Không cần nộp hồ sơ xin việc, không cần CMND, không cần chuẩn thể lực, thể hình..., chỉ cần 500.000 đồng là có thể trở thành vệ sĩ. Chiêu lừa này đã thu hút không ít người có nhu cầu tìm việc...
Gần đây, tình trạng nhân viên bảo vệ của các cơ quan, công ty đánh người xảy ra liên tục. Từ thông tin phản ảnh của bạn đọc, PV đã thâm nhập một số “lò” đào tạo vệ sĩ để tìm hiểu về thực trạng này.
Những ngày qua, nhiều người tìm việc kháo nhau về những thông tin trong các tờ rao dán khắp TP.HCM chào mời tuyển dụng vệ sĩ, nhân viên bảo vệ cùng nhiều hứa hẹn của Công ty SL nằm trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú).
Gần đây, tình trạng nhân viên bảo vệ của các cơ quan, công ty đánh người xảy ra liên tục. Từ thông tin phản ảnh của bạn đọc, PV đã thâm nhập một số “lò” đào tạo vệ sĩ để tìm hiểu về thực trạng này.
Những ngày qua, nhiều người tìm việc kháo nhau về những thông tin trong các tờ rao dán khắp TP.HCM chào mời tuyển dụng vệ sĩ, nhân viên bảo vệ cùng nhiều hứa hẹn của Công ty SL nằm trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú).
Một buổi huấn luyện nhân viên bảo vệ, vệ sĩ ở Công ty SL - Ảnh: PV |
Công ty này giới thiệu hai mức lương khá hấp dẫn dành cho vệ sĩ là 2,2-2,8 triệu đồng/tháng/người (làm việc tại TP) và 3-3,6 triệu đồng/tháng/người (làm việc thời vụ ở tỉnh). Ngoài ra sẽ có hàng loạt chế độ hậu hĩnh như bao ăn ở, được học võ...
Những “con mồi”
Trưa 19-8, một người đàn ông tên K. (quê ở Bến Tre) mặc áo câu lạc bộ võ thuật SL chạy xe gắn máy trên đường Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) tấp vào lề đường niềm nở rủ rê khi nghe chúng tôi muốn tìm việc: “Đang kiếm việc làm à? Muốn làm vệ sĩ thì về công ty tui làm đi. Làm ở đây rất khỏe, chỉ làm bảo vệ nhàn hạ. Không có quy định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng... Tướng tá như ông là quá ngon rồi, chỉ làm việc ở Sài Gòn chứ không đi đâu hết. Có thể bên công ty cho ông làm đội trưởng luôn đó”.
Ngồi sau ông K. là một thanh niên, tự giới thiệu là người thường xuyên đi dán thông tin tuyển dụng trên trụ điện ở các tuyến đường tại TP để tuyển vệ sĩ. Chỉ chờ chúng tôi đồng ý, ông K. nhiệt tình chở tôi đến nơi xin việc. Ông tư vấn: “Ông nên đề nghị nhận việc với mức lương 2,2-2,8 triệu đồng. Bảo đảm ngày mai bắt đầu làm việc luôn tại TP”.
Đến trụ sở công ty, sau khi được hướng dẫn qua loa về các bản thỏa thuận, nhân viên tên T. của Công ty SL đề nghị người xin việc phải nộp ngay 500.000 đồng “phí” đồng phục. Sau đó, ông này đưa cho tay “cò” giới thiệu 200.000 đồng gọi là “phí” môi giới người mới.
Sau khi thỏa thuận tiền lương và làm hợp đồng xong, chúng tôi được đưa lên gác lửng tại công ty để cất đồ đạc. Mỗi người được phát một cái áo, hai cầu vai và được hướng dẫn qua tiệm hớt tóc ở bên cạnh hớt kiểu đầu đinh “cho gọn gàng”.
Sau khi mặc áo của CLB võ thuật SL, nhiều tân vệ sĩ bắt đầu gắn cầu vai, tập trung lại học tư thế đứng nghỉ, nghiêm... Sau đó tất cả đồng thanh đọc lớn câu khẩu lệnh chào ban chỉ huy: “Chào chỉ huy em đi trực cửa hàng số 1. Chạy chậm lại! Chống tới nơi! Chạy nhanh thoát chết cũng thành phế nhân”.
Nghe câu chào khá kỳ cục này, nhiều tân vệ sĩ đâm ra e ngại, thắc mắc. Anh L.V.T. (quê ở Thanh Hóa) đứng gần tôi giọng run run: “Câu chào gì mà sao nghe sặc mùi sát khí quá”.
Buổi tập luyện còn chưa thực hiện xong “chiêu” tự vệ cơ bản cho vệ sĩ thì một nhân viên văn phòng của công ty đi đến, cầm danh sách các tân vệ sĩ đọc tên từng người một để điều động qua Bình Dương... huấn luyện tiếp.
Tôi nói mình chỉ xin làm vệ sĩ ở TP như thỏa thuận ban đầu thì anh này lớn giọng: “Ai cũng bị bắt buộc phải đi huấn luyện một tuần ở Bình Dương cả”. Nhiều người tỏ ý không đồng tình thì anh ta gạt đi và khẳng định đây là quy định của công ty, “có phản đối cũng không được gì”.
