Chính phủ vừa gửi báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau 13 năm thực hiện tới các đại biểu quốc hội sáng nay, 26.10.
Hiệu quả có thể cao hơn
Trong báo cáo, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngày 30.5.2010, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã được bàn giao cho chủ đầu tư, đánh dấu thời điểm chính thức chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại.
Hiện nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng. Tính đến cuối tháng 9.2010 đã tiếp nhận 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; doanh thu (kể từ ngày nhận bàn giao nhà máy) đạt trên 25.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỉ đồng.
Chính phủ khẳng định, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng đối với đất nước và khu vực miền Trung; là động lực cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; là động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung…
Đặc biệt, báo cáo cũng trích dẫn đánh giá của Tập đoàn Dầu khí vào năm 2009 cho biết, với tổng mức đầu tư nói trên, hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại đạt 7,66% (cao hơn mức hiệu quả ước tính 5,87% trước đó).
“Hiện nay, với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể hiệu quả hơn nữa. Chủ đầu tư sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn thành quyết toán công trình”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay.
Chậm tiến độ 9 năm, tăng gấp đôi tổng mức đầu tư
Ngoài những hiệu quả đạt được nói trên, trong báo cáo, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Về tiến độ, Chính phủ cho biết dự án chậm khoảng 9 năm (nếu so với yêu cầu nội dung NQ 07/1997 của Quốc hội và QĐ 514 của Thủ tướng). Ngoài một số lý do khách quan như chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án do phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý và ổn định tổ chức…, Chính phủ cũng thừa nhận có nguyên nhân “công tác chỉ đạo, điều hành có lúc còn chưa quyết liệt”, và “năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư còn hạn chế”.
Mức chi phí đầu tư của dự án cũng đã tăng gấp đôi so với tổng mức dự kiến ban đầu, sau 2 lần điều chỉnh, từ 1.500 triệu USD lên 2.501 triệu USD và cuối cùng là 3.053,5 triệu USD. Lý do lần điều chỉnh dự toán mới nhất được giải thích là “do có nhiều yếu tố biến động về giá cả, tỷ giá ngoại tệ và bổ sung khối lượng công việc, để phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án”.
Trong giai đoạn liên doanh, dự án đã được chia thành 7 gói thầu EPC với sự tham gia của các nhà thầu Việt Nam. Tuy nhiên, khi dự thầu, các nhà thầu Việt Nam thường chưa coi trọng công tác nghiên cứu kỹ yêu cầu của đầu bài, cứ chấp nhận như hồ sơ mời thầu đã nêu và không ít các trường hợp sẵn sàng giảm giá để được trúng thầu. Dẫn đến hầu hết các nhà thầu Việt Nam đều kiến nghị phát sinh khối lượng và chi phí nhưng vẫn không thực hiện được tốt, thậm chí không thực hiện được hợp đồng.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện về dự án, Chính phủ “chốt” lại: đến thời điểm này, có cơ sở để khẳng định Nghị quyết của QH về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đúng đắn. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12.1997 theo Nghị quyết số 07. Ban đầu dự án dự kiến xây dựng trong 4 năm, từ 1997 - 2001. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, dự án đã bị chậm tiến độ khoảng 9 năm, tổng mức đầu tư dự án cũng được điều chỉnh 2 lần, từ 1.500 triệu USD ban đầu lên 3.053,5 triệu USD. Cuối tháng 5.2010, sau 13 năm đầu tư, xây dựng, nhà máy đã chính thức hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư là Petro Vietnam quản lý và vận hành.