Những chuyên gia tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất của chính quyền Obama nhận định sự phục hồi của ngành công nghiệp ôtô Mỹ đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Để trở thành một phần của sự hồi sinh đó, Ron Bloom, cố vấn cấp cao về chính sách sản xuất của chính quyền đương nhiệm Mỹ đã quyết định mua một chiếc Dodge Durango 2011.
Trước đó, để chào mừng lễ khai mạc Detroit Auto Show 2011 cũng như đón nhận thành tựu mới, Bloom đã có một chuyến thăm 3 tập đoàn lớn nhất trong ngành là Ford, Chrysler và General Motors. Trong chuyến thăm, Bloom đã được Giám đốc công nghệ của Ford, Paul Mascarenas giới thiệu hệ thống công nghệ pin điện, còn Scott Garberding, phó chủ tịch Chrysler giới thiệu với phái đoàn chiếc Dodge Durango và Dodge Charger phiên bản mới. Tại GM, Mickey Bly, kỹ sư phụ trách dòng xe điện của tập đoàn đã giới thiệu Chevrolet Volt và các mẫu subcompact mới Sonic và Malibu.
Theo số liệu của Bloom, tính đến nay các hãng xe đã bổ sung thêm khoảng 75.000 việc làm mới, mặc dù không đáng kể so với con số hơn 400.000 việc làm đã mất tại Mỹ kể từ khi khủng hoảng bùng phát những đó vẫn là những tín hiệu đáng mừng. Chưa có thông tin chính thực về thời điểm cũng như chi tiết quá trình IPO của Chrysler cũng như khi nào Bộ Tài chính Mỹ sẽ bán một phần hoặc toàn bộ số cổ phần 33% còn lại của GM. Nhưng một điều hiển nhiên là nhà đầu tư nào cũng muốn có lợi nhuận và những tin tức tích cực từ Chrysler, Ford hay GM đều là những cú hích đáng mong đợi đối với thị trường.
Theo báo cáo tài chính quý III/2010, Chrysler đã vay từ chính phủ Mỹ và Canada một khoản tiền kỷ lục trị giá 7,46 tỉ USD. Như vậy hiện tại Chrysler đã nợ chính phủ Mỹ tổng cộng 5,8 tỉ USD và các khoản nợ sẽ đáo hạn vào cuối năm 2013. Gánh nặng nợ vẫn đè lên vai Chrysler bởi hãng khẳng định mức lỗ 453 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2010 sẽ chuyển thành lợi nhuận nếu như không phải trả lãi vay cho các khoản nợ chính phủ.