Chiều qua (17/12), đến thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động luật sư, không phải thiếu luật sư nên phải chủ động nhìn nhận, tạo môi trường pháp lý để luật sư được tham gia tất cả các vụ án nhưng bản thân đội ngũ luật sư cũng phải khắc phục những khuyết điểm của mình”.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam |
Xác định đúng vai trò của luật sư
Chủ tịch Liên đoàn LS.Lê Thúc Anh cho biết, Liên đoàn đã có nhiều hoạt động để phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư nhưng vẫn gặp khó khăn do khiếm khuyết trong thực trạng thi hành các qui định trong Bộ luật tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa, gây nhiều cản ngại cho quá trình tham gia tố tụng của luật sư...
Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị xác định, quy định tính đặc thù của Liên đoàn; tiếp tục sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật để tạo môi trường pháp lý cho luật sư và nghề luật sư phát triển bền vững; phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng tỷ lệ luật sư trung bình trên tổng số dân, tăng cường chế độ tự quản cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư…
Khó là tổ chức thực hiện pháp luật
Tán thành những khó khăn mà Liên đoàn đưa ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho rằng, “cái khó là hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về luật sư còn yếu” nên “tiếng nói” của Liên đoàn là quan trọng để luật sư tham gia tố tụng hiệu quả”.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, cách đi lâu dài, bền vững là Liên đoàn và giới luật sư cần chủ động nâng cao vị thế trong hoạt động hành nghề, xóa bỏ được tâm lý e ngại luật sư Việt Nam của các cơ quan, DN để có nhiều luật sư có thể cạnh tranh được với luật sư nước ngoài, có khả năng tham gia giải quyết các vụ án, tranh chấp quốc tế…
Còn Phó Trưởng BCĐ Cải cách tư pháp TƯ Lê Thị Thu Ba khẳng định: “Số lượng luật sư hiện không thiếu, nhưng thiếu cơ chế thì không thể phát triển đội ngũ luật sư”. Hơn nữa, bà Lê Thị Thu Ba nhận thấy, cần tiến tới qui định bắt buộc phải có luật sư tham gia tất cả các phiên tòa nhất là để thực hiện cơ chế tranh tụng để bảo vệ người yếu thế và như vậy, luật sư mới có “đất dụng võ”, nâng cao được trình độ nghiệp vụ, chất lượng tố tụng cũng như chất lượng các cơ quan tư pháp “vì thực tế một số cán bộ tố tụng “sợ”, không muốn có sự tham gia của luật sư”.
Mô hình tố tụng có vấn đề
Theo LS.Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn - chỉ 30% trong tổng số người được đào tạo tham gia hành nghề vì luật sư “chưa thực sự có đất sống”. Khảo sát của liên đoàn ở 1 số đoàn chỉ 50% luật sư sống được bằng nghề mà nguyên nhân chính là do “mô hình tố tụng có vấn đề” khi vẫn đang được tiến hành theo kiểu “thỉnh án”, “báo cáo án”, cùng những cản trở từ phía cơ quan điều tra, kiểm sát. “Nếu không cải cách mạnh mẽ thì khó thể nâng cao vị thế, uy tín của luật sư” – LS.Thịnh khẳng định.
Trước vấn đề của thực tiễn hoạt động luật sư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, luật sư tham gia tố tụng còn ít quá, mới khoảng 9-10% trong tổng số hơn 330.000 vụ án năm 2012 nên trong tố tụng hình sự, luật sư đã tham gia ngày càng nhiều, nhưng còn nhiều vướng mắc, nhất là ở giai đoạn đầu nên “còn bị kêu, còn rất cần luật sư” song hiện vẫn còn lãng phí nhân lực bổ sung cho đội ngũ luật sư là do chưa hấp thụ được hết các nguồn lực trong xã hội. “Vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động luật sư chứ không phải thiếu số lượng nên phải chủ động nhìn nhận để tạo môi trường pháp lý để luật sư được tham gia tất cả các vụ án”.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, “khắc phục được tình trạng oan sai mới có công lý và một chế độ bền vững là phải có công lý” nên “phải quán triệt thay đổi mô hình tố tụng mới theo tinh thần cải cách tư pháp, có sự tham gia của luật sư, kết hợp giữa kết luận điều tra và tranh tụng tại tòa để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm”. Đồng thời, bản thân đội ngũ luật sư cũng phải tự khắc phục những khuyết điểm của mình để chủ động nâng cao vị thế trong xã hội.
Đến nay có 7.630 luật sư được Liên đoàn cấp thẻ, riêng năm 2012 tăng 806 luật sư. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các đoàn luật sư, năm 2012, đội ngũ luật sư đã tham gia 27.926 vụ án, trong đó có 14.256 vụ án hình sự. Ngoài ra, các luật sư cũng đã tư vấn 47.179 vụ việc khác, cung cấp 34.890 dịch vụ pháp lý và thực hiện 8.111 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí. |
Hương Giang