Qua 2 năm triển khai, mô hình chống cướp giật, đấu tranh chống tội phạm cướp giật của lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp thực hiện đã tạo sự tin cậy và an tâm cho người dân dịa phương và du khách đến với Đà Nẵng…
• Những chiến sĩ SBC của BĐBP Đà Nẵng trên đường đi làm nhiệm vụ |
"SBC" thương hiệu Đà Nẵng
Từ cuối năm 2010, nhiều người dân TP. Đà Nẵng đã ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những chiến sĩ BĐBP mặc áo giáp chống đạn, trang bị nhiều công cụ hỗ trợ khác cùng với Công an rong ruổi trên các tuyến đường trong thành phố. Lúc đó, ít người biết rằng, đây là lực lượng tinh nhuệ làm nhiệm vụ chống cướp giật và các loại tội phạm khác của TP. Đà Nẵng.
Đại tá Tôn Quốc Khánh -Trưởng phòng Phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ chỉ huy Biên phòng TP. Đà Nẵng - cho biết, vào tháng 9/2010, lực lượng Công an và Biên phòng ký kết Chương trình phối hợp đấu tranh chống cướp giật trên địa bàn. Sau 1 tháng chuẩn bị, cuối tháng 10/2010, lực lượng SBC “liên ngành” ra mắt gồm 100 cán bộ chiến sĩ.
Trong số này, lực lượng Công an TP. Đà Nẵng có 50 đồng chí làm nhiệm vụ tuần tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng tội phạm trong khu vực nội thành; 50 người còn lại thuộc lực lượng BĐBP, được biên chế tại các Đồn Biên phòng và 1 tổ đặc nhiệm ở Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng, có nhiệm vụ tuần tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng tội phạm tại các tuyến đường, khu vực ven biển như Sơn Trà, Hải Vân, đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa... Toàn bộ được trang bị áo giáp chống đạn, chống dao đâm, xe mô phân khối lớn, súng bắn đạn cao su và đạn hơi cay…
Để thuận tiện trong việc thực hiện nhiệm vụ, lực lượng này còn được cấp Thẻ “đặc biệt”. Trung tâm chỉ huy được đặt tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an TP. Đà Nẵng. Hàng tháng, các đơn vị tham gia lực lượng chống cướp giật này giao ban đánh giá tình hình tác chiến và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng Công an TP có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kết quả về UBND TP. Đà Nẵng.
Cán bộ, chiến sỹ khi tham gia vào lực lượng SBC, đều phải được tuyển chọn kỹ càng, đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe để có thể đảm đương được nhiệm vụ. Đầu tiên, họ đều phải là những chiến sĩ, sĩ quan Công an, Biên phòng có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh vững vàng, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, có sức khỏe, giỏi võ thuật và phải có sự can đảm.
Việc có phải có là Giấy phép lái xe hạng A1, A2 hoặc A3 là điều bắt buộc nhưng yêu cầu cao hơn, họ phải là một “tay lái lụa”.
Đại tá Tôn Quốc Khánh lý giải: “Hiện nay, tội phạm cướp giật trên đường phố thường sử dụng các loại mô tô phân khối lớn, liều lĩnh và manh động. Khi thực hiện nhiệm vụ SBC trên đường phố đông người, nếu chạy tốc độ chậm thì sẽ không bắt được bọn cướp; ngược lại, nếu chạy với tốc độ nhanh mà không làm chủ được tốc độ, không biết “luồn lách” sẽ dễ dẫn đến thương vong cho chính mình và người dân trên đường. Như thế là không hoàn thành được nhiệm vụ”.
Ngoài ra, lực lượng SBC còn cần phải nắm rõ phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; biết tổ chức hóa trang, tuần tra, mật phục, bắt quả tang đối tượng khi chúng có hành vi phạm tội.
Chỗ dựa tin cậy của người dân
Qua 2 năm chiến đấu, lực lượng SBC của Đà Nẵng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Thống kê cho thấy, hàng trăm vụ cướp giật tài sản cuàng hàng trăm đối tượng đã bị lực lượng này bắt giữ và xử lý. Riêng lực lượng SBC của Bộ đội Biên phòng đã phát hiện và xử lý 79 vụ cướp giật, trộm cắp tài sản và buôn bán ma túy trái phép…bắt giữ gần 100 đối tượng tội phạm.
Có thể nói những việc làm trên của lực lượng SBC Đà Nẵng đã góp phần trong chiến công chung trên mặt trận phòng chống tội phạm của TP Đà Nẵng; giữ gìn và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ bình yên cuộc sống tại TP biển thân yêu…
Trần Hoàng Anh