Nộp thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự
Cụ thể, Chính phủ nhận thấy qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể và trình độ phát triển của mỗi quốc gia, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm nhưng không được giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc có thể được thực hiện theo một hoặc một số phương thức sau:
Xử lý thông qua việc thu thuế (đánh thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản chênh lệch); xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập thông qua quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền); xử lý thông qua trình tự buộc tội tại Tòa án; xử lý thông qua trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự chứng minh tài sản, thu nhập không thuộc về người kê khai).
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái |
Mặt khác căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/ chồng, con chưa thành niên của họ. Trong khi đó, phương thức xử lý thông qua thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng dân sự là một vấn đề còn mới, phức tạp và có thể ảnh hưởng đến các quyền hiến định của công dân.
Trong quá trình thảo luận, Chính phủ ghi nhận có 2 loại ý kiến: Thứ nhất cho rằng đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế giải quyết.
Thứ hai, đề nghị quy định hình thức xử phạt phù hợp và coi hành vi kê khai không trung thực, hành vi không giải trình được một cách hợp lý là hành vi vi phạm hành chính của người có nghĩa vụ kê khai trong lĩnh vực PCTN.
Tổng thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, sau khi phân tích, Chính phủ lựa chọn theo loại ý kiến thứ nhất nhưng bổ sung chặt chẽ hơn. Cụ thể, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Người phải nộp thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Chính phủ cũng bổ sung quy định việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Ủy ban Tư Pháp: Đây là vấn đề mới và phức tạp
Về phía Ủy ban tư pháp (UBTP) của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban báo cáo cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề trên. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật, cho rằng đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế. Về mức thuế, nhiều ý kiến tán thành mức 45%.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không minh bạch. Ngoài ra UBTP Quốc hội cũng ghi nhận một số ý kiến đề nghị các phương án khác để xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, cụ thể đề nghị Tòa án quyết định việc xử lý tài sản. Theo phương án này, UBTVQH cần ban hành pháp lệnh riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án đối với loại tài sản này.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga |
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng không cần quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Trường hợp cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản này do tham nhũng, do phạm tội mà có thì tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc xử lý theo quy định của các luật có liên quan: “Do đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTP xin ý kiến Quốc hội”, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày.