Chu Cẩm Phong có viết 2 cuốn nhật ký trong cùng một thời gian?

(LĐ online) - Đó là câu hỏi cần đặt ra sau khi có các thông tin của nhà thơ Thanh Quế công bố trên báo Công an Nhân dân ngày 17.05.2010 ( bài “Nhật ký chiến tranh” được bảo quản như thế nào ?”) và trên báo Văn Nghệ ngày 11.12.2010 ( bài “Về tập sách “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong”) mà gần đây tôi mới được đọc.

[links()](LĐ online) - Đó là câu hỏi cần đặt ra sau khi có các thông tin của nhà thơ Thanh Quế công bố trên báo Công an Nhân dân ngày 17.05.2010 ( bài “Nhật ký chiến tranh” được bảo quản như thế nào ?”) và trên báo Văn Nghệ ngày 11.12.2010 ( bài “Về tập sách “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong”) mà gần đây tôi mới được đọc.
   
Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề nêu trên, xin được bày tỏ cùng nhà thơ Thanh Quế, nhà thơ Ngô Thế Oanh cùng tất cả các đồng nghiệp và bạn đọc, và trên hết là với hồn thiêng người bạn đã khuất Chu Cẩm Phong lời cáo lỗi chân thành của tôi, bởi khi viết giới thiệu “Nhật ký chiến tranh” tôi đã không nêu thật rõ ràng cuốn sách được cấu tạo từ 2 nguồn bản thảo lưu giữ tại 2 nơi khác nhau với các chủ thể khác nhau: phần nhiều được lưu giữ ở cơ quan trên núi do nhà thơ Thanh Quế và tiếp sau là nhà thơ Ngô Thế Oanh, phần ít là do một cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn – anh Hoàng Đình Hiếu - sống trong lòng Đà Nẵng dưới chế độ cũ và tiếp sau anh Hoàng Đình Hiếu trao lại cho tôi (BMQ). Tôi càng rất lấy làm áy náy về sự viết thiếu rõ ràng của mình khi đọc trong 2 bài báo nêu trên những dòng nhắc nhở nghiêm khắc của thi sĩ – chiến sĩ Thanh Quế: “Gần đây ở Quảng Nam - Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" do một người lính Mỹ cung cấp vậy. Do đó, tôi xin viết lại những dòng này trong lúc tôi còn sống, nhà thơ Ngô Thế Oanh còn sống, chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong còn sống, nhà văn Cao Duy Thảo còn sống để cung cấp rõ về mọi thông tin của tập sách "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong chứ không phải để kể công lênh gì (vì làm gì có chuyện công lênh khi giữ hiện vật của đồng đội, đó là trách nhiệm).Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi”.
   
Tôi xin hứa sẽ sửa lỗi ngay khi “Nhật ký chiến tranh” hoặc  “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” được tái bản, một việc mà tôi tin chắc rằng thế nào NXB Hội nhà văn cũng sớm thực hiện trước dịp kỷ niệm lần thứ 40 nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong hy sinh (01.05.1971 – 01.05.2011).
   
Chỉ lấy làm tiếc một điều, tôi được nhắc nhở hơi muộn, để thiếu sót kéo dài, gây hậu quả  (chắc là ) lớn.

“Nhật ký chiến tranh” (NXB Văn Học) ấn hành từ năm 2000, “Tuyển tập Chu Cẩm Phong”  (NXB ĐÀ NẴNG) ra mắt từ 2005, vậy mà Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Cao Duy Thảo, rồi PL, người yêu, vợ sắp cưới của Chu Cẩm Phong, chị Phan Thị Phi Phi, người chị kết nghĩa của Chu Cẩm Phong, anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung, đều là những người thân thiết với Chu Cẩm Phong và tôi, chả ai nhắc nhở tôi lấy nửa lời. Chỉ cần một cú điện thọai, một dòng thư ngắn, là tôi lập tức viết bài “Nói cho rõ” đăng lên các báo ngay từ năm 2000, khỏi mắc lỗi kéo dài.

