Sau đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông nước ngoài (kể từ khi được Quốc hội bầu chọn) của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Phó Tổng giám đốc thứ nhất hãng thông tấn Nga Tass Mikhail Gusman.
- Thưa ngài Chủ tịch nước, rất cảm ơn vì cơ hội được phỏng vấn ngài. Trước tiên cho phép tôi chúc mừng ngài được bầu vào cương vị cao này. Chúng tôi rất vinh dự vì hãng thông tấn TASS là cơ quan truyền thông nước ngoài đầu tiên được ngài trả lời phỏng vấn. Câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan tới việc ngài vừa trở thành Chủ tịch nước. Những nhiện vụ đầu tiên nào ngài đặt ra trên cương vị nguyên thủ quốc gia, những mục tiêu nào ngài cho là quan trọng nhất trong tương lai gần?
Chủ tịch nước: Cảm ơn rất nhiều vì lời chúc mừng và câu hỏi của ông. Đúng vậy, đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với truyền thông nước ngoài.
Để trả lời câu hỏi đầu tiên của ngài, tôi xin nêu các nhiện vụ của Chủ tịch nước như sau. Theo Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt đất nước tiến hành các chính sách đối nội và đối ngoại, lãnh đạo Hội đồng quốc phòng và an ninh, và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Chủ tịch nước phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ giải quyết các vấn đề phát triển đất nước.
Các mục tiêu ưu tiên phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới, theo tôi bao gồm: thực hiện đổi mới toàn diện đất nước; đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đưa đất nước trở thành một cường quốc công nghiệp, thực hiện thành công hiện đại hóa nền kinh tế; nâng cao phúc lợi và đời sống tinh thần của nhân dân.
Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục quyết tâm bảo vệ tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhân dân và hệ thống xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định; tích cực thực hiện hội nhập quốc tế nhằm phát triển đất nước; tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- Là một trong những nước hàng đầu trên vũ đài chính trị khu vực, Việt Nam coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai như thế nào?
Chủ tịch nước: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chính trị chiến lược ngày càng lớn. Đây cũng là điểm thống nhất các mối quan hệ kinh tế khu vực.
Việc hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực trong khu vực tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế khu vực và mở ra tiềm năng đáng kể cho sự phát triển quan hệ đối tác không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu.
Tôi luôn và tiếp tục tin tưởng vào tương lai tươi sáng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ảnh hưởng ngày càng tăng của nó trong các vấn đề kinh tế, chính trị và trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Tất cả các quốc gia trong khu vực nên cùng nhau nỗ lực củng cố hòa bình, duy trì ổn định, để châu Á-Thái Bình Dương có thể phát triển tích cực hơn, góp phần vào việc duy trì hòa bình và thịnh vượng trên toàn thế giới.
- Vai trò di sản của người sáng lập nhà nước Việt Nam đương đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong đời sống Việt Nam hiện nay là gì?
Chủ tịch nước: Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và di sản của Người có giá trị không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà với toàn thể nhân loại tiến bộ.
Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hiến cho cuộc đấu tranh vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Người được không chỉ đồng bào, mà tất cả những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới yêu mến và đánh giá cao, và thậm chí cả những người bên kia chiến tuyến cũng dành cho Người sự kính trọng. Lý tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nan cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh trước đây vì tự do và thống nhất đất nước, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước chúng tôi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời được 47 năm, song di sản khổng lồ của Người vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước chúng tôi, trong đời sống mỗi người dân Việt Nam.
Các nguyên tắc luân lý và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ví dụ mà tôi và mọi công dân Việt Nam luôn cố gắng noi theo.
- Quan hệ Nga-Việt đã được thử thách theo thời gian. Năm 2015, hai nước chúng ta kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thời gian đó, hai nước đã có nhiều nỗ lực củng cố và phát triển hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực hợp tác. Theo đồng chí, chúng ta đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong lĩnh vực nào, lĩnh vực nào vẫn còn tiềm năng chưa khai thác?
Chủ tịch nước: Như ngài đã thấy, quan hệ của chúng ta đã có lịch sử hơn 65 năm. Nói về Nga, chúng tôi luôn nói về cảm xúc gần gũi thiêng liêng giữa hai dân tộc chúng ta, vì Nga đã trở thành hậu phương tin cậy của Việt Nam trong những năm gian khó đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc.
Nhiều thế hệ người Việt đã sống và học tập tại Nga, và điều này góp phần rất lớn vào sự phát triển của Việt Nam và quan hệ giữa hai nước.
