Hiện nay, có đến 85% công ty cổ phần thuộc đối tượng “vướng” Nghị định 01 về việc chào bán cổ phần riêng lẻ- một con số rất lớn.
Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ được ban hành ngày 4-1-2010 và chính thức có hiệu lực ngày 25-2-2010. Trong nghị định ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này”. Thế nhưng, đã gần một năm trôi qua, các doanh nghiệp cổ phần phải dỡ khóc dỡ cười vì… sự chậm chạp của Bộ Tài chính.
85% công ty bị... treo giò!
Nghị định 01 quy định tất cả các công ty cổ phần muốn chào bán cổ phần riêng lẻ, phát hành thêm cổ phần hoặc tăng vốn của các cổ đông hiện hữu đều phải đăng ký và phải qua sự thẩm định của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT).
“Như trước đây, muốn tăng vốn điều lệ chỉ cần đến Sở KH-ĐT điều chỉnh giấy phép kinh doanh, nhưng nay công ty cổ phần muốn tăng vốn điều lệ không được giải quyết, vì hoạt động này nay đã bị điều chỉnh bởi Nghị định 01, nhưng giờ nghị định chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn nên không thể áp dụng được”, anh Nguyễn Văn Minh (quận 7) bức xúc vì hồ sơ của mình bị từ chối, không giải quyết.
Anh nói, Bộ Tài chính được giao hướng dẫn nghị định nhưng nghị định ra đời đã gần một năm vẫn chưa có hướng dẫn, bỏ mặc các lời than vãn của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Cả năm qua, không ngày nào nhân viên Sở KH-ĐT không chịu sự phàn nàn, thậm chí to tiếng của doanh nghiệp khi không tiếp nhận hồ sơ của họ. Xót ruột trước các yêu cầu bức xúc của doanh nghiệp, riêng Sở KH-ĐT TPHCM đã gởi nhiều văn bản cho UBND TPHCM, Bộ KH-ĐT báo cáo tình hình và đề nghị hướng giải quyết.
Các đơn vị này và ngay cả Sở KH-ĐT TPHCM cũng gởi văn bản cho Bộ Tài chính yêu cầu nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn nhưng những công văn gởi đi không hề có phản hồi, cũng không thấy thông tư hướng dẫn dù gần một năm đã trôi qua, trong khi các doanh nghiệp đang bức xúc hàng giờ, hàng ngày.
“Việc thẩm định hồ sơ phát hành cổ phiếu là của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trước giờ Sở KH-ĐT chưa từng làm nên không biết thực hiện thế nào, chứ nếu thực hiện được chúng tôi cũng thực hiện vì không thể để doanh nghiệp đi lại, kêu gào mãi như thế…”, một cán bộ Sở KH-ĐT nói.
Hiện nay, có đến 85% công ty cổ phần thuộc đối tượng “vướng” Nghị định 01 - một con số rất lớn - còn số lượng các công ty đại chúng chào bán cổ phần trên sàn thuộc quyền quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ chiếm khoảng 15%. Và đến giờ, Bộ Tài chính chưa có thông tư hướng dẫn, hồ sơ của số đông doanh nghiệp cổ phần này đang bị ách lại, nằm chờ.
Làm ăn chân chính buộc phải... vi phạm luật
Cuối năm, sau khi chia cổ tức, nhiều cổ đông không muốn nhập phần lãi để tăng vốn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh cũng không được vì không thể thay đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các công ty chia lợi nhuận bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, bán cổ phiếu cho nhân viên để người lao động được tham gia làm chủ công ty cũng đều bị ách hồ sơ. Ngay cả các công ty trách nhiệm hữu hạn muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần cũng không được do chờ… thông tư hướng dẫn.
Do các bộ ngành cứ vô cảm trước yêu cầu bức bách của mình nêu nhiều doanh nghiệp đã làm liều vi phạm luật, tự ý phát hành cổ phiếu riêng lẻ mà không qua đăng ký ở Sở KH-ĐT. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện Công ty CP Đầu tư Vạn Phúc Gia, Công ty CP Đầu tư Phan Vũ, Công ty CP Đầu tư hạ tầng bất động sản Sài Gòn… vi phạm phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhưng không đăng ký với Sở KH-ĐT nên yêu cầu Sở KH-ĐT xử lý.
Nhưng một điều bất cập, khi Sở KH-ĐT lấy lý do Nghị định 01 chưa có hướng dẫn nên không thể áp dụng để xác nhận đăng ký cho doanh nghiệp thì không thể dựa vào chế tài của Nghị định 01 để xử lý họ! Thế là dẫn đến sự bất công, trước pháp luật nhưng người nào làm liều thì được việc.
Điều đó cho thấy, chỉ cần một sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một ngành cấp dưới khi không hướng dẫn thực hiện khiến cho nghị định của Chính phủ ra đời nhưng không được thực thi, làm mất đi tính uy nghiêm của nhà nước. Thậm chí, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, muốn tuân thủ pháp luật phải chịu cảnh vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư phát triển kinh tế là vấn đề Nhà nước luôn luôn khuyến khích thúc đẩy, các bộ ngành khác liên tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, vậy mà, giờ đây nhiều cổ đông muốn dùng lợi tức để tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất lại bị ách.
Sự việc bức bách này không dừng trong giới hạn của một tỉnh thành mà hiện nay các công ty cổ phần trong phạm vi cả nước đang lên tiếng kêu gào vì thiếu vốn đầu tư, muốn tăng vốn điều lệ nhưng lại không được các Sở KH-ĐT chấp thuận cũng cùng một lý do: chưa có hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính.
Theo Hàn NiSài Gòn Giải phóng