Đúng là xe quá tải đã và đang là nỗi “kinh hoàng” trong hoạt động vận tải đường bộ. Hậu quả là, tuổi thọ công trình hạ tầng giao thông giảm đáng kể, ô nhiễm môi trường; đặc biệt mất an toàn giao thông. Điều này không suy diễn.
Theo số liệu của Ủy ban ATGTQG, quý I/2021, 30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với quý I/2020, đặc biệt là 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên. Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất là số người tử vong do TNGT trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 33 người so với cùng kỳ năm 2020 (2%); riêng tháng 2/2021, tai nạn tăng cả 3 tiêu chí, đặc biệt là số người chết tăng 88 người (16,48%) so với tháng 2 năm 2020. Tháng 3/2021, tình hình TTATGT có cải thiện nhưng lại xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải đặc biệt là vụ TNGT xe ô tô tải tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 07 người tử vong; tai nạn hàng hải tăng cao cả số vụ, số người chết và mất tích.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đặt câu hỏi: Tình hình ô tô chở quá tải trọng cầu đường tái diễn tại nhiều địa phương, nhiều xe tải cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp. Trong đêm 5/4/2021 lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện và xử lý hàng chục xe bồn chở quá tải trên 50% ngay giữa Thủ đô. Các tỉnh, thành phố khác sẽ ra sao? Tất nhiên là “hỗn loạn”.
Câu chuyện xe quá tải, làm nhiều người quan tâm đến ATGT chưa quên, cách đây gần chục năm, gần như Chính phủ phải “hò hét”, tỉnh/thành phố nào để xảy ra tình trạng xe quá tải thì Chủ tịch tỉnh nơi đó phải chịu trách nhiệm. Sau đó là một thời gian, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh “xuống đường” bắt xe vận tải quá tải, cơi nới thùng xe... Chẳng Chủ tịch tỉnh nào chịu trách nhiệm vì “cơ chế” xử lý trách nhiệm không thuộc về Thủ trưởng mà dích dắc và đa tầng, đa nấc. Và điều dễ thấy là, Chủ tịch tỉnh không thể “làm thay” Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông. Và cho dù là lực lượng chuyên trách có thẩm quyền thì cũng không thể nào thường trực 24/24 trên mọi tuyến đường.
Câu chuyện xe quá tải, có nguyên nhân từ thị trường (khoán doanh thu, giảm chi phí), từ ý thức chấp hành luật pháp của chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe là rất kém. Nhưng không thể không nói đến “bảo kê”, “chống lưng”. Báo chí đã không ít lần cảnh báo nhiều xe vi phạm có logo nhận diện riêng, nghi ngờ có “bảo kê”, “chống lưng”.
Có thể “chống” được xe quá tải hay không? Kinh nghiệm cho thấy, trừ xe vận tải cá nhân đơn lẻ, thái độ của chủ doanh nghiệp vận tải rất quan trọng; chống được “lợi ích nhóm”, cấu kết giữa doanh nghiệp vận tải và lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt là rất quan trọng. Bởi không có “chống lưng” thì hiện tượng quá tải không thể hoành hành.