Tràn lan hàng giả - Thủ đoạn tinh vi
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) ông Đỗ Thanh Lam, thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu vẫn đang tiếp tục có những diễn biến gia tăng và gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo thống kê VATAP, đa số các mặt hàng bị làm giả nhiều là mặt hàng có giá trị cao, có thuế suất cao và được tiêu thụ nhiều, nhất là hàng dược phẩm, vật tư nông nghiệp, gia dụng. Quy mô và tính chất rất nghiêm trọng. Có những vụ việc thu giữ hàng chục tấn ở cơ quan chức năng. Thậm chí có nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài được nhập khẩu vào nước ta theo đường chính ngạch nhưng lại gắn mác giả.
“Dầu gấc Vinaga là một trong những sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp (DN) chúng tôi và hiện có tới 30 loại sản phẩm giả, nhái bằng cách thêm bớt chính tả, gây nhầm lẫn với sản phẩm của chúng tôi và đánh lừa người tiêu dùng”, ông Nguyễn Công Suất - Giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) bức xúc.
Không chỉ là “vấn nạn” của DN như theo lời bà Phạm Ánh Hồng, Giám đốc pháp chế Tập đoàn Kangaroo, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Đại diện Công ty Pentax Việt Nam gọi đây thực sự là “cơn ác mộng” đối với DN.
Ông dẫn chứng: Trong năm vừa rồi có nhiều vụ cháy nhưng các sản phẩm dùng để phòng cháy, chữa cháy hầu như không phải hàng chính hãng. Có đến hơn 80% sản phẩm của chính hãng bị làm nhái.
“Chúng ta hình dung một tòa nhà như VCCI nếu được trang bị thiết bị đủ công suất chữa cháy cho tòa nhà thì khi xảy ra hỏa hoạn sẽ được ứng cứu kịp thời, còn nếu lắp thiết bị Trung Quốc vào sẽ không đủ công suất phục vụ hoặc hoạt động đến một công suất nào đó nó sẽ tự động ngừng cấp nước. Vậy thử hỏi tác hại trong trường hợp này sẽ như thế nào?”, Luật sư Ngọc đưa ra tình huống. Luật sư cho biết, sản phẩm của DN là sản phẩm đặc thù bởi kiểu dáng máy bơm sản xuất theo kiểu dáng công nghiệp, và áp dụng công nghệ dán tem chống hàng giả. Tuy nhiên, “đâu đó đã xuất hiện tem giả chống giả tương tự như vậy”.
Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Hiện nay, những thế lực làm hàng giả, hàng nhái rất hiểu luật. Họ không dại gì làm sản phẩm y hệt vì sẽ bị xử phạt rất nặng, nhưng họ có thể lách luật bằng việc thay đổi cấu trúc nhãn hiệu để làm giả…”.
Ông Bình cũng cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ (SHTT) tương đối tiên tiến so với các nước. “Chúng ta có đầy đủ các bộ luật. Chính phủ cũng rất quyết tâm trong việc thực thi quyền SHTT, nhưng có lẽ cái chúng ta thiếu là thực tế thực thi quyền SHTT…”, ông Bình lý giải.
Cần phải “phân vai”
“Chúng tôi rất phấn khởi khi hiện nay cơ quan chức năng khi đã vào cuộc là làm rất sát sao về việc chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, vẫn bi quan khi chiêu thức làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi…”, Giám đốc VNPOFOOD phát biểu.
Trong khi đó, cũng theo Giám đốc VNPOFOOD, việc phối hợp xử lý khi phát hiện hàng giả, hàng nhái của các cơ quan chức năng rất lúng túng. “DN chúng tôi một thời gian theo dõi phát hiện hàng giả, hàng nhái và khi phát hiện, việc xử lý hàng hóa vi phạm rất khó khăn bởi có quá nhiều cơ quan chức năng quản lý. Nếu không đủ các cơ quan quản lý ở đó thì việc xử lý cũng không thực hiện được, đến khi đủ rồi thì hàng hóa đã bị tẩu tán mất”, ông Suất chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc cũng nêu lên một thực tế là chế tài xử lý hiện vẫn chưa đủ mạnh, còn mông lung. “Có trường hợp với lô hàng có giá trị lên đến 5 tỷ đồng nhưng cơ quan quản lý chỉ phạt 480 triệu đồng. Do đó, nói rằng DN không tự bảo vệ mình trước việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là không đúng. Với hàng hóa nhập vào Việt Nam 1 lãi 3 mà phạt như vậy là chưa đủ tính răn đe. Ngay trong khi đang xử lý các vụ việc vi phạm đã có những cuộc điện thoại gọi đến để xin tha, đấy là thực trạng đang tồn tại. Nếu chúng ta cứ để tình trạng này xảy ra thì đến một lúc DN sẽ chán nản trong việc tự bảo vệ mình”, Luật sư lên tiếng.
Đặc biệt, đối với thực thi quyền SHTT, Luật sư Ngọc cho rằng, nhận thức của cả 5 cơ quan thực thi còn khác biệt. Trong khi đó, đối với việc xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa với giá trị từ 150 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự 5-7 năm tù nhưng thực tế không có mấy đối tượng bị xử lý với khung hình phạt này.
“Do đó, để thực thi tốt cần có sự phối hợp đồng nhất của các cơ quan thực thi về quan điểm rõ ràng cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan cần phân rõ vai của mình để không phải “chờ nhau” trong quá trình xử lý!”, Luật sư Ngọc đề nghị.