Chữ “hiếu” trong cổ luật và luật thực định

Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, chữ hiếu, hiếu đạo đã sớm được điều chỉnh trong những bộ cổ luật và vẫn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nói đến chữ hiếu trong luật pháp là nói đến quyền và nghĩa vụ (chủ yếu là nghĩa vụ) của con cháu đối với cha mẹ, ông bà và chế tài đối với những hành vi vi phạm nghĩa vụ đó do luật định.

Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, chữ hiếu, hiếu đạo đã sớm được điều chỉnh trong những bộ cổ luật và vẫn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nói đến chữ hiếu trong luật pháp là nói đến quyền và nghĩa vụ (chủ yếu là nghĩa vụ) của con cháu đối với cha mẹ, ông bà và chế tài đối với những hành vi vi phạm nghĩa vụ đó do luật định.

Duy trì kỷ cương, hiếu nghĩa trong xã hội

Hai Bộ cổ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam còn lưu lại cho đến nay là Quốc triều hình luật (còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức, Lê triều hình luật) thời Lê và Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) thời Nguyễn.

Cả hai Bộ cổ luật này đều đã sớm pháp định về chữ hiếu. Ngay Điều 2, Chương đầu tiên của Quốc triều hình luật (Chương Danh lệ Quyển I) đã quy định bất hiếu là một “thập ác” (mười tội ác). “Bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; có tang ông bà, cha mẹ mà giấu, không cử ai (không tổ chức tang lễ); nói dối là ông bà, cha mẹ chết”.

Theo đó, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng, vâng lời, bảo vệ ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, cụ thể:

Nếu con cháu trái lời dạy bảo và không phụng dưỡng bề trên mà bị ông bà, cha mẹ trình lên quan thì xử tội đồ làm khao đinh (phục dịch quân đội); con nuôi, con kế mà thất hiếu với cha nuôi, cha kế thì xử phạm tội trên một bậc và mất những tài sản đã chia.

Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài (đánh 90 trượng, thích vào mặt 8 chữ, bắt đeo xiềng hai vòng, đày đi làm việc ở xứ Bố Chính – nay thuộc Quảng Bình); đánh thì xử lưu châu xa (đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ, bắt đeo xiềng 3 vòng, đày đi làm việc ở các xứ Cao Bằng); đánh bị thương thì xử thắt cổ; vì lầm lỡ mà làm chết thì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh (Điều 11, Chương Đấu tụng quyển IV).

Con cháu không được kiện cáo ông bà, cha mẹ, trừ một số trường hợp được luật cho phép: Con cháu kiện nhau với ông bà, cha mẹ, ông bà ngoại đều phải biếm một tư; nếu lý lẽ trái thì xử thêm tội một bậc (Điều 47 chương Đấu tụng Quyển IV).

Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ có tội lỗi gì, đều xử tội lưu đi châu xa…; nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con thì cho phép tố cáo. Nếu xâm phạm đến mình, mà đi kiện cáo để được minh oan thì được; nếu vu cáo thì xử theo tội đã vu mà lại tăng thêm một bậc (Điều 40 chương Đấu tụng Quyển IV).

Kế thừa các quy định của Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ cũng có nhiều quy định điều chỉnh về chữ hiếu. Hoàng Việt luật lệ cũng xem bất hiếu là một trong “thập ác”. Theo luật này, các hành vi được xem là bất hiếu cũng gần giống như quy định của Quốc triều hình luật.

Bất hiếu là chửi rủa ông bà, cha mẹ hoặc khi ông bà, cha mẹ còn đang sống lại đi ở nơi khác lo tích riêng để việc phụng dưỡng bị khiếm khuyết; hoặc đang có tang cha mẹ mà lấy vợ chồng; hoặc nhân vui mừng mà bỏ chế phục; hoặc biết tin ông bà, cha mẹ chết lại giấu đi không báo tang; hoặc nói dối là ông bà, cha mẹ đã chết.

Luật này cũng nói rõ: “Các việc bất hiếu thì nhiều lắm. Trong chú thích chỉ nêu được những điều có ghi chép trong luật mà thôi”. Theo đó, các hành vi bị coi là bất hiếu, đều chịu các chế tài tương ứng, chẳng hạn: Đi làm quan bỏ mặc cha mẹ. Nếu có ông bà, cha mẹ tuổi đã 80 trở lên, có bệnh nặng lại không có con thứ hầu hạ mà bỏ mặc cứ đi làm quan, hoặc nói dối rằng ông bà, cha mẹ già ốm, phải tìm cách trở về quê quán để hầu hạ thì đều xử phạt 80 trượng, (người bỏ mặc cha mẹ phải bắt về quê quán hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ, khi nào hết trở, muốn quay lại chức quan thì chiếu theo chức cũ ban cho).

Người nào nếu ông bà, cha mẹ bị tội tử hình, hiện bị giam cầm mà vẫn lấy yến tiệc làm vui thì cũng xử tội giống như vậy (Điều 17 Chương II (Nghi chế) Quyển IX).

Với những quy định trên, cổ luật Việt Nam đã sớm luật hóa chữ hiếu, đưa chữ hiếu từ phạm trù đạo đức trở thành phạm trù pháp lý, định ra các chế tài nghiêm khắc để duy trì kỷ cương, hiếu nghĩa trong xã hội, đồng thời là cơ sở để xử phạt những kẻ bất hiếu.

Chữ hiếu: Nền tảng đạo đức của con người

Trong pháp luật hiện hành, có thể tìm thấy các quy định liên quan đến chữ hiếu trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HN&GĐ) ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó quy định:“Con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà” (trích khoản 4).

Khoản 2 Điều 4 Luật này cũng quy định: “Cấm ngược đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ…”. "Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”.

Khoản 2 Điều 36 cũng quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu tàn tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.

Điều 57 Luật HN&GĐ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ: “Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Theo pháp luật hiện hành, con cái bất hiếu, vi phạm nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ, tùy tính chất, mức độ của hành vi cụ thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số hành vi bất hiếu có thể bị xử lý hành chính như: Hành hạ, ngược đãi cha mẹ; con cái trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha, mẹ; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cha, mẹ; cô lập, xua đuổi, gây áp lực về tâm lý đối với cha, mẹ…

Việc xử phạt được thực hiện theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về hôn nhân và gia đình, Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình… Mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm tối đa đến 30.000.000 đồng.

Trong trường hợp con cái có hành vi bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một hoặc số tội danh như: Tội "Hành hạ, ngược đãi ông, bà, cha, mẹ" (Điều 151 Bộ luật Hình sự) với khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù; tội "Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng" (Điều 152 BLHS) với khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù.

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm của con cháu đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác được quy định trong BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm theo tội đó, chẳng hạn như tội "Bức tử" (Điều 100 BLHS) với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù; tội cố ý gây thương tích (Điều 104), tội "Giết người" (Điều 93),… và trong những trường hợp này, tình tiết xâm hại đến ông bà, cha mẹ là tình tiết định khung tăng nặng (ví dụ giết ông bà, cha mẹ thì có thể bị truy tố theo điểm e khoản 1 Điều 93 với khung hình phạt cao nhất là tử hình).

Như vậy, chữ hiếu, dù trong thời đại nào vẫn luôn được coi là nền tảng đạo đức của con người và hiếu đạo. Những kẻ nghịch tử, bất hiếu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc bởi quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật.

 Kiều Anh Vũ (VPLS Lê Nguyễn, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.