“Chợ thận” từ mạng xuống phố

Việc mua bán thận bị nghiêm cấm, ngăn chặn và có vẻ tạm lắng những ngày qua, nhưng thực tế vẫn có những giao dịch ngầm vô cùng sôi động từ trên mạng đến ngoài đời giữa những người mua bán loại nội tạng này.

Việc mua bán thận bị nghiêm cấm, ngăn chặn và có vẻ tạm lắng những ngày qua, nhưng thực tế vẫn có những giao dịch ngầm vô cùng sôi động từ trên mạng đến ngoài đời giữa những người mua bán loại nội tạng này.

Lần theo những lời rao

Lần theo từ hàng loạt thông tin rao bán thận khá nhiều trên các trang web, chúng tôi liên hệ được với anh N.T.L., nhân viên một công ty dược tại TP.HCM, người tự nhận có một số đầu mối thông tin về những người bán thận. Anh L. kể: “Tôi từng săn lùng chợ thận trên mạng để mua thận cho cô cháu gái. Đầu tiên tôi liên hệ được với một thanh niên ở Q.4, nhưng khi gặp mặt và tìm hiểu thấy bộ dạng anh ta giống như dân nghiện ma túy nên không dám mua. Mới đây tôi gặp được hai sinh viên một nam, một nữ ở Trường đại học Cần Thơ. Nhưng sau khi ngã giá xong, gia đình chú tôi không lo được chi phí nên không mua nữa vì giá đến cả trăm triệu đồng. Tôi vẫn liên lạc và có số điện thoại của họ... Nếu anh cần tôi giới thiệu cho”

Mô tả ảnh.
Cò Đ. (phải) trò chuyện với khách trước cổng Bệnh viện 115 - Ảnh: Đ.Dân

Nhờ sự giới thiệu của anh L., chúng tôi liên lạc được với một người tên M., hiện là sinh viên Trường đại học Cần Thơ. Khi trò chuyện, giọng điệu của M. khá yếu ớt và lo lắng. M. sinh năm 1988, cao 1,68m và nặng khoảng 57kg, hiện là sinh viên năm cuối, nhưng việc học của M. đã bị ngưng một kỳ do gia đình lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn. M. là con thứ ba, cả gia đình làm nghề nông tại Kiên Giang. M. nói:

“Gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nợ ngân hàng, nợ bà con, bè bạn... Việc học của mấy anh em cũng bị ngưng lại do nợ nần của ba mẹ nên tôi đành quyết định đi bán thận. Tôi muốn bán quả thận với giá 100-120 triệu đồng...”.

Khi chúng tôi hỏi có lo lắng cho sức khỏe sau khi bán đi một quả thận không, M. nói: “Tôi đã tìm hiểu kỹ qua sách báo và trên mạng, thấy việc này cũng... bình thường. Mất đi một quả thận sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì mỗi người có hai quả thận, chỉ một quả hoạt động, quả còn lại chỉ để... dự bị...”. Từ khi phải nghỉ học, người sinh viên năm cuối này đã lao vào làm thêm nhiều việc để bám trụ lại Cần Thơ hi vọng được học tiếp để ra trường. Nhưng muốn trả nợ thay cho cha mẹ nên M. quyết định liều lĩnh là đi bán một quả thận của mình.

Sau khi trao đổi với M., chúng tôi gặp lại anh L. và tỏ vẻ không hài lòng về giá cả M. đưa ra. Anh L. nói còn biết một nữ sinh viên nữa quê ở Vĩnh Long nhưng số máy của cô này đang tạm khóa nên chưa liên lạc ngay được. Mặc dù nói với chúng tôi chỉ là người từng định đi mua thận nhưng L. lại rất rành rọt: “Hoàn cảnh của M. đáng thương lắm, nếu anh mua thì sau này nên giữ trách nhiệm với người ta, đừng bỏ rơi tội nghiệp. Và khi anh đã quyết định chắc chắn mua thì mình gặp nhau làm một bản cam kết về việc cấy ghép hiến tặng và hỗ trợ chi phí sức khỏe về sau cho cậu ta. Tôi sẽ là người thứ ba chứng kiến trong cam kết...”.

