Lo họa từ pháo và đèn trời
Ngày 15-1 vừa qua, Công an quận Đồ Sơn phát hiện, bắt giữ Hoàng Gia Triệu, 14 tuổi ở Hòa Bình, phường Ngọc Hải, tàng trữ 6 cây pháo Trung Quốc nhãn hiệu “Made in China dai huabinan selong”). Xác định, đây là đầu mối có thể tìm ra đối tượng buôn bán, tàng trữ loại pháo trái phép, Công an quận tiếp tục đấu tranh, khai thác và Triệu khai đã mua của Hoàng Thị Mắn, ở Đức Hậu 2, phường Hợp Đức. Ngay sau đó, Công an quận tiến hành kiểm tra nhà của Hoàng Thị Mắn, phát hiện và thu giữ 62 cây pháo cùng loại với pháo mà Triệu tàng trữ. Hai đối tượng này bị bắt giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân Đồ Sơn chưa quên hậu quả từ sử dụng pháo trái phép và thả đèn trời gây ra trên địa bàn Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, Đồ Sơn nhức nhối với nạn đốt pháo trái phép. Tết Nguyên đán Kỷ Sửu vừa qua, Hải Phòng có 4 vụ cháy do thả đèn trời, trong đó có 2 vụ cháy rừng. Vào lúc 23h30' ngày 25-1-2009 (30 Tết Kỷ Sửu), đèn trời rơi xuống đồi 86 thuộc quận Đồ Sơn bén lửa, lực lượng phòng cháy, chữa cháy, quân đội và nhân dân vất vả gần 3 giờ mới dập tắt đám cháy. Tiếp đó, vào lúc 0h30' (mồng 1 Tết Kỷ Sửu), đèn trời lại rơi xuống khu vực núi Cột Cờ (thuộc địa phận Kiến An) gây cháy rừng nghiêm trọng...
Những ngày gần Tết Nguyên đán Canh Dần, hoạt động tàng trữ, vận chuyển và buôn bán pháo trái phép của các đối tượng diễn ra trên địa bàn thành phố rất phức tạp và Đồ Sơn cũng không nằm ngoài cuộc. Thượng tá Đinh Đình Thanh, Trưởng Công an quận Đồ Sơn cho biết, các đối tượng có thể vận chuyển, mua bán pháo trái phép qua đường biên giới biển, ẩn náu dưới những tàu đánh cá, ra vào không có quy luật hay thời gian nhất định. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quản lý, phòng, chống vận chuyển pháo trái phép vào địa bàn quận. Công tác phối hợp chống nạn thả đèn trời và buôn bán pháo ở khu vực giáp ranh Đồ Sơn với Kiến Thụy và Dương Kinh cũng không dễ. Thực tế vụ cháy rừng Tết Nguyên đán năm trước, đèn trời bay đến Đồ Sơn từ khu vực lân cận, còn người dân Đồ Sơn không thả đèn trời. Chưa kể đến việc các đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh để trao đổi, buôn bán pháo trái phép hòng đối phó với sự kiểm soát, phát hiện của lực lượng chức năng.
Mấu chốt là triệt nguồn cung
Để phòng, chống hiệu quả nạn vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép pháo và đèn trời, mấu chốt là triệt dứt điểm nguồn cung cấp. Với Đồ Sơn, một số khu vực xuất hiện nguồn cung thường giáp ranh vùng biển, đất liền. Thượng tá Đinh Đình Thanh cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là có sự liên kết, phối hợp cùng triển khai trong phòng, chống của các địa phương khu vực giáp ranh, kịp thời thông tin, phối hợp phát hiện và bắt giữ đối tượng, cho dù chúng có tiêu thụ, tàng trữ trên địa bàn của địa phương nào.
Quận Đồ Sơn đã triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch, Trưởng Công an các phường, không để xảy ra các trường hợp vi phạm quy định về quản lý và sử dụng pháo trong phạm vi đơn vị, địa bàn mình phụ trách. Song chỉ khi người dân ủng hộ, kiên quyết bài trừ, tố giác thì đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo mới không có chốn dung thân; người sử dụng cũng không có “đất diễn”. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, hộ dân, cơ sở kinh doanh... Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh vào các hành vi nghiêm cấm, hình thức xử lý nghiêm nhằm giáo dục, răn đe. Mặt khác, công an quận và các phường làm nòng cốt, mở đợt kiểm tra cao điểm vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như các ngày lễ, sự kiện lớn... Những lực lượng chủ lực như công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, thuế... tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới biển, bến bãi, phương tiện giao thông, cơ sở kinh doanh... có khả năng sản xuất, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thuốc pháo, đèn trời.
Văn Lượng