Cùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng đang hứng chịu với đợt rét đậm đầu tiên trong mùa đông năm nay.Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, 7 giờ 17-12, nhiệt độ đo được tại địa bàn thành phố ở mức 10,7- 12 độ C. Dự báo, những ngày tới, nhiệt độ có thể xuống thấp hơn, ở 8-10 độ C (rét hại). Đợt rét này có thể kéo dài 2 -3 ngày..
Rét đậm đột ngột tốt mạ, hại cây vụ đông
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, không chỉ có nền nhiệt độ ở mức thấp, đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống còn có gió bắc cấp 4, cấp 5, có lúc cấp 6.Cường độ gió khá mạnh ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển của mốt số loại cây vụ đông ưa ấm như hành, tỏi, ngô…Nhiều cây ngô đang có bắp bị nghiêng, đổ. Một số diện tích ngô mới trồng cũng bị táp lá, chậm phát triển. Các diện tích trồng hành ở khu vực Tú Sơn (Kiến Thụy) bị dập, gẫy lá. Ông Bùi Duy Tông, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: qua kiểm tra thực tế diện tích trồng hành (đang ở giai đoạn tạo củ) có hiện tượng gẫy một vài lá. Số lá hành bị gẫy ít nên ảnh hưởng không đáng kể đến năng suất. Nếu nhiệt độ giữ ở mức hiện nay thì sẽ tốt cho sinh trưởng, phát triển của hành. Nếu đợt rét này kéo dài, nhiệt độ xuống thấp hơn, xã sẽ vận động nông dân cần phun thuốc bảo vệ thực vật để cây hành cứng lá, xuống củ thuận lợi và có phương án giữ ấm cho các diện tích rau ăn lá và cây vụ đông ưa ấm”.
Nông dân phủ trấu chống rét và giữ ẩm cho cây vụ đông mới gieo hạt. |
Ở nhiều xã của huyện Tiên Lãng, nông dân tích cực ra đồng chăm sóc, bảo vệ mạ trà sớm khi trời đột ngột rét đậm. Chị Nguyễn Thị Huê ở đội 4, xã Hùng Thắng khẩn trương cho nước vào ruộng mạ mới gieo 1 tuần để giữ ấm cho mạ. “Trời rét làm mạ phát triển chậm. Nếu nhiệt độ như ngày hôm nay, tôi chỉ cần cho nước vào ruộng để giữ mạ ấm chân. Trường hợp nhiệt độ tiếp tục xuống thấp hơn nữa, khi sờ tay xuống nước thấy giá và nhức thì ban ngày cần tháo nước cho chân ruộng mạ được ấm, đến đêm lại lấy nước vào”, chị Huê chia sẻ kinh nghiệm.
Theo bà Đào Thị Hà, trưởng phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), việc chuyển rét đậm đột ngột như hiện nay, ảnh hưởng đến hơn 4000 ha cây vụ đông ưa ấm, nhưng xét về một góc độ nào đó lại tốt cho mạ trà xuân sớm. Bởi bà con gieo mạ trà lúa xuân sớm trước nhiều so với lịch hướng dẫn, thêm vào đó, thời tiết ấm kéo dài, mạ sinh trưởng quá nhanh. Đợt rét đậm này giúp mạ hãm lại, chất lượng mạ sẽ tốt hơn khi đưa ra ruộng cấy. Hiện toàn thành phố gieo 350 ha mạ, cơ bản gieo xong mạ trà lúa xuân sớm. Nếu thời tiết tiếp tục có rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Nông nghiệp- PTNT và các địa phương hướng dẫn nông dân phòng, chống rét cho mạ bằng việc bón tro mục và luôn giữ ấm, tốt nhất là dùng ni lông trắng để che phủ kín mạ. Bên cạnh đó, việc dự phòng giống lúa ngắn ngày để đề phòng trường hợp mạ bị chết rét cũng đã được tính đến”.
Các vùng chăn nuôi chủ động trước một bước
Trước khi mùa rét tới, ông Bùi Đình Bổn, ở thôn Đại Điền, xã Tân Viên, (An Lão) mua sắm các nguyên vật liệu che chắn chuồng trại cho đàn lợn. Gia đình ông mới đầu tư xây dựng trại nuôi lợn diện tích 5800 m2, quy mô 1000 con nên ông đặc biệt quan tâm việc phòng, chống rét. Ông đã đầu tư hệ thống sưởi chuồng trại gồm: bóng điện, chụp ga, chụp sưởi. Bên cạnh việc dùng lò sưởi, hệ thống chuồng trại cũng được ông Bổn che chắn cẩn thận, tránh gió từ các hướng lùa vào. Bên cạnh đó, cho lợn ăn uống đầy đủ, tăng cường bổ sung chất đạm và các loại vi-ta-min.
Nông dân xã An Thọ (An Lão) phủ ni lông chống rét cho mạ mới gieo. |
Để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo các huyện, chủ động trong việc phòng, chống rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cây trồng. Các hộ nông dân đều được hướng dẫn che chắn chuồng trại cẩn thận, dùng các biện pháp sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa. Nhiều hộ chăn nuôi trang trại, gia trại chủ động trong việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Tại nhiều địa phương chăn nuôi trâu, bò lấy thịt, hạn chế chăn thả tự do trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đối với trâu, bò sử dụng sức kéo, nhiều nơi bà con áp dụng cách thức: buổi sáng cho đi muộn, về muộn, buổi chiều đi sớm về sớm. Nhiều nông dân được trang bị kiến thức về việc bổ sung thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng và vi-ta-min để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Hiện, các huyện hoàn thành việc tiêm vắc- xin phòng bệnh cúm H5N1 cho đàn gia cầm, đồng thời đang khẩn trương chuẩn bị cho đợt phun hóa chất khử trùng tiêu độc quy mô lớn toàn bộ khu vực chăn nuôi, môi trường chung quanh để phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát trước và trong Tết Nguyên đán…/.
Hoàng Yên