Chợ Hàng Da xưa từng nổi tiếng là nơi kinh doanh sầm uất, nêm cứng kẻ bán, người mua, là địa chỉ tìm đến của khách hàng trong và ngoại thành, là nơi kinh doanh mơ ước của nhiều tiểu thương Hà Nội. Thế nhưng, Hang Da Gallery hoành tráng, sang trọng sau khi được xây dựng lại lâm vào tình cảnh “vạn người bán, lèo tèo người mua”. Tại sao lại diễn ra nghịch cảnh này?
Những “kẻ tiên phong” thất bại
Còn nhớ, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - từng chia sẻ, Hà Nội có ba chợ truyền thống đã chuyển thành trung tâm thương mại là chợ Cửa Nam, Hàng Da và phần đang cải tạo tại chợ Hôm - Đức Viên. Đến lúc này, vị Giám đốc Sở Công Thương phải thừa nhận, cả 3 trường hợp ấy đều thất bại, để lại bài học đắt giá.
Hàng Da Galeria – một ví dụ thường được dẫn ra cho sự thât bại của mô hình Chợ - Trung tâm thương mại |
Các tiểu thương phản đối bỏ chợ xây dựng trung tâm thương mại vì cho rằng, nó chỉ mang lại lợi nhuận chủ yếu cho nhà đầu tư. Trên thực tế, với chính các chủ đầu tư, đây cũng là những “trái đắng” khi tiền… chi rất nhiều mà thu chẳng bao nhiêu.
Họ đã không lường đến khả năng không thể hình thành được chợ bởi các tiểu thương và người mua quay lưng. Thêm nữa, lượng hàng hóa xa xỉ tiêu thụ tại các trung tâm thương mại cao cấp không nhiều như kỳ vọng, trong khi thuế và các khoản phí trung gian gần bằng 50% giá trị thực, dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức của những trung tâm thương mại cao cấp.
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, đến năm 2020, trên địa bàn cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm, và các điểm mua bán hiện đại này trở thành kênh bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường. Theo quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị cùng hạng tại các đô thị lớn phải cách nhau từ 20km trở lên (đối với siêu thị loại 1, tương ứng bán kính phục vụ 10km); cách từ 6km trở lên (đối với siêu thị loại 2) và từ 1km trở lên (đối với loại 3) |
Theo ghi nhận mới nhất của CBRE Việt Nam, giá thuê tại một số dự án đang tái cấu trúc giảm, tỷ lệ trống ở khu vực trung tâm tăng mạnh. Các gian hàng trong trung tâm thương mại đóng cửa (172) nhiều hơn con số mở cửa (121). Ngoài ra, nhiều dự án thất bại là do không đạt được sự đồng thuận giữa các chủ sở hữu.
Chợ, nhưng …bất tiện bán - mua
Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia về thị trường nêu ra giải thích việc các chợ - trung tâm thương mại thất bại, là bởi bản chất của các cơ sở buôn bán đó vẫn là nơi giao thương hàng ngày, là điểm “dân sinh”, nhưng “thiết kế của dự án chưa hợp lý vì chợ truyền thống đó là phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người mua bán, phương tiện ra vào chợ dễ dàng, nhưng khi chuyển sang mô hình này, người dân thấy rất bất tiện”.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, cho thấy, tình trạng chợ hoạt động kém hiệu quả, không hiệu quả vẫn chiếm khoảng 3%, trong đó, có các dự án theo mô hình chợ - trung tâm thương mại (TTTM).
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mô hình chợ - TTTM hiện mới chỉ có tại Hà Nội và Thái Nguyên. Tại Hà Nội, một số dự án được triển khai xây dựng theo mô hình này là chợ - TTTM Thanh Trì, chợ - TTTM Cửa Nam, Hàng Da... nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, không gian chợ dường như đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu khi nằm ở vị trí ẩm thấp, tăm tối, không thoải mái, rất chật hẹp. Giá thuê mặt bằng của chợ truyền thống trong dự án này cũng “quá chát”, “thu không đủ chi” khiến các hộ kinh doanh, tiểu thương “không trụ nổi”.
Vì vậy, lãnh đạo ngành Công Thương cho rằng, để mô hình này hiệu quả thì phải giải quyết hài hòa lợi ích của chủ đầu tư với các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ, và “chưa nên nhân rộng mô hình tại các địa phương khi chưa có đánh giá toàn diện về mô hình này”./.
Mai Hoa – Hoàng Thủy