So với các nước trong khu vực thì Việt Nam là nước thứ hai (sau Thái Lan) thực hiện chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động. Đây là chính sách mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người lao động, bởi vậy, chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã có trên 6,4 triệu người tham gia BHTN, một con số vượt xa so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, vì là chính sách mới nên quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập.
Chuyển địa bàn vẫn được hưởng TCTN
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: trong thực tế có khá nhiều người lao động thất nghiệp nghĩ rằng họ vẫn có thể tìm được việc làm nếu tiếp tục ở tại địa bàn mình đang sinh sống. Tuy nhiên, quá trình tìm việc khó khăn nên họ đã chuyển sang địa phương khác hoặc về quê. Trong những trường hợp này, nếu không có quy định cụ thể sẽ gây khó khăn cho người lao động.
Bởi vậy, để giải quyết vướng mắc này, Dự thảo thông tư đã quy định rõ việc chuyển hưởng BHTN cho người lao động thất nghiệp từ địa phương này sang địa phương khác đối với những trường hợp mà người lao động đã có quyết định hưởng TCTN. Ngoài ra, dự thảo thông tư còn quy định cụ thể về trình tự,thủ tục cho người lao động khi làm hồ sơ chuyển hưởng; trách nhiệm của Trung tâm giới thiệu việc làm khi giới thiệu người lao động về địa phương mới…
Một bước trong cải cách thủ tục hành chính đó là bỏ quy định về việc bắt buộc Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở LĐTBXH phải thẩm định hồ sơ trước khi trình Giám đốc Sở LĐTBXH. Nay Dự thảo quy định: Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm có trách nhiệm xác định mức hưởng, thời gian hưởng TCTN, dự thảo quyết định về việc hưởng TCTN của từng người lao động và trình trực tiếp Giám đốc Sở LĐTBXH ký quyết định.
Tương tự, các quy định về tạm dừng, tiếp tục hưởng, chấm dứt hưởng TCTN, học nghề….cũng do Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm trực tiếp trình Giám đốc Sở LĐTBXH.
Chủ sử dụng lao động không thể dây dưa
Để đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách BHTN, Dự thảo thông tư còn bổ sung thêm nhiều quy định theo hướng có lợi cho người lao động.Cụ thể, người sử dụng lao động phải có các trách nhiệm sau: Tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao động tại doanh nghiệp của minh; Thực hiện đúng việc tham gia và đóng BHTN cho người lao động; Cung cấp thông tin về việc đóng BHTN sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; Hướng dẫn người lao động để người lao động đăng ký thất nghiệp khi họ bị mất việc làm.
Đồng thời cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến người lao động chậm nhất 2 ngày kể từ ngày người lao động bị mất việc hoặc bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng việc làm; Thực hiện các thủ tục trong việc xác nhận hoặc chốt sổ BHXH cho người lao động để người lao động kịp hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định.
Những quy định này được các chuyên gia đánh giá rất cao, bởi nó không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trước sự chây ì cuả các doanh nghiệp sử dụng lao động mà còn lấp lỗ hổng pháp lý mà Thông tư 04 và thông tư 34 chưa đề cập.
Bên cạnh đó, thông tư dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong việc tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng lao động khi đăng ký tham gia BHTN và đóng BHTN; Trách nhiệm trong việc chốt và trả sổ BHXH về việc đã đóng BHTN cho người lao động chậm nhất là 5 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của chủ sử dụng lao động.
“Gỡ” vẫn chưa hết
Dự thảo cũng quy định người thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN nếu sau 2 lần từ chối nhận việc mà không có lý do chính đáng. Đó là những trường hợp: Từ chối công việc đã được đào tạo, bồi dưỡng; Từ chối những việc mà người lao động đó đã từng làm; Là lao động phổ thông từ chối những việc làm chỉ cần lao động phổ thông.
Tuy nhiên, theo các luật sư và chuyên gia lao động, quy định này rất bất lợi cho người lao động. Chẳng hạn, một công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, sau nhiều năm lao động bị ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp (ví dụ bị viêm phổi, hen phế quản, đau giác mạc…) nên chấm dứt hợp đồng lao động để tìm việc khác ít ô nhiễm và độc hại hơn.
Nhưng sau đó, nếu họ lại được giới thiệu làm việc trong nhà máy có mức ô nhiễm tương tự như vậy nên đã từ chối nhận việc thì bị xem là “từ chối những việc mà trước đó đã từng làm ” và bị chấm dứt TCTN. Như vậy, những người lao động này sẽ rất thiệt thòi./.
Vân Anh