Chồng con xót xa kể về "người mẹ chết để con được học"

Trước linh cữu vợ, người chồng nói với 3 cậu con trai: “Mẹ các con đã hy sinh”. Người phụ nữ khốn khổ đã tìm đến cái chết để chứng minh “sự nghèo” của gia đình, cầu xin sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, hy vọng các con được vay tiền đóng học phí.

[links()]Trước linh cữu vợ, người chồng nói với 3 cậu con trai: “Mẹ các con đã hy sinh”. Người phụ nữ khốn khổ đã tìm đến cái chết để chứng minh “sự nghèo” của gia đình, cầu xin sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, hy vọng các con được vay tiền đóng học phí.

Đứa con bên bàn thờ người mẹ chết cho con được học
Đứa con bên bàn thờ người mẹ chết cho con được học

“Mẹ các con đã hy sinh”

Người mẹ vừa qua đời là bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Khoảng 16h30 ngày 24/4, cậu con trai cả tên Bằng đang là sinh viên năm thứ hai tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhận điện thoại từ em trai, nói mẹ treo cổ tự tử. Bằng tức tốc khăn gói nhờ người bạn đưa ra bến bắt xe đò về Cà Mau ngay trong đêm.

Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, cậu con trai thứ hai đi học về bước vào nhà đã thấy mẹ treo cổ gần buồng ngủ. “Em hoảng quá mới chạy ra ngoài sân gọi cho ba về và sang mấy nhà kế bên báo với mọi người”, cậu bé nói.

Tại hiện trường, phát hiện bức thư tuyệt mệnh để ngay ngắn trên bàn uống nước. Bức thư dài 5 trang giấy vở ô ly học sinh, câu cú của người phụ nữ mới học hết lớp bốn có phần lủng củng, nhưng tình thương thì dạt dào. Trong thư, chị nói tìm đến cái chết để chồng con đỡ vất vả, chị ốm đau bệnh tật, không làm ra tiền nên không muốn trở thành gánh nặng ăn bám gia đình.

Người mẹ ân cần dặn dò các con: “Các con Bằng, Tâm, Ngân đừng trách mẹ, mẹ thương các con nhiều. Hãy gắng học đừng để cha buồn. Cha con khổ vì mẹ con ta nhiều lắm rồi”. Đặc biệt cuối thư, chị Nhân van xin các cấp chính quyền xem xét cấp sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo cho gia đình, để cậu con trai đang học đại học được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, nộp tiền học phí.

Người dân ai cũng tỏ ra bức xúc trước tâm thư của người chết: “Một số người nhà cửa đàng hoàng lại có ruộng vườn mà vẫn được hộ nghèo hoặc trợ cấp này nọ, nhà chị Nhân không có tài sản gì lại không được”?.

Anh Bảo, chồng chị Nhân, tâm sự: gia đình rất nghèo, không có ruộng, không vườn, tài sản chỉ có căn nhà lá đơn sơ, đủ 5 thành viên “chui vào chui ra”. Cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào tiền hai vợ chồng đi làm thợ hồ, tiền công mỗi ngày khoảng 100.000 đồng. Trong nhà có hai lao động cũng phải tằn tiện lắm mới sống được qua ngày, từ đong gạo, mua rau cỏ, đóng điện nước, rồi tiệc tùng bà con lối xóm, con cái ăn học đều trông vào đó.

Hai năm trở lại đây, chị Nhân bị bệnh thần kinh tọa, chân tay nhức mỏi, phải xin làm người giúp việc, lương hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng sau đó cũng không đủ sức. Cả nhà chỉ trông chờ vào tiền công thợ hồ của người chồng.

Anh Bảo cho biết, gia đình anh luôn bị gạt ra trong các cuộc họp xét hộ nghèo mà không được giải thích rõ lý do. “Đến khi con tôi vào đại học, vợ chồng tôi lại kiến nghị lần nữa để gia đình tôi có thể vay tiền ngân hàng cho con nộp học nhưng cũng bị từ chối”, anh nói.

Ngôi nhà lụp xụp của gia đình “chưa đủ nghèo”
Ngôi nhà lụp xụp của gia đình “chưa đủ nghèo”.

Nước mắt con nhà nghèo

Biết cha mẹ khổ, 3 anh em bảo nhau gắng sức vươn lên. Cậu cả vừa học đại học vừa đi làm thêm. Bằng kể, trước học buổi sáng thì làm thuê ở quán cà phê từ chiều đến tối mịt, lương tháng gần 2 triệu đồng, đủ lo tiết kiệm ăn uống sinh hoạt và trả tiền nhà trọ mà không phải xin tiền cha mẹ.

Sang năm thứ hai, lịch học nhiều, cậu chỉ làm thêm được vào thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi ngày khoảng 100.000 đồng. “Em cố gắng tiết kiệm, kẹt lắm 2 - 3 tháng mới dám gọi điện về xin bố mẹ vài trăm nghìn. Nhưng ở nhà không có tiền sẵn, gọi xin xong phải chờ đến tuần sau mới nhận được tiền”.

Người bố nói thêm: “Mấy tháng nó mới gọi một lần, cứ thấy số điện thoại con là lo vì phải chuẩn bị dồn tiền, nhiều khi không có lại phải vay mượn hàng xóm”.

