Chữ tác đánh chữ tộ

Nếu một từ rất ít dùng nhưng lại na ná về âm thanh và mặt chữ với một từ quen thuộc thường dùng, sẽ dễ xảy ra hiện tượng trông gà hoá quốc, chữ nọ xọ chữ kia. Những sai lầm kiểu này có khi làm mất ghế chứ chẳng đùa!

Nếu một từ rất ít dùng nhưng lại na ná về âm thanh và mặt chữ với một từ quen thuộc thường dùng, sẽ dễ xảy ra hiện tượng trông gà hoá quốc, chữ nọ xọ chữ kia. Những sai lầm kiểu này có khi làm mất ghế chứ chẳng đùa!

Sai thanh lộn dấu: Alexandre de Rhodes được kết nạp Đảng

Mô tả ảnh.

MINH HOẠ: HỒNG NGUYÊN

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai hội Nhà báo Việt Nam ngày 16.4.1959, ở đoạn đề cập tới tầm quan trọng của ngành in, Bác Hồ nói đại ý khi gọi người đánh cá là “ngư dân” người thợ sắp chữ có thể sắp thiếu cái dấu của chữ ư, rồi in thành ra... “ngu dân”. Và chính lời Bác cũng có lúc bị nhà báo nghe lầm: tham gia chống hạn vào đầu xuân 1958, Bác nói với một nhà báo: “Muốn viết về nghề nông thì phải biết lao động”. Trong bài báo Hai mẩu chuyện về Bác Hồ, câu này được in hoa đậm thành một tiểu đề: “Muốn biết về nghề nông thì phải biết lao động” (dẫn theo NLB, 2.1996). Nghĩa đã khác hẳn.

Có khi mặt chữ giống nhau, khác chút xíu về dấu huyền và dấu mũ, thế là “Kẻ làm dâm khấn vái Bà Chúa Thai Sanh. Xin mẹ tròn con vuông, chẳng đặng trai thì đặng gái” (báo GN, 24.7.1999). Gái làm dâm lại muốn sinh con? Hoá ra câu đúng là “Kẻ lâm dâm khấn vái”, trời ạ!

Không chút chú ý tới viết hoa hay viết thường, lại lẫn hai dấu thanh huyền và hỏi nên cố đạo Alexandre de Rhodes được... kết nạp Đảng: “Nhìn qua sơ yếu lí lịch của cố đạo Alexandre de Rhodes ta thấy nhiều điều đáng kính nể: người Pháp, gốc Do Thái, sinh 1591, mất 1660, vào Đảng trong năm 1624, 4 tháng thông thạo tiếng Việt…” (GD&TĐ, Từ Yersin… 20.9.1993). Chúng ta biết ngay đây là lỗi morát. Cụm từ “vào Đàng Trong”, trong lúc tập trung vào bàn phím người đánh máy đã lẫn thành “vào Đảng trong…”!

Trên báo TTT, số 21 tháng 5.1994, ở trang 10 có một tít in đậm Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phải nhất. May mà hôm sau có đính chính lại: Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phai nhạt. Hú vía, ban biên tập không việc gì!

Dấu phẩy và chữ i: Trong câu “… các nước xã hội chủ nghĩa đó,…” dấu phẩy đặt sau chữ “đó” bị sắp nhầm thành chữ i, khi in ra thành “…các nước xã hội chủ nghĩa đói…” Không biết tiếng nước ngoài lại phải sắp chữ nước ngoài, nên “… có lần bản thảo viết “l’amiral” (đô đốc), thợ sắp chữ nhầm thành “l’animal” (con vật), người sửa bài không phát hiện được, thành to chuyện. Có ai đó đã suy diễn rằng đây là vấn đề chính trị chứ không chỉ là sơ suất! Và người sửa bài đã phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật và thay đổi công tác (theo NB&CL, Quá nhiều lỗi trên báo chí, 1994)

Lầm lẫn những khái niệm quan trọng

Trong bài Xử kín: có thể hay phải làm? (PL TP.HCM, 18.7.2000) có câu: “Cũng như con chiên khi được vị linh mục làm phép rửa tội đều đã tường trình hết mọi lỗi lầm của mình mà toà buộc vị linh mục ấy ra toà làm chứng về việc liên quan đến con chiên của mình thì còn ai dám nói lên sự thật để xin tội với cha?” Sao lại xin tội với cha? Phải là xưng tội với cha chứ.