Đó là chuyện từ 05 tháng 06.2006  trở về trước.
     
Ngày 11 tháng 05.2006, tại Hội An, Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong - cuộc đời và sáng tác”. Các anh Thanh Quế, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Cao Duy Thảo đều dự và phát biểu, không anh nào nhắc nhở tôi để tôi sửa lỗi. Tôi cũng phát biểu. Vì mải tập trung vào chủ đề “chuyển phẩm chất anh hùng của Chu Cẩm Phong vào mỗi chúng ta trong cuộc chiến đấu hôm nay” mà tôi quên mất không trình bày phần tự kiểm điểm và nói lại cho rõ ràng.

Sau hội thảo, tôi soạn lại bài phát biểu của mình với phần mở đầu dùng làm “Lời tòa sọan” (LTS) giới thiệu thân thế sự nghiệp của Chu Cẩm Phong trong đó có câu này: “ Đặc biệt cuốn nhật ký cuối cùng mà nhà văn đem theo bên mình tưởng đã bị mất vĩnh viễn không ngờ đã được một sĩ quan quân đội Sài Gòn trân trọng gìn giữ, sau ngày giải phóng Đà Nẵng tìm đến trao lại cho nhà thơ Bùi Minh Quốc, năm 2000 tập hợp với các phần nhật ký Chu Cẩm Phong viết trước đó in thành sách mang tên “Nhật ký chiến tranh” (NXB Văn Học xuất bản), được Hội Nhà Văn Việt Nam trao tặng thưởng”.

(Sắp tới, khi tái bản, tôi sẽ bổ sung cụ thể như sau: “ Đặc biệt cuốn nhật ký cuối cùng mà nhà văn đem theo bên mình tưởng đã bị mất vĩnh viễn không ngờ đã được một sĩ quan quân đội Sài Gòn trân trọng gìn giữ, sau ngày giải phóng Đà Nẵng tìm đến trao lại cho nhà thơ Bùi Minh Quốc, năm 2000 tập hợp với CÁC CUỐN nhật ký Chu Cẩm Phong viết trước đó DO NHÀ THƠ THANH QUẾ VÀ NHÀ THƠ NGÔ THẾ OANH LƯU GIỮ TẠI CƠ QUAN TRÊN NÚI, in thành sách mang tên “Nhật ký chiến tranh(NXB Văn Học xuất bản), được Hội Nhà Văn Việt Nam trao tặng thưởng”).                           
   
Ngày 06.06.2006, tôi gửi đi bài phát biểu với phần giới thiệu có câu nêu trên nhờ công bố.

Gửi những đâu ?
             
Nơi gửi đầu tiên là ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam; gửi toàn ban chấp hành và gửi từng ủy viên ban chấp hành, nhờ anh Đào Thắng chánh văn phòng Hội chuyển tận tay mỗi người một bản, gồm anh Hữu Thỉnh chủ tịch (người có dự hội thảo về Chu Cẩm Phong và có phát biểu), anh  Lê Văn Thảo phó chủ tịch, anh Nguyễn Trí Huân phó chủ tịch, anh Trần Đăng Khoa ủy viên, anh Hồ Anh Thái ủy viên, chị Phan Thị Vàng Anh ủy viên. Tôi cũng gửi thêm một bản cho anh Nguyễn Trí Huân ngay khi anh về làm tổng biên tập báo Văn Nghệ đúng thời gian ấy, lại kiên trì ba bốn lần gọi điện giục anh đăng. Nhưng nghe giọng anh Huân trả lời không mấy mặn mà, nên tiếp đó tôi liền gửi đến báo Người đại biểu Nhân dân và các báo, tạp chí khác.