“Ai cũng có thể làm vệ sĩ”
Từ điều tra của chúng tôi và thông tin do những người xin việc cung cấp, quy trình tuyển dụng vệ sĩ tại Công ty SL có nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể người xin việc không cần nộp hồ sơ xin việc, không cần CMND, công ty không hề có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thể lực như chiều cao, cân nặng... Những con dấu, chữ ký trong bản hợp đồng của công ty với người xin việc đều là bản photocopy.
Như vậy, chỉ cần một CMND là bất kỳ ai cũng có thể xin làm vệ sĩ của công ty này. Có những trường hợp chưa có hoặc không có CMND cũng được nơi đây nhận vào làm nhân viên bảo vệ. T. (16 tuổi, quê ở Cần Thơ), mặt mũi còn non choẹt, cho biết: “Em chưa có CMND nhưng họ vẫn nhận vào đào tạo vệ sĩ, miễn là đóng 500.000 đồng đầy đủ cho họ”.
Những chữ ký và con dấu của Công ty SL đều là photocopy (ảnh chụp một bản hợp đồng của Công ty SL với người xin việc) - Ảnh: PV |
L.V.T. (quê ở Thanh Hóa) chỉ có... giấy phép lái xe A1 cũng được công ty đồng ý nhận. Không có tiền đóng phí xin việc nên T. đành “cầm cố”... chiếc điện thoại di động của mình cho công ty coi như nộp phí và cũng được đồng ý ký hợp đồng. Trong bản hợp đồng huấn luyện võ thuật giữa các tân vệ sĩ ghi rõ: “Bảy ngày để võ sinh học và làm quen với công việc”. Nhưng trên thực tế, những người xin làm vệ sĩ tại đây phản ảnh họ đều không được học võ mà trở thành những người lao động không lương cho công ty. Hầu hết những người xin việc đều bỏ cuộc sau khi chứng kiến cảnh ăn ở nhếch nhác, thiếu thốn tại trụ sở Công ty SL và thực tế những gì mắt thấy tai nghe ở CLB huấn luyện võ thuật của công ty ở Bình Dương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty này có một đường dây khá quy mô, rầm rộ ở TP.HCM chuyên môi giới, móc nối người lao động xin việc vào “bẫy” tuyển vệ sĩ. Khá nhiều tuyến đường, con hẻm tại TP đều có tờ rơi “ai cũng có thể làm vệ sĩ” của “công ty uy tín” này. Mỗi lần giới thiệu người mới vào công ty, “cò” sẽ được nhận 200.000 đồng. Để đề phòng khả năng tuyển dụng lại những người từng bị mắc bẫy xin việc vào công ty này, đường dây “cò” hoạt động rất tinh vi, tỏa đi khắp nơi tìm những người có nhu cầu xin việc, nhất là những người muốn làm vệ sĩ. Ông N.V.T., một nạn nhân của công ty này, cho biết: “Sau khi biết mình bị lừa ở Công ty SL, tôi tiếp tục tìm việc từ một tờ rơi ở đường Tây Thạnh (Q.Tân Phú) tuyển bảo vệ làm ở Khu công nghiệp Tân Bình. Tôi liên lạc thì có một thanh niên chạy chiếc Wave màu đỏ ra đón, hóa ra chính là người tư vấn cho tôi đi làm vệ sĩ ở công ty cũ”. Nhận ra người cũ, anh ta điện thoại về công ty thông tin. Sau đó anh ta quay lại trả lời gọn lỏn: “Ông không đạt tiêu chuẩn, vệ sĩ phải cao trên 1,61m thì công ty mới nhận”. Trong những ngày “thực tập” tại trụ sở Công ty SL ở Q.Tân Phú, nhiều “tân vệ sĩ” thường xuyên bị các cơ quan chức năng kiểm tra, tịch thu CMND và lập biên bản xử phạt hành chính về việc công ty không đăng ký tạm trú tạm vắng cho người mới. Anh N.T.K. (quê ở Lâm Đồng) kể: “Ngay đêm đầu tiên được nhận vào công ty để đào tạo, tôi và hơn chục người nữa đã bị công an địa phương tịch thu CMND. Chúng tôi bức xúc hỏi bên phía công ty vì sao có chuyện này thì không được trả lời. Họ chỉ bảo rằng muốn nhận lại CMND thì phải nộp cho công ty 80.000 đồng”.
Huấn luyện... xúc đất
Ông N.V.T. (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết sáng 14-8, ông đóng 500.000 đồng tiền phí đồng phục để xin làm vệ sĩ cho Công ty SL. Ngày 16-8, ông trở lại công ty để bắt đầu công việc huấn luyện bảy ngày không lương. Ngay chiều hôm đó, ông được điều tới Bình Dương để huấn luyện. Những buổi được huấn luyện của ông chủ yếu là xúc đất, dọn dẹp các chậu kiểng, vườn cây ở CLB. Hằng đêm thì nằm ngủ ở cạnh nhà vệ sinh. Bữa cơm chỉ có một con cá nhỏ xíu, nhiều người ăn không được phải bỏ về. Thỉnh thoảng mới được dạy võ khoảng nửa giờ với vài thế cơ bản: gạt ngang, móc dưới... cho lấy lệ. “Học như vậy làm sao làm vệ sĩ được” - ông T. nói. |
(Còn tiếp)
Theo Tuổi Trẻ