Ngày 20/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 588/TTg-ĐP về cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi 6 tỉnh giáp Tây Nguyên. Sau 5 năm thực hiện, báo cáo tại hội nghị cho biết: Trong 3 năm từ 2009 – 2011, có 21/29 huyện nhận được tổng số tiền là 366 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ mục tiêu theo văn bản nói trên.
Bất cập và hạn chế
Số kinh phí này đã được đầu tư vào 83 đề án, tập trung vào 4 nhóm chủ yếu, gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng (trụ sở làm việc của xã, đường giao thông nông thôn, điện, nước sạch, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng …); hỗ trợ cấp điện cho các thôn buôn, kinh phí lắp đặt công tơ, xây dựng mạng truyền thanh cơ sở; mua nông cụ, máy chế biến sản phẩm nông nghiệp hỗ trợ người nghèo; thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cán bộ y tế từ miền xuôi lên công tác lâu dài tại các huyện miền núi.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang - thì việc triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo nói trên của Thủ tướng thời gian qua còn bất cập và hạn chế. Hầu hết các Bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhiều đề án lập và phê duyệt chậm.
Một số huyện biết có chính sách đặc thù nhưng không tiếp cận được, làm mất đi nguồn vốn cần thiết cho việc đầu tư vào một số lĩnh vực thiết yếu mà các địa phương đang rất cần, nhất là trong đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ ở các buôn làng vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, vẫn còn 8 huyện của 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Phước chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ với nhiều lý do.
Thiếu đất, thiếu đường
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù Văn bản số 588/TTg-ĐP của Thủ tướng cho phép các địa phương lập đề án phát triển thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ sản xuất cũng như các đề án ổn định phát triển sản xuất đời sống cho các hộ tái định cư khi di dời xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, nhưng cho tới nay hầu như chưa có nơi nào triển khai được các đề án này. Nhiều khu tái định cư hiện tại ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, cách thức xây dựng và phê duyệt đề án còn lúng túng, chưa thống nhất và tiến hành theo nhiều hướng khác nhau, nên đến thời điểm này vẫn có 27 đề án đang nằm ở tình trạng “treo”. Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hạn chế nên việc triển khai đề án tại các địa phương chưa đem lại kết quả như mong muốn. Việc cân đối hỗ trợ mục tiêu cho các huyện miền núi phân bổ không đồng đều, cách thức quản lý và sử dụng cũng không có sự thống nhất, dẫn tới tình trạng nhiều địa phương còn không biết đâu là nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu theo Văn bản chỉ đạo số 588 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề xuất với Chính phủ cho phép các huyện miền núi giáp Tây Nguyên được áp dụng tất cả những cơ chế, chính sách đặc thù như ở Tây Nguyên (kể cả những cơ chế, chính sách hiện hành cũng như sắp tới sẽ ban hành); đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần xử lý quyết liệt việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, phục vụ tốt cho việc chống hạn và cắt lũ cho vùng hạ du; trồng rừng bù lại diện tích bị mất do xây dựng thủy điện cũng như xử lý một số vấn đề bức xúc về môi trường; tiếp tục giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư, định canh nhằm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân ở các vùng dự án.