Trên báo GN số 546 (17.7.2010), tác giả Nguyên Cẩn viết: “Theo GS Phùng Hữu Lan […] hiến pháp mà Thương Ưởng thực hiện ở đời Tần Hiếu Công…” (TTC, 1.10.2010). Nước Tần thời Xuân Thu – Chiến Quốc sao đã có hiến pháp được? Từ đúng là biến pháp – cách gọi tắt của “biến pháp đồ cường” (thay đổi chính sách để mưu sự cường thịnh). Đây là chủ trương nhất quán của Tần Hiếu Công (361 – 338, TCN) do Tả thứ trưởng – chức tướng quốc nước Tần – Thương Ưởng (390 – 338, TCN) vạch ra.

Thơ hay hóa thơ thường

Báo Thủ Đô Hà Nội số 10.10.1959 đăng bài thơ Chín mùa trông đợi của nữ sĩ Ngân Giang, trong đó có khổ thơ: Nhịp tim hoà lẫn nhịp chân đi/ Sóng mắt hoà trong sóng quốc kỳ/ Lắng bước anh hùng trong khúc nhạc/ Nghe hồn thiêng dân tộc dẫn đường về. Sao trong khổ thơ thất ngôn này, câu cuối lại những tám chữ? Chữ nghe dư thừa làm hỏng câu cuối. Hoá ra chữ nghe ấy là “tác phẩm” của người thợ xếp chữ. Có lẽ từ ghép “lắng nghe” quen thuộc làm nên “mạch văn” câu trên có lắng thì câu dưới có nghe.

Còn khi in bài thơ: Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi/ Trên đầu xanh ngắt một bầu không/ Bàn cờ thế sự quân không động/ Mà thấy quanh mình nỗi bão dông, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã từng tìm đến tận nhà in để dặn người xếp chữ đừng sắp nhầm chữ “nỗi” thành chữ “nổi”. Ấy thế nhưng trên tờ lịch ngày 3.4.2002 của nhà xuất bản VH lại mắc đúng cái lỗi mà Khương Hữu Dụng đã lo người thợ hiểu nhầm: Mà thấy quanh mình nổi bão dông. Danh ngữ “nỗi bão dông” đã chuyển thành động ngữ “nổi bão dông” (tùm lum!) trong khi “trên đầu xanh ngắt một bầu không” tĩnh lặng và “bàn cờ thế sự quân không động”.

Nhưng có khi làm câu ít hay thành câu rất hay

Có một giai thoại nổi tiếng về chữ tác đánh chữ tộ trong văn chương Pháp: Năm 1601, Fr. de Malherbe (1555 – 1628) xuất thần làm bài thơ điếu 40 câu (10 khổ), chia buồn với một nhà quý tộc có cô con gái chết trẻ. Hai câu cuối của khổ thứ tư nguyên tác là: Et Rosette a vécu ce que vivent les roses/ L’espace d’un matin (Nàng Rosette như kiếp hoa hồng/ Sớm nở tối tàn), thợ sắp chữ nhầm thành: Et, rose, elle a vécu ce que vivent les roses/ L’espace d’un matin (Là bông hồng, nàng như kiếp hoa hồng/ Sớm nở tối tàn). Câu thơ thật lung linh hình tượng.

Khoảng đầu những năm 1960, “nhà thơ Xuân Quỳnh, lúc đó đang học khoá 1 trường Bồi dưỡng những cây bút trẻ của hội Nhà văn ở Quảng Bá, có gửi đến nhà xuất bản Văn Học một bản thảo thơ có tên Trời biếc, nhưng chị đã viết chữ “Trời” thành “Chời”, hai biên tập viên lúc ấy của nhà xuất bản là Yến Lan và Khương Hữu Dụng, đều là người miền Nam, đã đọc “chời” thành “chồi”. Thế là tập thơ trở thành Chồi biếc" (Văn Nghệ Trẻ, 4.7.1999).

Nhưng mấy khi vì lầm mà sai hoá hay!

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN/ SGTT

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.