Đến “chợ” ngoài đời

Trưa 20-3, chúng tôi tìm đến cổng Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM và được cánh xe ôm mách nước tìm đến hai “cò” mua bán thận tên K. và Đ.. Một lát sau, Đ. xuất hiện ở cổng sau bệnh viện. Với ánh mắt dò xét, Đ. nói nhỏ: “Anh mua bao nhiêu cứ ra giá, để lại số điện thoại, có gì tôi liên lạc tìm mối cho”. Đ. bảo: “Buôn bán thận đâu phải dễ, hàng cấm mà, nhất là dạo này báo chí nói dữ quá...”. Nhưng khi chúng tôi nói mua với giá 150 triệu đồng/quả, Đ. ngớ người phán: “Trời đất, nhiều người hỏi mua sẵn sàng trả hơn 300 triệu đồng/quả. Vậy thôi, cố gắng qua Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bình Dân đi, ở đó nghe nói cũng có...”. Thấy chúng tôi năn nỉ, Đ. chặc lưỡi: “Thôi cứ để lại số điện thoại, có gì sẽ liên lạc sau...”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nổi danh trong giới “cò” mua bán thận hiện nay ở TP.HCM là ông V., đặc biệt là một thanh niên trẻ tên N., được xem như những “cò mẹ” trong các phi vụ mua bán thận. N. ẩn danh dưới dạng tài xế taxi ở khu vực Bệnh viện 115, nắm được danh sách của khá nhiều người nghèo, túng quẫn, chuyên bán máu ở TP.HCM, và có cả hệ thống các “cò con” chân rết để rà tìm những người có nhu cầu mua thận. Khi có phi vụ, ông sẽ móc nối, chiêu dụ những người bán máu chuyển sang bán thận. Và cứ người này giới thiệu người khác sẽ được hoa hồng 5-6 triệu đồng/vụ.

Mỗi quả thận được mua với giá 50-60 triệu đồng. Sau khi giao kèo, thỏa thuận thành công, mọi thủ tục hợp thức hóa về mặt giấy tờ được tay “cò” này lo hết”. Giá mỗi quả thận qua tay mấy lớp từ “cò con” đến “cò mẹ” ở TP sẽ có giá trên 300 triệu đồng nhưng người bán chỉ nhận được vài chục triệu đồng. Qua điện thoại, chúng tôi liên lạc được với một ông “cò” nhưng ông này ngần ngừ một lúc rồi hẹn lại: “Mấy anh cứ cho địa chỉ đi, có gì tôi sẽ liên lạc lại. Dạo này mấy vụ mua bán này bị quần dữ quá...”.

Tự sự của người trong cuộc

Bức bách trước hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Nữ Thùy Trang (sinh năm 1989, tại thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, Cam Ranh, Khánh Hòa) quyết định rao bán thận trên mạng vào tháng 2-2010 với hi vọng giúp được em gái đang có nguy cơ bị mất một bên mắt.

Gia đình Trang chỉ làm nông lại có tới bốn anh em đang đi học nên rất vất vả. Đùng một lúc, một người em gái kế Trang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT bị sẹo giác mạc có nguy cơ mù vĩnh viễn. Gia đình đưa em gái Trang đi khám, bác sĩ bảo không chữa được, chỉ có cách thay giác mạc mới cứu được đôi mắt. Chi phí ca ghép giác mạc hơn 100 triệu đồng.

Chạy đôn đáo, gia đình Trang cũng chỉ vay được 10 triệu đồng. Tình cờ Trang đọc được mẩu tin rao bán thận trên mạng. “Tôi được biết bán một bên thận giá cao nhất là 120 triệu đồng. Tôi nghĩ với số tiền này sẽ giúp em tôi trang trải chi phí khi phẫu thuật mắt. Còn giác mạc thì tôi vẫn có khả năng hiến cho em mình. Tôi không muốn em tôi bị mù, không muốn nó nhìn cuộc sống bằng màu đen...” - Trang bộc bạch. Vậy là cô quyết định rao bán thận trên mạng.

Sau đó, một người đàn ông ở Hà Nội đã gọi điện thoại cho Trang ngã giá. Rồi nhiều cuộc điện thoại khác gọi đến mặc cả. Giá mà họ đưa ra để mua quả thận chỉ từ 40 triệu đồng trở lại. Trang hoang mang, chần chừ vì số tiền đó không đủ để chi trả viện phí cho em gái chứ chưa nói đến việc lo cho sức khỏe của cô sau khi bán thận.