Tôi vui mừng ghi nhận sự phát triển liên tục sự hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước chúng ta tạo sự khác biệt qua mức tin cậy cao lẫn nhau. Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa đang được củng cố và phát triển.
Đương nhiên hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Nga vẫn chưa phát triển phù hợp với tiềm năng hiện có và mong muốn của cả hai nước.
Trong thời gian tới, chúng ta cần cùng nhau đưa ra các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hợp tác Việt-Nga trong tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hợp tác và đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước.
Một năm trước, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã ký FTA. Đến nay văn kiện này đã được Việt Nam, Nga và Kazakhstan phê chuẩn.
FTA sẽ trở thành động lực mới cho sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nga nói riêng, cũng như giữa Việt Nam và EAEU nói chung.
Các thỏa thuận quy định trong FTA sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư và hợp tác thương mại trên qui mô EAEC, đồng thời sẽ góp phần vào tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga.
Tôi cho rằng năng lượng sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực quan trọng của hợp tác Việt-Nga. Cùng với việc thực hiện thành công các dự án thăm dò và khai thác dầu khí, 2 bên cần xem xét nâng cao hiệu quả của hợp tác này, đồng thời phát triển nó theo các hướng mới là hóa dầu, xây dựng đường ống dẫn khí đốt, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cung cấp nguyên liệu cho lọc dầu.
- Ngài đánh giá thế nào về vai trò đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo hàng đầu hai nước chúng ta trong việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương? Việt Nam và Nga cần chú trọng tới những đường hướng và lĩnh vực nào để tăng cường vai trò của mình trên vũ đài khu vực, cụ thể là trong quan hệ đối tác ASEAN-Nga?
Chủ tịch nước: Cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên giữa các lãnh đạo 2 nước chúng ta có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Những tiếp xúc như vậy giúp củng cố và nâng cao mức độ tin cậy chính trị giữa hai nước.
Thực tế này cho phép trao đổi kịp thời quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, giúp xác định và giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương, và cũng tạo thêm cơ hội phát triển của quan hệ đối song phương trong nhiều lĩnh vực.
Trên trường quốc tế, quan hệ Việt-Nga đã trở thành biểu tượng phát triển thành công và hiệu quả. Chúng ta đã hợp tác thành công trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác đối thoại (ADMM+) và Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Việt Nam đánh giá cao quan điểm và vai trò ngày càng tăng của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như đóng góp của Nga trong APEC.
Tôi rất ấn tượng trước thành công khi Nga đăng cai và tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2012.
Tôi hy vọng đất nước các bạn sẽ chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm này và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017.
Quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga đã đạt được những kết quả quan trọng sau hai thập kỷ phát triển.
Việt Nam và các đối tác của mình trong ASEAN ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nga. Việc nâng cao vai trò và củng cố vị thế của Nga, một cường quốc Á-Âu, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất quan trọng.
Chúng tôi ủng hộ việc tăng cường vị thế của Nga, tăng cường sự tham dự thường xuyên của Nga trong các cơ chế hợp tác và diễn đàn ASEAN, trong việc củng cố trật tự khu vực.
Chúng tôi hy vọng Nga sẽ tiếp tục phát huy vai trò như một cường quốc lớn có trách nhiệm trong việc hình thành cấu trúc khu vực nhờ thực hiện các cơ chế và hình thức hợp tác song phương ASEAN-Nga.
Chúng tôi hy vọng Nga sẽ tiếp tục ủng hộ việc tăng cường vai trò của ASEAN, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, góp phần tích cực vào việc giải quyết các thách thức an ninh phát sinh trong khu vực.
Là nước thành viên ASEAN, một người bạn thân thiết và là đối tác chiến lược của Nga, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN với LB Nga.
Thông qua việc phát triển quan hệ đối tác ASEAN-Nga, sẽ tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam và Nga trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trên toàn thế giới.
- Thưa ngài Chủ tịch nước, tôi muốn đề cập đến chủ đề, như tôi hiểu là đặc biệt gần gũi. Đó là lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước. Chúng ta đã có kinh nghiệm to lớn trong lĩnh vực này. Ngài đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này? Những bước đi nào chúng ta cần thực hiện để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về quốc phòng và kỹ thuật quân sự?
Chủ tịch nước: Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn của chính phủ và nhân dân Liên Xô, và sau đó là Nga. Liên Xô cung cấp cho chúng tôi các loại vũ khí, thiết bị quân sự, nhiều thiết bị khác. Đương nhiên, không thể không lưu ý tới đóng góp vô giá của các chuyên gia quân sự Liên Xô.
