Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh, UBND quận Hà Đông đã giao cho UBND phường Phú Lương và các đơn vị tham mưu thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).
Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã bị phá hủy toàn bộ, không hạng mục nào còn nguyên vẹn. Kể cả hạng mục cây xanh không có tên trong danh mục bị cưỡng chế cũng bị quật đổ ngổn ngang.
Trước việc làm này của chính quyền quận Hà Đông, Cienco5 Land đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND quận và cho rằng, việc thực hiện không đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn đến Công ty bị thiệt hại cả trăm tỷ đồng do các thiết bị kỹ thuật của công viên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại và không còn khả năng tái sử dụng.
Các thiết bị, máy móc và tài sản trị giá hơn 200 tỷ đồng đã bị hư hỏng sau vụ cưỡng chế. Cienco5 Land cho rằng, UBND quận Hà Đông đã có vi phạm quy định của pháp luật khi để lực lượng cưỡng chế của UBND quận phá hủy tài sản của Công ty chứ không thực hiện tháo dỡ theo đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả của UBND quận cũng như quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu như chính quyền quận Hà Đông thực hiện vụ việc cưỡng chế tháo dỡ những hạng mục công trình xây dưng vi phạm tại công viên nước Thanh Hà theo đúng tính chất của việc tháo dỡ, khắc phục hậu quả thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn; không để tài sản của doanh nghiệp bị hư hỏng hoặc hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện tháo dỡ đảm bảo kỹ thuật, khoa học thì sẽ không gây thiệt hại cả trăm tỷ cho doanh nghiệp.
“Lực lượng cưỡng chế đã huy động sức máy móc để đập phá những công trình, tường bao, thiết bị máy móc công nghệ thậm chí chặt phá cả những hàng cây xanh vô tội, sau đó, lực lượng cưỡng chế ra về để lại hậu “chiến trường” đổ nát. Không có biên bản bàn giao, không kiểm kê tài sản, không niêm phong tài sản, thậm chí chính lực lượng cưỡng chế đã tự ý lấy đi tài sản của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Hậu "chiến trường" sau vụ đập, phá dỡ của lực lượng cưỡng chế |
Để làm rõ hơn việc thực hiện cưỡng chế của UBND quận, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông. Trả lời câu hỏi về vụ việc này, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng vụ việc chính quyền quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế công viên nước Thanh Hà là “đúng quy định”.
Tuy nhiên, những cái mà ông Ngọc cho là “đúng quy định” lại chưa được ông này giải thích thêm.
Chiều ngày 11/2/2019 tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị thông tin báo chí, trong đó, có UBND quận Hà Đông và một số đơn vị khác tham gia thực hiện việc báo cáo các vấn đề liên quan đến các hoạt động, kết quả toàn diện của đơn vị.
Tại Hội nghị, một số nhà báo đại diện cho các cơ quan báo, đài Trung ương đặt ra không ít câu hỏi đề nghị ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông giải thích mốt số vấn đề liên quan đến vụ việc cưỡng chế công viên nước Thanh Hà, biến thành đống đổ nát, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp thì ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch quận được phân công trả lời, lại tiếp tục nói câu quen thuộc rằng UBND quận đã chỉ đạo lực lượng cưỡng chế thực hiện “đúng quy định”.
Tuy nhiên câu trả lời mà ông Ngọc cho là “đúng quy định”, đã khiến các nhà báo tại Hội nghị không hài lòng.
Bởi không có quy định nào là cưỡng chế đập phá, hủy hoại tài sản như lực lượng cưỡng chế của chính quyền quận Hà Đông đã thực hiện.
Liên quan đến sự việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo giao cho Thanh tra thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm UBND cấp phường, quận để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại công viên nước Thanh Hà.
Kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 29/2/2020.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.