Cùng thời gian đó, mẹ Trang vay mượn khắp nơi để có ít tiền đưa em gái cô vào Sài Gòn khám ở khoa mắt Bệnh viện Việt - Pháp. Kết quả cho biết em gái Trang bị sẹo giác mạc, thị lực rất kém, nhưng vẫn còn khả năng chữa trị bằng cách bắn tia laser. Sau đó Trang được biết ở Đại Lộc, Quảng Nam có chương trình cấy ghép giác mạc miễn phí. Cô đang theo dõi và sẽ xin đăng ký cho em gái một suất. Gần đây, gia đình Trang mới biết ý định bán thận của Trang và vô cùng lo lắng. Cô gái trẻ hiện nay đã tắt hẳn ý định bán thận khi vừa tìm hiểu biết được đây là việc làm vi phạm pháp luật.

Những cuộc mua bán rủi ro bị nghiêm cấm

PGS.TS Trần Ngọc Sinh, trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết: “Trước đây, tại BV Chợ Rẫy lúc nào cũng có rất nhiều người đến xin bán thận, bây giờ số người đến xin bán đã giảm. Chúng tôi phản đối việc mua bán thận, dù nhiều người hoàn cảnh rất thương tâm nhưng chúng tôi từ chối và có giải thích cặn kẽ cho họ biết không nên thực hiện việc này”.

Ông Sinh nói: những người không cùng huyết thống với nhau khó thuyết phục BV là hiến tặng thận không vì mục đích thương mại. Từ trước đến nay, BV Chợ Rẫy đã cấy ghép thận thành công cho trên 180 ca nhưng chỉ có hai ca không cùng huyết thống là trường hợp vợ, chồng cho nhau và một ni cô tặng đệ tử thân hữu của mình. BV đồng ý phẫu thuật vì xác định được việc hiến tặng trên nguyên tắc người cho, người nhận tự nguyện hoàn toàn.

Hiện BV Chợ Rẫy đang điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân bị bệnh thận, có khoảng 500 người đang phải chạy thận nhân tạo. Không phải ai cũng có điều kiện ghép thận, theo bác sĩ Sinh, chi phí ghép thận tại BV Chợ Rẫy khoảng 100 triệu đồng/ca. Nếu ghép ở nước ngoài chi phí đắt hơn nhiều. Số người đi nước ngoài ghép thận về bị biến chứng không ít. Ngoài các trường hợp người cùng huyết thống được ghép thận, BV mong mỏi được ghép thận từ người cho bị chết não.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Tạ Phương Dung - trưởng khoa nội thận miễn dịch khác BV Nhân Dân 115, hiện BV có gần 1.000 bệnh nhân bị bệnh thận đang điều trị tại đây, trong đó khoảng 400 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. BV hiện theo dõi 65 trường hợp bệnh nhân đã ghép thận, đa số được ghép từ Trung Quốc về. Từ năm 2004 đến nay riêng BV đã ghép được 33 ca.

Bác sĩ Dung cho biết từ trước đến nay, tại BV cũng có rất nhiều người trực tiếp vào khoa thận đề nghị được bán thận. Tất cả trường hợp này đều được giải thích pháp luật không cho phép. Những trường hợp hiến tặng chứng minh được là người thân quen lâu năm, có địa phương xác nhận thì BV mới xem xét. Nhu cầu cần ghép thận rất nhiều nhưng không có nhiều bệnh nhân chết não hiến tặng thận tại BV. Còn việc mua, bán thận thì BV không chấp nhận. Do đó chủ yếu chỉ cấy ghép cho những người cùng huyết thống. Một ca ghép thận cho người cùng huyết thống hiện nay khoảng 200 triệu đồng.

Theo một số bệnh nhân đã đi ghép thận từ Trung Quốc, mức giá trước đây họ đã ghép là 40.000 USD (khoảng 770 triệu đồng). BV được phía đối tác bên Singapore chào giá 65.000-80.000 USD/ca ghép thận. Nhưng ghép thận xong đâu phải đã hoàn tất mà người ghép còn phải uống thuốc. Nếu có bảo hiểm y tế thì tối thiểu mỗi tháng người ghép thận phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng tiền thuốc/tháng.

Võ Hương
Lê Vân
Đình Dân - Sơn Bình
Theo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.