UBND TP. Hà Nội vừa có “chỉ thị” đốc thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập quy hoạch cũng như tiến độ hoàn thành hàng loạt công trình trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu đơn vị chức năng phải chủ động làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn…
“Ngắm” các dự án đường vành đai
Hàng loạt dự án thuộc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn đã được lãnh đạo TP. Hà Nội “để mắt” với những chỉ đạo quyết liệt.
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trong tháng 10, dự án đường vành đai I đoạn Ô Đông Mác – đê Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) phải lập xong quy hoạch hai bên đường; Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phải xong hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Riêng dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn (Từ Liêm), Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phải thực hiện xong hồ sơ chỉ giới đường đỏ gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình phê duyệt theo quy định trước ngày 10/11/2010.
Về chủ trương triển khai dự án nút giao thông cầu Chui theo hình thức hợp đồng BT (quận Long Biên), TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn và các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo thường trực thành phố theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Khôi, với dự án xây dựng đường 5 kéo dài, giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ban quản lý lý dự án hạ tầng Tả Ngạn kiểm tra, rà soát, xây dựng tiến độ, thống nhất với các giải pháp cụ thể để đưa vào sử dụng từng đoạn tuyến đã thi công hoàn thành.
TP. Hà Nội cũng giao Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án vành đai II (đoạn ngã tư Vọng đến ngã tư Sở), dự án vành đai I (đoàn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu), đoạn Hoàng Cầu đến Voi Phục. Các cầu vượt cho người đi bộ như Nguyễn Trãi 1,2,3 tổ chức thi công sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải, phấn đấu hoàn thành xây lắp trong quý 1/2011.
Chủ đầu tư hết “cô đơn”
TP. Hà Nội chính thức giao Sở Kế hoạch & Đầu tư đề xuất danh mục điều hòa vốn chuẩn bị đầu tư, vốn lập quy hoạch, vốn thực hiện dự án năm 2010 theo quy định trong tháng 10/2010. Đơn vị này cũng phải kiểm tra, rà soát nhằm đề xuất với thành phố giao chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án (kể cả dự án của Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải…).
Dự kiến, tháng 11/2010, UBND TP. Hà Nội sẽ được nghe báo cáo lần đầu của Sở Gao thông Vận tải về dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đối với dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, trong tháng 11/2010 chủ đầu tư phải trình Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định dự án, trình phê duyệt dự án theo quy định. Riêng Sở Xây dựng phải chủ động triển khai công tác thu hồi đất, giao đất để giải phóng mặt bằng để quý 2/2011 triển khai đầu tư xây dựng.
Chỉ đạo của TP. Hà Nội cũng gỡ “khó” cho nhà đầu tư, khi chính quyền thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, rà soát, thống nhất đề xuất thành phố theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đúng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện.
Quá trình thực hiện dự án, các chủ đầu tư sẽ bớt “cô đơn” hơn, bởi Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ động làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn về chỉ giới đường đỏ, tổng mặt bằng, quan tâm đến việc thỏa thuận ranh giới nghiên cứu quy hoạch.
Việt Hưng