Bài phát biểu của tôi về nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong (tất nhiên luôn có câu  năm 2000 tập hợp với các phần nhật ký Chu Cẩm Phong viết trước đó in thành sách mang tên “Nhật ký chiến tranh” trong phần LTS) đã đăng trên các báo và tạp chí sau đây:
            
    -Báo Người Đại biểu Nhân dân số ra ngày 21 và 22.6.2006
    -Báo Lâm Đồng số ra ngày 21.6.2006
    -Tạp chí VĂN HIẾN VIỆT NAM số tháng 6.2006
    -Báo TIỀN PHONG số ra ngày 30.7.2006
    -Tạp chí BIỂN VÀ BỜ số tháng 7.2006
    -Tạp chí CHƯ JANG SIN số tháng 7.2006
    -Tạp chí SÔNG TRÀ số tháng 7.2006
    -Tạp chí VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI số tháng 9.2006
    -Báo NGƯỜI CAO TUỔI số xuân Đinh Hợi 2007
   
Đồng thời tôi cũng nhờ công bố trên trang nhà của các đồng nghiệp hội viên như nhà thơ Trần Nhương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, và anh Nguyễn Hòa, một đồng nghiệp không hội viên có trang nhà mang tên vanchuongviet.org.
   
Riêng báo Văn Nghệ nhất định không đăng.
   
Mà tôi thì luôn thiết tha mong mỏi được đăng trên báo Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận chính của Hội, bởi tôi đã nghe và tin những lời anh Hữu Thỉnh phát biểu rất hùng hồn tại hội thảo về phẩm chất anh hùng của Chu Cẩm Phong cùng những việc Hội sẽ làm về Chu Cẩm Phong như tổ chức hội thảo ở qui mô toàn quốc, xúc tiến các thủ tục để đề nghị phong anh hùng v.v…

Ngày 02.09.2007 tôi gửi thư cho anh Nguyễn Trí Huân nhắc lại yêu cầu của mình. Sau đó khá lâu, hình như mãi đến dịp 27.07 hoặc 02.09 năm 2008 báo Văn Nghệ mới đăng (nhưng cắt bỏ một số đoạn quan trọng), vì tôi không lưu giữ báo nên không ghi ra đây được chính xác số nào, mong bạn đọc lượng thứ. Tháng 03 năm 2010, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong được truy phong anh hùng. Nhân dịp này, tôi đổi tên bài thành “Chu Cẩm Phong, nhà văn anh hùng” và thêm câu đầu, câu kết cho cập nhật, gửi đến một số báo và trang nhà nhờ công bố lại.Rất mừng là báo điện tử của Hội nhà văn Việt Nam, trannhuong.com của nhà thơ Trần Nhương, nguyentrongtao.org của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lethieunhon.com của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã nhiệt tình công bố liền.
   
Công bố rộng rãi và liên tục một thời gian dài như thế mà vẫn để anh Thanh Quế phải báo động với công luận “Gần đây ở Quảng Nam - Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" do một người lính Mỹ cung cấp…” thì tôi cũng chẳng biết nói sao ngoài việc phải nói lại lời xin lỗi.Mà lỗi này cũng có phần của anh Thanh Thảo nữa.

Anh Thanh Thảo cứ viết “ “Nhật ký chiến tranh”, một tác phẩm văn học kỳ lạ” mà chẳng đưa giúp tôi cái câu “năm 2000 tập hợp với các phần nhật ký Chu Cẩm Phong viết trước đó in thành sách mang tên “Nhật ký chiến tranh”” dù anh đã cho đăng bài của tôi trên tạp chí Sông Trà do anh làm tổng biên tập. Mong anh Thanh Thảo tìm đọc ngay lời nhắc nhở/cảnh cáo của anh Thanh Quế trên báo Văn Nghệ ngày 11.12.2010: “Viết những dòng này, chúng tôi mong rằng, được cung cấp thông tin cho bạn đọc, cho các nhà nghiên cứu (cho cả những ai biết rõ sự thật mà cố tình nói khác đi)…” . Tôi đoán rằng mấy chữ “những ai biết rõ sự thật mà cố tình nói khác đi” là ám chỉ tôi và anh Thanh Thảo đấy.
   
