Đến chợ Tết, mọi người như được trở về những ký ức tuổi thơ, được sống trong một không gian đậm chất cổ xưa, ở một phiên chợ quê, chợ Tết vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng: góc này người đi chợ nhẩn nha thưởng ngoạn cổ vật, cây cảnh; thi chim; góc kia đám đông rộn ràng với tiết mục rối nước, đắm say với điệu Chầu Văn; man mác buồn với làn điệu xẩm.
Chỗ khác, các cụ áo the, khăn xếp ngồi đánh cờ trong khi ai đó ung dung ngồi hít hà, cảm nhận hương vị tô “Phở bò cụ Tặng”, xuýt xoa với đĩa bánh cuốn làng Kênh – ẩm thực đặc trưng của địa phương, nhâm nhi vị chát của bát nước chè xanh, vị ngọt của thanh kẹo lạc Sìu Châu…
Anh Đỗ Thành Quảng, công tác tại Hội văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Tuổi thơ tôi thường được mẹ cho theo đi chợ, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Tôi rất thích được mẹ cho ăn bánh cuốn, rồi xem múa rối nước, nay tôi về quê lại được thưởng thức và cảm nhận chính những sở thích ấy, thật là thú vị”
Không giấu được niềm vui khi thấy rất đông người tới tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những gì mình và các cộng sự tổ chức trong khuôn viên bảo tàng tỉnh, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định phấn khởi: “Thành Nam – Nam Định là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa. Những giá trị lịch sử – văn hóa ấy được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, phần lớn được kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể”.
Tuy nhiên, theo ông Thư: “Cùng với sự biến đổi theo thời gian và những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Trong đó, hình ảnh về một phiên chợ Tết phản ánh cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của Thành Nam với các phong tục, tập quán giàu bản sắc dân tộc chỉ còn trong trí nhớ của lớp người cao tuổi. Các không gian văn hóa truyền thống ngày Tết cứ phai mờ dần…”.
Đó là lý do, hai năm qua, cứ vào dịp đầu xuân, Bảo tàng tỉnh Nam Định lại phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức hoạt động gặp mặt, trưng bày, giao lưu, thưởng lãm cổ vật, giới thiệu những nét đẹp lịch sử, con người, văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương, giúp người dân và du khách trong và ngoài địa phương có được một không gian văn hóa, một sân chơi lành mạnh, bổ ích. Qua đó giới thiệu, quảng bá, nhắc nhớ một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của Thành Nam xưa để phục vụ nhân dân địa phương và du khách. Đây được xem là một nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng ở địa phương, nhằm nhắc nhớ, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên, mai một.