Trong số hàng chục đơn vị, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đăng ký gắn lô gô nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, có một số đơn vị chuyên kinh doanh tàu vận tải du lịch, phục vụ khách tham quan vịnh Lan Hạ. Đây là chương trình được huyện Cát Hải cũng như các đơn vị chú trọng triển khai, thể hiện ý thức trong việc cải thiện chất lượng phục vụ cũng như cơ sở vật chất, nội thất, tiện nghi của tàu du lịch.
Rất ít tàu chở khách tham quan vịnh Lan Hạ được gắn lô gô chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà Ảnh: Duy Lân
|
Sau gần một năm triển khai, mới có 10 tàu trong hơn 70 tàu đủ tiêu chuẩn được gắn lôgô. Điều này cho thấy những hạn chế trong quá trình triển khai, phản ánh chất lượng thấp của đa số tàu du lịch Cát Bà. Lãnh đạo phòng văn hóa- Thể thao và Du lịch Cát Hải cho rằng: Dù các chủ tàu mong muốn đạt chuẩn, nhưng cái khó hiện nay là 2/3 số tàu du lịch chở khách tham quan vịnh Lan Hạ không đáp ứng tiêu chuẩn cả về kích thước và nội thất, chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, các chủ tàu lại gặp khó khăn trong việc nâng cấp để đạt chuẩn. Do vậy, điều các chủ tàu mong muốn là thành phố có cơ chế kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, chủ phương tiện về vốn để nâng cấp hoặc đóng mới tàu tiêu chuẩn theo những tiêu chí cụ thể.
Mặt khác, quy chế đưa ra vừa bao hàm quá nhiều tiêu chí, lại chưa thật chi tiết. Chẳng hạn, sản phẩm hàng hóa, thân thiện với môi trường, cải thiện tốt môi trường Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, an toàn, vệ sinh, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng mà không đưa ra tiêu chí cụ thể, theo quy định nào thì rất khó cho đơn vị và các chủ tàu thực hiện.
Bên cạnh lượng lớn khách du lịch, thời điểm này cũng có nhiều đoàn khách quốc tế thuê tàu thăm vịnh Lan Hạ; đoàn cán bộ khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước tìm hiểu giá trị của khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà. Anh Bùi Văn Dũng, chủ tàu du lịch vịnh Lan Hạ cho biết, khách nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thương hiệu, hay nói cách khác, đẳng cấp của tàu du lịch. Nhưng để phân biệt tàu hạng sang cũng thật khó bởi không có sự xác nhận nào mang tầm quốc tế nên nhiều vị khách thường thắc mắc về chất lượng phương tiện cũng như thái độ phục vụ và tính chuyên nghiệp.
Khi được biết chủ trương gắn lô gô nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển quốc tế quần đảo Cát Bà mang giá trị quốc tế, hầu hết chủ tàu hào hứng, mong muốn sớm được xét cấp. Bởi, theo anh Tuyến, chủ tàu hoạt động trong lĩnh vực này, ngoài quyền lợi được lựa chọn quảng bá, ưu tiên đón tiếp, phục vụ các đoàn khách du lịch quốc tế đến thăm quần đảo Cát Bà, những sản phẩm gắn nhãn hiệu chứng nhận chắc chắn sẽ được đông đảo du khách lựa chọn. Đây là yếu tố làm tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao nhất mà bất kỳ chủ tàu nào cũng mong đạt được.
Một số tiêu chí, theo nhiều chủ tàu, vừa dễ, lại vừa khó thực hiện. Chẳng hạn, các tiêu chí sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có tỷ trọng lớn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội của đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, sử dụng lao động địa phương, hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì chủ tàu nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng việc xác định tỷ trọng lớn là bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu lao động địa phương và mức độ, tác dụng tham gia hỗ trợ phát triển cộng đồng, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đến đâu cũng cần được cụ thể hóa để việc xét cấp và gắn lô gô nhãn hiệu thực sự mang lại giá trị cho các đơn vị tham gia.
|
Việc nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động tàu du lịch, tăng dần dịch vụ cao cấp qua việc gắn lôgô nhãn hiệu này là cần thiết, nhưng hơn hết, đó chính là những giá trị về bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với đảo Cát Bà. Do vậy, những băn khoăn, vướng mắc trên cần sớm được khắc phục.
Văn Lượng