Bằng cho biết, tiền ăn uống và nhà trọ hàng ngày em tự cáng đáng được, nhưng tiền học phí thì hoàn toàn nhờ cha mẹ. Năm học thứ nhất mỗi kỳ chỉ nộp hai triệu, năm thứ hai mỗi kỳ phải nộp bốn triệu, những năm học sau học phí còn tăng nhiều hơn.

Anh Bảo ước tính: “Thằng út học lớp tám mỗi tháng ít cũng tốn 200.000 đồng, thằng thứ hai học lớp 11 hết 300.000 đồng, thằng cả học đại học tốn tiền triệu. Biết là khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng, đời mình đã khổ muốn đời con sung sướng hơn, cho nó học chữ nên người”.

Nhưng hàng trăm thứ chi phí dần trở thành quá sức khi gia đình chỉ có một người đi làm thợ hồ. Khi bệnh đau chân trầm trọng hơn, chị không đi làm được, ở nhà thường than thở, lo lắng cho tương lai gia đình.

Người chồng sáng nào cũng chở vợ ra cơ sở y tế tư nhân gần nhà tiêm thuốc. Nhưng sáng hôm xảy ra sự việc, chị nhất quyết không chịu, nói mỗi mũi tiêm tốn 140.000 đồng, xót của lắm, giữ lại tiền cho con ăn học, chồng thuyết phục mãi mới miễn cưỡng đi.

“Khi ấy tôi thấy vợ không có biểu hiện gì lạ nên sau khi chở vợ đến bác sĩ, tôi đi làm luôn, còn vợ đi bộ về nhà”, anh Bảo nhớ lại. Hàng xóm cho biết khoảng 10h hôm đó, sau khi thằng út cắp sách đi học, chị Nhân sang nhà kế bên mượn cây bút bi, giờ mới biết là để viết bức thư tuyệt mệnh.

Người con lớn khóc đỏ hoe mắt: “Em buồn lắm, một phần vì gánh nặng học hành của em mà mẹ tìm đến cái chết”. Cậu tâm sự: “Trước mẹ giấu không cho em biết bị đau chân, gần đây mẹ gọi điện bàn với em chuyện bảo lưu kết quả đại học, về nhà làm một năm rồi học tiếp. Em không biết tình trạng sức khoẻ mẹ nên nói là nếu bảo lưu thì khi học không biết sẽ thế nào, sợ không theo nổi, giờ khó khăn nhưng con cố chịu được. Mẹ chỉ nói sợ bố và mấy em khổ thôi”.

Người chồng cho biết, mấy hôm trước khi xảy ra sự việc, đêm nào vợ anh cũng muốn ngủ chung giường với các con rồi thủ thỉ tâm sự, dặn dò đủ điều, ôm hôn trìu mến thằng con út.

“Vợ mất rồi, giờ một mình tôi gánh vác nhiệm vụ nuôi con ăn học, không biết tôi có kham nổi nữa không”, người chồng thở dài.

Mọi sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, bạn đọc hảo tâm xin liên lạc theo số điện thoại của anh Bảo (chồng chị Nhân): 01293 212 474.

* Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH):

Gia đình chị Nhân đáng ra có thể được vay vốn theo diện hộ nghèo đột xuất

Tôi cảm thấy cực kỳ đáng tiếc và chia sẻ với trường hợp gia đình chị Nhân. Trường hợp gia đình không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo thì đúng là NHCSXH Cà Mau không thể linh động cho vay theo chế độ đó được. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể tư vấn cho họ vay vốn hỗ trợ dành cho hộ nghèo đột xuất.

Chính phủ đã quy định trong trường hợp gia đình nào có lao động chính bị ốm đau, hoặc gia đình bị thiệt hại nặng nề về vật chất do thiên tai… có thể làm đơn lên Ban Xóa đói giảm nghèo của xã, các Hội, đoàn thể, để các đơn vị này đề xuất cho gia đình đó được vay theo diện hỗ trợ hộ nghèo đột xuất.

NHCSXH sẽ giải ngân cho vay theo từng năm một, đến khi nào hết khó khăn thì thôi. 

* Ông Nguyễn Duy Anh, Vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT:

Địa phương cần quan tâm đến những gia đình có khó khăn đột xuất

Hiện nay chương trình tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đi học đã cho vay tới gần hai triệu gia đình, tổng số dư nợ là 35.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mục đích của chương trình tín dụng này là không để một em học sinh, sinh viên nào bỏ học vì không có tiền học.

Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ đến được với người dân, chính quyền địa phương phải sâu sát, tìm hướng giải quyết phù hợp cho từng hoàn cảnh cụ thể. Với trường hợp gia đình chị Nhân, nếu gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vẫn có thể vay vốn theo diện gia đình có khó khăn đột xuất.

Theo tôi biết thì có một tỷ lệ không ít các gia đình đang vay vốn cho con đi học theo diện này.

Tôi đi một số địa phương thấy chính quyền rất quan tâm đến các trường hợp gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất do thiên tai, bệnh tật, tai nạn… và đều làm chứng nhận cho người dân vay vốn của NHCSXH.

Minh Hữu

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.