12 giờ trưa ngày 23-5-2010 tại tiểu khu 11, khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân, cách Khu Du lịch sinh thái Thủy Vân Sơn không xa (thuộc quận Liên Chiểu) đã bùng phát đám cháy rừng nghiêm trọng: 20ha rừng thông bị cháy trụi. Thế nhưng, phải nhấn mạnh rằng đó là mức thiệt hại ít nhất. Đám cháy rừng và công tác chữa cháy để lại nhiều bài học rất đáng quan tâm.
Đám cháy xảy ra vào thời điểm buổi trưa nắng nóng và gió khá mạnh nên nếu không phát hiện và ứng cứu thật nhanh thì hậu quả sẽ rất lớn. Trước đó, một đám cháy đã bùng phát ở khu vực Hầm Vàng (phường Hiệp Hòa Bắc). Hơn 40 người thuộc lực lượng kiểm lâm, bộ đội Đồn Biên phòng 244 và dân quân, tự vệ đang chữa cháy đã di chuyển cấp tốc về phía đám cháy mới, đồng thời phát lệnh báo động khẩn cấp. UBND quận Liên Chiểu đã liên lạc ngay với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và chỉ hơn nửa giờ sau, 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 575, 971 đã có mặt tại đám cháy. Nhờ sự nỗ lực kịp thời của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng, bộ đội, dân quân, tự vệ, kiểm lâm và kể cả sự tự nguyện của rất nhiều người dân địa phương, sau 5 giờ “chiến đấu” với giặc lửa, đám cháy đã bị khống chế hoàn toàn.
Sự phối hợp giữa bộ đội và người dân địa phương, giữa lực lượng kiểm lâm và cán bộ, nhân viên Công ty Quản lý – khai thác Hầm Đường bộ Hải Vân, giữa chính quyền và cơ quan Quân sự đã tạo nên sức mạnh tập thể hiệu quả, kịp thời; trong đó, vai trò của “anh bộ đội Cụ Hồ” là quan trọng nhất. Nếu không ngăn được đám cháy trước khi nó lan đến khu vực nhiều lau lách thì hậu quả rất khó lường. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm, cách tổ chức và phối hợp của Quân khu 5, UBND quận Liên Chiểu là rất đáng được ghi nhận. Đó là cách ứng cứu khẩn cấp đã được học tập, chuẩn bị chu đáo trước nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Và, tất nhiên, sự chấp hành mệnh lệnh và ý thức kỷ luật theo nguyên tắc “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh rằng dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, tình huống nào, “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là lực lượng đi đầu ở vị trí khó khăn nhất, nguy hiểm nhất.
Theo ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu thì có khả năng đám cháy là do khách du lịch ở Khu Du lịch sinh thái gây nên. Đây là bài học cần phải lưu ý và cần có biện pháp, chế tài kiên quyết để nguy cơ không tái diễn. Ở một nước láng giềng, du khách nào hút thuốc trong khu vực dễ gây ra cháy rừng, mức phạt áp dụng với “bất kỳ đốm lửa nào” là 3 triệu đồng! Do hình phạt nghiêm khắc ấy mà không một ai dám hút thuốc dù có thèm thuốc đến mấy.
Rõ ràng, các chế tài của ta hiện nay là chưa đủ mạnh. Phần lớn, chỉ ở dạng nhắc nhở, tuyên truyền nên không ít hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Mặt khác, cũng cần có chế tài mạnh với cơ quan tổ chức du lịch để nâng cao tinh thần trách nhiệm với các cơ quan đó. Rất cần thông báo rõ ràng những chỉ thị với chế tài nghiêm khắc ở những nơi dễ cháy – không chỉ riêng với Đà Nẵng mà là trên phạm vi cả nước. 20 ha rừng thông bị cháy rụi tuy là “thiệt hại ít nhất” nhưng cảnh báo rằng nó cũng gây ra hậu quả khá lớn về vật chất, về môi trường sinh thái và nhất là, nếu không có những biện pháp kịp thời thì không thể dám chắc là thiệt hại đó không tái diễn với mức độ nặng nề hơn.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã đánh giá rất cao sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đã tham gia dập tắt vụ cháy rừng nghiêm trọng và thưởng nóng cho các đơn vị 7 triệu đồng. Người dân Đà Nẵng xin gửi đến các anh “Bộ đội Cụ Hồ” lời cảm ơn chân thành, sâu sắc.
Rừng đặc dụng ở khu vực đèo Hải Vân có giá trị như một “lá phổi” của thành phố Đà Nẵng. Nó còn là khu rừng bảo vệ, chống xói mòn cho tuyến đường Bắc – Nam hiểm yếu. Không thể hình dung nếu nạn cháy rừng tái diễn thì thiệt hại đa chiều sẽ đến mức nào! Bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm mà phải trở thành ý thức tự nhiên của mỗi công dân. Chừng nào người dân vẫn chưa quen với ý thức đó, chưa “sợ” những hình phạt liên quan đến việc “phá hoại” từ vô thức thì nguy cơ cháy rừng vẫn còn. Cảnh giác vẫn là chưa đủ khi đa số người dân vẫn coi thường và thiếu trách nhiệm trước sự vô ý thức của chính mình.
Hà Văn Thịnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.