Xin trở lại vấn đề Chu Cẩm Phong có viết 2 cuốn nhật ký trong cùng một thời gian ?
   
Nhà thơ Thanh Quế viết : “Nhật ký của Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11/7/1967 đến 27/4/1971, ngày anh hy sinh”(…)“Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3/1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký anh viết từ năm 1967 đến cuối năm 1970…”. Ở một đọan khác trong bài viết nêu trên, anh Thanh Quế lại nhấn mạnh “Như vậy là khoảng 4/5 tập "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7/1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho tôi giữ”.
   
Tôi xin phép nhấn mạnh lại để lưu ý bạn đọc mấy chữ của anh Thanh Quế : “đến cuối năm 1970”.

Cần lưu ý, bởi vì cuốn nhật ký cuối cùng mà Chu Cẩm Phong đem theo bên mình được lấy lên từ dưới hầm bí mật khi anh hy sinh rồi lưu chuyển đến anh Hoàng Đình Hiếu và về sau anh Hiếu trao lại cho tôi lại ghi từ ngày 12 tháng 01.1970 (mồng 5 tháng chạp Kỷ Dậu) và dừng lại ở ngày 27.4.1971, ba ngày trước khi anh hy sinh vào ngày 01.05.1971 (chứ không phải hy sinh ngày 27.04.1971 như anh Thanh Quế viết).

Qua thông tin của anh Thanh Quế, ta thấy Chu Cẩm Phong còn một cuốn nhật ký nữa ghi đến cuối năm 1970 và gửi cho Thanh Quế cùng các cuốn ghi từ 11.07.1967.Kết luận tất yếu phải rút ra: Chu Cẩm Phong đã viết 2 cuốn nhật ký trong năm 1970, một cuốn gửi lại cho Thanh Quế khi đi công tác, một cuốn đem theo bên mình.Liệu có thể như thế không ? Kể cũng khó tin, mặc dù Chu Cẩm Phong là người rất chịu khó ghi, tôi cũng cứ thử hỏi liệu có nhu cầu đặc biệt gì, trong hoàn cảnh thì giờ dành cho ngòi bút rất eo hẹp, mà Chu Cẩm Phong lại phải ghi 2 cuốn nhật ký song song trong cùng thời gian ? Khó tin lắm, nhưng anh Thanh Quế đã khăng khăng nhấn mạnh tới 2 lần như nêu trên thì tôi phải cố mà tin. Và tất cả chúng ta, trước hết là hai anh Thanh Quế và Ngô Thế Oanh phải có trách nhiệm tìm cho ra cuốn đó. Tìm ở đâu ? Khó nghĩ thật. Anh Thanh Quế, anh Ngô Thế Oanh nghĩ xem nên tìm ở đâu ?

Khi tiến hành chuẩn bị bản thảo để in “Nhật ký chiến tranh” tôi dựa vào 2 nguồn văn bản: 1/ Phần ghi từ 11.07.1967 đến ngày 11.01.1970 tôi photo ở bản gốc của gia đình (do anh Ngô Thế Oanh trao) 2/ Phần ghi từ ngày12 tháng 01 (mồng 5 tháng chạp Kỷ Dậu) đến ngày 27.04.1971 trong cuốn nhật ký cuối cùng mà anh Hoàng Đình Hiếu trao cho tôi.Cuốn này có một đặc điểm độc nhất vô nhị, khác hẳn các cuốn khác của Chu Cẩm Phong: vết xé của mảnh lựu đạn chém vào suốt chiều dày mép trên cuốn sổ, cái bìa được anh Hoàng Đình Hiếu bọc lại và trang trí hình một cái cây đỏ thắm vươn thẳng dưới ánh mặt trời.Cuốn sổ này anh Hiếu giữ gìn cẩn trong suốt 4 năm rồi trao cho tôi, tôi giữ suốt 30 năm từ 1975 đến 2005, sau khi hoàn tất việc xuất bản “Tuyển tập Chu Cẩm Phong”  (NXB ĐÀ NẴNG), tôi đem trao lại cho anh Trần Mạnh Hùng, em ruột anh Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) với lời dặn: “Đây là một báu vật quốc gia của văn hóa Việt, Hùng giữ gìn cẩn trọng và đừng trao cho bất kỳ ai khác nữa nhé ”.

