai HĐXX TAND TP Sóc Trăng lại lỗi hẹn tuyên án sau hai lần nghị án kéo dài. Sáng 12/7, các bị cáo, luật sư, người có nghĩa vụ liên quan có mặt theo đúng lịch thì bất ngờ nhận được Thông báo số 735/TB-TA ngày 10/7/2019 do Chánh án TAND TP Sóc Trăng, ông Lâm Tấn Vinh ký về việc dời ngày tuyên án: “Tại phiên toà, sau khi HĐXX tuyên bố vào nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào lúc 7h30 ngày 12/7/2019 tại trụ sở TAND TP Sóc Trăng. Tuy nhiên, vào ngày 10/7/2019 thì Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà (ông Nguyễn Quốc Định – NV) có gửi đơn báo cáo do bị bệnh đột xuất nên không thể tuyên án đúng theo thời gian nên trên. Thời gian tuyên án, HĐXX sẽ thông báo sau”.
Liên kết với sự việc vụ án bị đánh giá có dấu hiệu oan sai, và một số tình tiết bất thường khác nêu dưới đây, nhiều ý kiến đặt ra: Phải chăng phiên tòa “giật cục” như vậy do bị áp lực giữa việc phải tuyên án đúng theo pháp luật, vừa bị cá nhân nào đó “chỉ đạo” sai pháp luật?
Phiên xử mới đây, trong phần tranh luận, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) đã trích Công văn 74/ANĐT ngày 12/2/2019 của Đại tá Dương Việt Hùng, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị bà Giám định viên Sở Nội vụ nhanh chóng có kết luận thiệt hại phi vật chất để “làm báo cáo xin ý kiến liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương để nhanh chóng giải quyết vụ án…”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không tìm thấy công văn xin ý kiến của Sóc Trăng, hay trả lời của liên ngành tư pháp Trung ương. LS Đức đặt vấn đề hồ sơ bị thất lạc, bị sai lệch, hay đây chỉ là một thông tin “đòn gió” nhằm gây áp lực cho người tham gia tố tụng cho bị cáo, cho HĐXX?
Tại phiên toà, trả lời LS Đức vấn đề này, đại diện VKS cho rằng việc Cơ quan ANĐT có công văn với nội dung nêu trên là nhằm “đôn đốc” Giám định viên nhanh chóng có kết quả giám định. Tuy nhiên VKS cũng khẳng định “việc có xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương như Cơ quan ANĐT nêu hay không, VKS không biết và không được báo cáo”.
Trong vụ này, Cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng từng cho biết “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc”. Tuy nhiên trả lời PLVN, ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, lại nói: “Tôi không nhớ cái này. Hình như là không có. Hình như không phải Ban phòng chống tham nhũng theo dõi đâu. Tôi nhớ như thế”. Nhiều khả năng vụ án không thuộc diện theo dõi, đôn đốc của Ban, nên Trưởng ban mới trả lời: Vụ án này “hình như không phải Ban theo dõi”. Vậy vì sao cơ quan ANĐT công an tỉnh lại trả lời khác? Có hay không cán bộ tỉnh nào đó lạm quyền Bí thư tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, lấy tư cách cá nhân “chỉ đạo” đưa vụ án vào diện “theo dõi”? Và phải chăng bị sức ép từ người đó như vậy, cơ quan tố tụng mới phải e ngại?
Việc HĐXX hoãn tuyên không phạm luật
Bình luận về sự việc, LS Nguyễn Ngọc Trâm (nguyên thẩm phán TAND TX Ngã Bảy, Hậu Giang; hiện là LS thuộc Đoàn LS TP HCM) nói: “Trong thời gian làm thẩm phán và sau này làm luật sư, tôi chưa thấy vụ án nào kỳ lạ thế này, nghị án kéo dài hai lần rồi lại hoãn tuyên vô thời hạn. Mặc dù việc hoãn tuyên với lý do chính đáng là bị bệnh, tức trường hợp bất khả kháng, thì không vi phạm pháp luật. Nhưng nhìn vào suốt quá trình xét xử, nghị án kéo dài hai lần, thì có thể đặt vấn đề phải chăng vì chưa đủ cơ sở để tuyên một bản án có tội hay không có tội? Và Thẩm phán – chủ toạ vừa phải tuân thủ pháp luật xét xử công minh đúng luật; vừa chịu sức ép nào đó từ cấp trên, từ cơ quan khác; vừa e ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tuyên oan sai; nên mới cân nhắc, thận trọng như thế?”.
“Theo tôi nghĩ, HĐXX trong vụ án này đang chịu sức ép rất lớn. Nếu là thẩm phán trong vụ này, tôi sẽ tuyên trả hồ sơ để làm rõ những vấn đề còn đang khúc mắc, bất thường. VKS không chứng minh được bị cáo có tội thì tự đình chỉ. Còn nếu bổ sung được khúc mắc, đủ cơ sở, thì lúc đó đưa ra xét xử lại”, LS Trâm nói.
“Việc chịu sức ép hoặc chỉ đạo từ ai đó thì chỉ có những người từng làm thẩm phán mới có thể biết được. Trong vụ án này, tôi thấy có dấu hiệu của sức ép nhưng sức ép từ dư luận, từ cá nhân nào thì chưa thể biết được. Tôi thấy cần thông cảm cho thẩm phán. Với tôi, thẩm phán trong vụ án này rất bản lĩnh, và tôi tin tưởng ông ấy sẽ có quyết định đúng đắn, đúng luật”, vẫn lời LS Trâm.
Ngoài việc đồng quan điểm với LS Trâm như nêu trên, LS Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP HCM; hiện là LS thuộc Đoàn LS TP HCM), cho biết thêm: “Nếu trường hợp bất khả kháng, có lý do chính đáng, thì việc HĐXX hoãn tuyên, chưa xác định ngày tuyên, là không vi phạm luật”.
Một số vụ án oan sai đã xảy ra tại Sóc Trăng:
Tháng 7/2013, Cơ quan CSĐT bắt tạm giam Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi giết người với ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề); và Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) về hành vi không tố giác tội phạm.
Đến giữa tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) đến Công an TP HCM đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Dũng nhằm cướp tài sản. Ngày 25/02/2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam với 7 người trên. Cả bảy người được xin lỗi và bồi thường gần 500 triệu đồng.
Trong vụ án oan này, hàng chục cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng bị cách chức, miễn nhiệm chức vụ, kỷ luật, kiểm điểm. Ngoài ra hai điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng phạt tù về tội Dùng nhục hình, một kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng bị phạt tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Một oan án khác tại Sóc Trăng xảy ra trước đó chấn động dư luận không kém: Sáng 3/8/2012 ông Lâm Tài Mấu (37 tuổi) đi nhậu về ngang qua nhà ông Phạm Văn Lé (cùng ngụ thị xã Vĩnh Châu). Tại nhà ông Lé, hai bên xảy ra cự cãi, ông Lé dùng cây gài cửa đánh ông Mấu. Sau đó ông Mấu được phát hiện nằm chết cách nhà ông Lé hơn 1.400m.
Khoảng hai tháng sau, ông Lé và em trai bị bắt, bị khởi tố về tội “giết người”. Vợ ông Lé bị khởi tố tội “không tố giác tội phạm”. Tháng 7/2013, em ông Lé được chuyển tội danh từ "giết người" sang "không tố giác tội phạm". Gần sáu tháng sau, anh em ông Lé được thả. Đến tháng 12/2014, CQĐT tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra vụ án khi không chứng minh được ông Lé phạm tội. Qua nhiều lần thương lượng, anh em ông Lé được bồi thường oan sai 450 triệu đồng.