Ngày nay quốc phòng vẫn là lĩnh vực quan trọng của hợp tác song phương, trong đó các bên đã hợp tác thành công trên cơ sở cùng có lợi. Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự thường xuyên hoạt động hiệu quả, tiến hành đối thoại chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng ở cấp thứ trưởng quốc phòng, trao đổi các đoàn quân sự cấp cao.
Tôi cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường và thực hiện hợp tác kỹ thuật quân sự, trước tiên cần thiết lập cơ sở pháp lý phù hợp với mức độ hợp tác.
Hai bên cần mở rộng các mối quan hệ trực tiếp giữa các cơ quan liên quan trong lĩnh vực quốc phòng của hai nước, phát triển hợp tác trong lĩnh vực bảo trì và hiện đại hóa thiết bị và kỹ thuật quân sự.
Đồng thời cần đưa hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự lên một cấp độ mới cao hơn - từ mua bán sang chuyển giao công nghệ và lập các liên doanh để bảo trì và hiện đại hóa các loại vũ khí và thiết bị quân sự.
- Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều du khách Nga đến Việt Nam và ngày càng có nhiều người Việt Nam đến Nga du lịch. Ngài đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch? Theo ngài, cần làm gì để ngày càng có nhiều du khách Nga đến Việt Nam?
Chủ tịch nước: Người Nga luôn và sẽ là những người bạn rất thân thiết của nhân dân Việt Nam. Du khách Nga nằm trong nhóm du khách nước ngoài có thời gian nghỉ dài nhất ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2015 lượng du khách Nga đến Việt Nam đã tăng từ 100.000 lên 400.000 mỗi năm.
Tôi tin rằng trong thời gian tới hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực du lịch sẽ tiếp tục phát triển thành công với nhịp độ cao. Việt Nam là nước có chính trị ổn định, đáng tin cậy trong việc đảm bảo an ninh và trật tự công cộng.
Ngoài ra, chúng tôi có tiềm năng tự nhiên to lớn để phát triển du lịch, nhiều điểm tham quan, truyền thống văn hóa sôi động và các món ăn tuyệt vời để thu hút du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam đang tích cực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch mới có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường Nga.
Về phần mình, dân nhân Việt Nam luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người anh em Nga và hướng tới Nga như một quốc gia tuyệt vời, có trình độ phát triển khoa học, văn hóa và nghệ thuật cao.
Nhiều người Việt Nam, từng sống, học tập và làm việc tại Nga, xem Nga như quê hương thứ hai của họ.
Điều này góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng hơn nữa các trao đổi thường nhật và hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch. Các tiếp xúc này sẽ tiếp tục giúp hỗ trợ hiểu biết và tình cảm ấm áp giữa hai dân tộc chúng ta với nhau.
- Chuẩn bị cho cuộc gặp với ngài, thưa Chủ tịch nước, tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm về ngài. Chúng tôi được biết ngài làm việc rất chăm chỉ, ngài dậy rất sớm để làm việc và kết thúc công việc rất muộn. Mọi người đều nói ngài là người tham công tiếc việc, đặt công việc lên trên hết. Nếu ngài có chút thời gian rỗi, ngài sẽ làm gì, ngài muốn dành thời gian rỗi của mình để làm gì?
Chủ tịch nước: Cảm ơn ông vì đã quan tâm đến tôi. Sở thích của tôi là đọc, và nếu có thời gian rảnh rỗi, tôi thường đọc sách.
- Vậy ai là tác giả yêu thích của ngài?
Chủ tịch nước: Tôi đọc tác phẩm của nhiều tác giả - cả tác giả Việt Nam và nước ngoài. Tôi thực sự thích những cuốn sách về lịch sử và văn hóa. Sách là người bạn tốt nhất và cũng là một giáo viên.
- Thưa ngài Chủ tịch nước, tôi xin chúc ngài đạt thành công lớn trên cương vị của mình. Tôi hy vọng trong tương lai gần, ngài sẽ đến thăm đất nước chúng tôi, và sẽ là vị khách quý của đất nước chúng tôi. Rất cảm ơn ngài về cuộc trò chuyện này.
Chủ tịch nước: Xin cảm ơn lời chúc mừng ấm áp của các bạn. Trước đây tôi đã tới Nga và từng học ở Liên Xô. Tôi hy vọng sẽ sớm có thể trở lại thăm đất nước xinh đẹp của các bạn và gặp những người bạn Nga tuyệt vời và chân thành của chúng tôi.