Về dung lượng 2 phần nhật ký thể hiện trên ấn bản như sau:

Ở sách “Nhật ký chiến tranh”, phần nhật ký do anh Thanh Quế và anh Ngô Thế Oanh giữ trên núi, in từ trang 07 đến 1/4 trang 573, tổng cộng hơn 566 trang; phần nhật ký do anh Hoàng Đình Hiếu giữ và trao cho tôi, in từ già nửa trang 573 đến nửa trang 907, tổng cộng gần 334 trang, tỷ lệ của phần giữ trên núi là 566/900.

Ở sách “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” phần nhật ký do anh Thanh Quế và anh Ngô Thế Oanh giữ trên núi, in từ trang 166 đến non nửa trang 566, tổng cộng hơn 400 trang;  phần nhật ký do anh Hoàng Đình Hiếu giữ và trao cho tôi, in từ già nửa trang 566 đến non nửa trang 804, tổng cộng 238 trang, tỷ lệ của phần giữ trên núi là 400/638

Nhờ anh Thanh Quế tính giúp các tỷ lệ trên ra phân số xem có phải là 4/5 như anh viết không ? Chắc chắn là không.Như vậy tỷ lệ 4/5 là phải bao gồm cả cuốn ghi đến cuối năm 1970 mà anh Thanh Quế và anh Ngô Thế Oanh giữ trên núi, nay không biết nằm ở đâu.

Tôi rất mong tìm thấy cuốn Chu Cẩm Phong ghi đến cuối năm 1970 do anh Thanh Quế và anh Ngô Thế Oanh giữ để đối chiếu với cuốn do anh Hiếu và tôi giữ, trước hết là để thẩm định một sự kiện mà Thanh Quế sau này viết khác, còn Chu Cẩm Phong lại ghi khác. Ấy là sự kiện 7 anh em văn nghệ chúng tôi suýt chui đầu vào ổ đóng quân của Mỹ trong một chuyến đi nhận gạo.

Tháng giêng năm 1995, trong bài  “Nhớ Chu Cẩm Phong trong cái rét tháng giêng”, in ở phần cuối “Tuyển tập Chu Cẩm Phong”  (trang 810, 811), Thanh Quế viết: “…Đoàn đi cõng gạo do Chu Cẩm Phong dẫn đầu, có Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Hà Xuân Phong, Lê Văn Phước, Hiền Minh và tôi.(…)Khi chúng tôi đi dọc sông Re thì có tin Mỹ đang càn ở vùng này. Nhưng không nắm được tình hình ở vùng này nên chúng tôi cứ tiếp tục đi xuống. Đến một ngọn đồi trống, chúng tôi thấy lố nhố lính Mỹ đang đóng tăng trong bóng chiều. Tôi nói với anh Phong:

- Mỹ, anh Tiến !”

Còn trong “Nhật ký chiến tranh” ( NXB Văn Học) trang 615, ngày 10.05.1970 Chu Cẩm Phong ghi như sau :

“Hôm thứ năm 7.5 bọn mình suýt chết (…)Nghe tin địch phía bên kia sông Xà Lò cách điểm nhận gạo một tiếng đồng hồ, như vậy có thể đi được.Gặp một vài người họ bảo qua loa “Có thể địch đã qua sông, có cả biệt kích, coi chừng chúng ra ngồi mát trên cầu đó”. Mình không tin bởi vì im ắng quá. Buổi chiều thật êm ả. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ địch ở trên mặt đất gần ta. Chỉ có một điều mình lo lắng là vắng lặng quá, cánh đồng không một bóng người, đường lạnh ngắt. Mình rút súng ngắn cầm tay lên đạn đi trước, Phước dẫn đường. Anh em đi sau cách vài trăm mét. (…)Mình đi sát Phước. Phước đã đi cõng một chuyến trước đây nên chịu trách nhiệm dẫn đường. (…)Vừa nhô lên đỉnh gò thì thật là đột ngột, bọn lính Mỹ đang lố nhố đào công sự ngay trước mắt mình, chỉ cách khoảng150 mét”.

Giữa đọan hồi ký Thanh Quế viết năm 1995 với đoạn Chu Cẩm Phong ghi 3 ngày sau sự kiện, có sự sai biệt  ở một số chi tiết quan trọng. Theo Thanh Quế, thì Quế đi trước, sát bên Chu Cẩm Phong, Quế là người nhìn thấy Mỹ trước và báo với Chu Cẩm Phong :“Mỹ, anh Tiến !”. Còn Chu Cẩm Phong thì ghi “Anh em đi sau cách vài trăm mét”. Theo trí nhớ của tôi thì Chu Cẩm Phong đã ghi đúng : chỉ có Chu Cẩm Phong và Lê Văn Phước (biên đạo múa) đi trước nhìn thấy Mỹ, còn 5 anh em gồm Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Hiền Minh (biên đạo múa), Hà Xuân Phong (họa sĩ, năm 1974 đã tử nạn trong nhiệm vụ, vì nước lũ) đi sau cách vài trăm mét. Tôi không nhìn thấy Mỹ. Tôi chỉ nhìn thấy Chu Cẩm Phong và Lê Văn Phước trên mỏm đồi xoay người lại, cúi khom, ra hiệu bằng tay: “Có địch, hãy quay lui !”.

Tôi mong bài viết này đến tay các anh Lê Văn Phước (hiện ở Nha Trang), Cao Duy Thảo (hiện ở Nha Trang), Hiền Minh (hiện ở TP HCM) và mong các anh cho biết chi tiết nêu trên trong trí nhớ của các anh có giống với tôi và những dòng nhật ký của Chu Cẩm Phong không ? Chúng ta phải cùng nhau cố xác minh lại điều này kẻo oan cho Chu Cẩm Phong bởi trong nhật ký anh đã bỏ sót không ghi hình ảnh Thanh Quế xông xáo đi đầu sát bên anh, đã nhanh nhạy phát hiện địch và báo cáo với anh.

Thanh Quế lại viết: “Sáng hôm sau, vừa thức dậy, chúng tôi thấy một toán Mỹ đi qua trước mặt. May mà chúng không phát hiện ra chúng tôi. Hú vía”. Không thấy Chu Cẩm Phong ghi chuyện này. Anh chỉ ghi: “Nửa buổi hôm sau nhận ra đường cũ, và khi gặp một đồng chí thanh niên mang khẩu AK, mình mới giắt súng vào bao”. Theo trí nhớ của tôi thì hoàn toàn không có chuyện “sáng hôm sau, vừa thức dậy, chúng tôi thấy một toán Mỹ đi qua trước mặt”. Xin các anh Lê Văn Phước, Cao Duy Thảo, Hiền Minh nhớ lại giùm xem có chuyện này không ?

Chu Cẩm Phong ghi đoạn kết về chuyến đi nhận gạo suýt chết ấy như sau : “Trở về hết gạo, nhưng không đói, nhờ gặp anh em quen biết dưới tỉnh và bà con đi đường giúp đỡ, kẻ thì cho nắm cơm, người thì cho mươi củ khoai, kẻ thì cho 3 lon gạo…”

Nhưng với Thanh Quế thì lại có một đêm khá rùng rợn được nhớ và tả lại vào năm 1995 thế này:

“Tối hôm ấy, chúng tôi về tới Nước Biếc, căn cứ của Quảng Ngãi.Chúng tôi dừng lại bên một cái giàn cây đã cũ để mắc võng. (…) Anh (Chu Cẩm Phong) và anh Quốc đi lùng vào rẫy mua khoai sắn. (…)Khi anh về, mọi người đã ngủ. Thấy tôi còn cựa quậy, anh hỏi :
-  Sao Quế chưa ngủ.Bây giờ người nóng hay lạnh ? - Dạ, còn nóng, mà sao có mùi thúi anh à. - Đâu có mà - Có, anh Tiến. Sáng hôm sau tôi thấy tôi nằm trên một cái thây người bị lấp sơ sài, hai bàn chân còn lòi ra…” Tôi thật sự kinh ngạc khi đọc đoạn trên.Theo trí nhớ của tôi thì hoàn toàn không có chuyện “một cái thây người bị lấp sơ sài, hai bàn chân còn lòi ra…”. Chỗ chúng tôi trú đêm rất gần vị trí đóng cơ quan của Đoàn văn công tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị mà Chu Cẩm Phong và tôi đều quen. Chúng tôi vào đó xin khoai lang chứ không phải “đi lùng vào rẫy mua khoai sắn” như Thanh Quế viết. Trong khu vực có các cơ quan tỉnh đóng mà lại có “một cái thây người bị lấp sơ sài, hai bàn chân còn lòi ra…” thì lạ quá, bởi nếu có thế thì người chết nhiều phần chắc là anh chị em mình, trong tình hình không hề có địch càn quét ở vùng căn cứ thời gian ấy mà lại không được chôn cất tử tế thì lạ quá! Để thận trọng với trí nhớ của mình, tôi mở nhật ký của Chu Cẩm Phong ra, tuyệt không thấy anh ghi một dòng nào một chữ nào về chuyện này. Xin các anh Lê Văn Phước, Cao Duy Thảo, Hiền Minh nhớ lại giùm xem có chuyện này không ? Tôi e rằng anh chị em cán bộ nhân viên Ban tuyên giáo tỉnh ủy và Đoàn văn công Quảng Ngãi hồi đó, nay đọc đoạn hồi ký trên đây của Thanh Quế sẽ rất lấy làm áy náy tự hỏi : chả lẽ bấy giờ mình lại quan liêu vô trách nhiệm với tình hình khu vực đóng cơ quan đến vậy ư ? Anh Thanh Quế yêu cầu:“Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi”. Tôi cũng thế. Tôi cũng chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi. Phải rõ ràng về việc có hay không một cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong ghi đến cuối năm 1970 mà Thanh Quế và Ngô Thế Oanh giữ trên núi ? Phải rõ ràng về lý do tại sao có sự sai chệch giữa “hồi ký” của Thanh Quế viết 24 năm sau với nhật ký của Chu Cẩm Phong ghi chỉ 3 ngày sau về cùng một sự kiện ? Thanh Quế và Ngô Thế Oanh có thể vẫn tiếp tục im lặng với bài viết này của tôi. Nhưng linh hồn Chu Cẩm Phong thì không im lặng đâu. Bởi vì Chu Cẩm Phong rất thiêng. Vâng, tôi tin thế. Đấy là ý kiến tôi mở đầu phần phát biểu của mình tại diễn đàn cuộc tọa đàm về anh hùng Chu Cẩm Phong do Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng và trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức ngày 18.12.2010. Hẹn với hai thi sĩ – chiến sĩ Thanh Quế, Ngô Thế Oanh và bạn đọc, sau khi nhận được ý kiến công khai trả lời rõ ràng của hai anh về mấy điều cần rõ ràng nêu trên, tôi sẽ viết bài “CHU CẨM PHONG RẤT THIÊNG”.
Bùi Minh Quốc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.