Chiến sĩ quân y biến nhà tù Phú Quốc thành nơi chữa bệnh cho đồng đội

Lương y Nguyễn Trường Tộ
Lương y Nguyễn Trường Tộ
(PLO) -Chứng kiến cảnh đồng đội bị tra tấn dã man ở nhà tù Phú Quốc, người chiến sỹ Nguyễn Trường Tộ đã mài sợi thép thành kim để châm cứu. Ông còn đấu tranh đòi cấp thuốc cho các tù binh, bí mật dạy học cho đồng đội.

Dù bị địch tra tấn bằng những hình thức đau đớn như nhổ răng, chọc thủng màng nhĩ, lấy móng tay… ông vẫn sáng tạo ra quyển sổ tý hon để ghi lại những bài thuốc, sau đó ngậm trong miệng đưa ra ngoài làm tư liệu y học.

Mài sợi thép thành kim châm  

“Học hết lớp 10, tôi lên đường nhập ngũ trở thành lính quân y, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên. Ngày 29/5/1968, trong một trận chống càn không cân sức, tôi bị thương và không may sa vào tay giặc.

Sau đó, tôi bị giam ở Non Nước (Đà Nẵng), chừng mấy tháng sau thì bị chuyển ra Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”, ông Nguyễn Trường Tộ (SN 1942, ngụ khối 9, phường Đội Cung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc) mở đầu câu chuyện về những ngày tháng ở nhà tù Phú Quốc của mình như vậy.

Nhắc lại những ngày tháng trong lao tù, ông Tộ nói: “Đó là ký ức không thể quên về khoảng thời gian phải chịu đau đớn tột cùng về thể xác. Cảnh đồng chí, đồng đội bị bầm dập bởi đòn roi kẻ thù, những vết thương lở loét rỉ nước vàng vì thiếu kháng sinh, những thân hình chỉ còn da bọc xương khiến tôi luôn trăn trở, day dứt”.

Sẵn có kiến thức về y khoa, người chiến sỹ ấy âm thầm chữa bệnh. Ông Tộ kể, lúc đó vì không có dụng cụ, thuốc men nên bí mật nhặt nhạnh những mẩu thép nhỏ, tán mỏng, mài sắc thành chiếc kim. Dụng cụ ấy được ông dùng để châm cứu cho những người bị đánh đập bầm dập, thương tích tụ máu. Bởi theo ông, chỉ có cách đó người bệnh mới lưu thông khí huyết, khí độc mới được đưa ra ngoài. Với sáng tạo độc đáo ấy, ông Tộ đã giúp được bao đồng chí, đồng đội giảm cơn đau thể xác.

Cũng tại nơi được mệnh danh “địa ngục trần gian”, ông Tộ đã tận dụng những xi lanh vứt đi, rửa sạch làm dụng cụ để chữa bệnh. “Trong tình cảnh thiếu thốn ấy, mình phải linh hoạt tận dụng những cái có thể để chữa bệnh cho anh em, đồng đội”, ông Tộ bộc bạch. 

Ông đề xuất anh em tù binh đấu tranh yêu cầu địch cấp phát thuốc và chữa bệnh. “Anh em chúng tôi đấu tranh đòi quyền lợi bằng cách tuyệt thực, có đợt nhịn ăn cả tuần lễ. Dù rất mệt nhưng ai cũng bền chí, cương quyết đến cùng. Qua nhiều lần đấu tranh, cuối cùng những người bệnh nặng được khám và cấp thuốc”, ông Tộ nhớ lại.

Ngoài ra, người lính trẻ còn bấm huyệt, tận tình hướng dẫn đồng đội trong nhà tù cách điều trị bệnh, chỉ định các loại thuốc và thời gian điều trị.

Trong hơn 5 năm ngồi tù, ngoài chữa bệnh, đấu tranh cùng các đồng chí, đồng đội, ông còn bí mật dạy học. Kể lại việc này, ông Tộ cho biết:

“Lúc đầu tôi dạy chữ cho anh em bằng cách dùng hòn đá, ngói viết xuống nền đất. Khi nào thấy lính canh đi kiểm tra thì nhanh chóng xóa đi. Sau này, tôi dùng tấm bìa cứng, tô màu đen, lấy giấy ni lông phủ lên, dùng bút tự chế viết lên. Mỗi khi thấy chúng đi kiểm tra, chỉ cần lôi tấm ni lông khỏi bảng đen là chúng không thể phát hiện được”.

Những kỷ vật từ nhà tù Phú Quốc
Những kỷ vật từ nhà tù Phú Quốc

Ông kể, chuyện bị địch đánh đập tàn nhẫn diễn ra như cơm bữa. Lần thì ông bị nhổ răng, lần bị lấy các móng tay, thậm chí còn bị tra tấn bằng cách chọc thủng màng nhĩ. Nhưng đau đớn hơn cả là việc ông bị địch hành hạ bằng việc dùng chính kim châm chữa bệnh đâm vào đầu ngón tay.

Tiếp theo, chúng găm một tờ giấy mỏng ở đầu kim, bật quạt vặn cỡ lớn. Tờ giấy quay tròn khiến chiếc kim châm đâm sâu vào ngón tay, đau nhói. “Đau thấu xương, không tài nào diễn tả được, tôi chỉ biết cố cắn răng chịu đựng”, người cựu binh hồi ức.

Quyển sổ nhỏ bằng 2 ngón tay

Quá trình cứu chữa đồng đội trong tù đã cho ông Tộ nhiều bài học quý giá. Với mong muốn lưu giữ lại những kinh nghiệm chữa bệnh và các bài thuốc hay mà anh em mách cho, ông nảy sinh ý tưởng ghi chép lại vào sổ sách. Nhưng ở chốn lao tù biết lấy giấy, bút, mực ở đâu để viết. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra cách ghi chép rất độc đáo.

Ông kể, giấy viết được lấy từ những bao thuốc lá, tách mỏng ra làm đôi. Mực viết được lấy từ con mực, còn bút được vót từ thanh tre, mài nhọn đầu. “Sau khi có đầy đủ chất liệu, tôi cẩn thận ghi chép lại các bài thuốc, cách chữa bệnh. Quyển sổ đó dù nhỏ chỉ bằng hai ngón tay nhưng là vật vô giá được tôi giữ cẩn thận cho đến nay”, ông nói.

Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, tù binh được trao trả. Nhưng, theo quy định tù binh không được mang theo vật gì khi rời trại. Không thể vứt bỏ những gì đã dụng công ghi chép, ông Tộ nghĩ ra cách nuốt tập giấy ghi các bài thuốc chữa bệnh vào sâu trong họng. Đến trạm kiểm tra, giặc không mảy may nghi ngờ nên vật đó được ông đem trót lọt ra ngoài.

Từ đó, tập giấy viết ấy trở thành “báu vật” luôn được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận. “Tôi đang có suy nghĩ tặng quyển sổ này cho bảo tàng để nhiều người được biết đến. Đó là cách để giáo dục con cháu truyền thống đấu tranh gìn giữ đất nước của dân tộc”, ông Tộ chia sẻ.

Vật thứ hai mà người cựu chiến binh lưu giữ cẩn thận là cái bấm móng tay đính kèm hai cái ngoáy tai bằng những chiếc vòng nhỏ. Đó cũng là kỷ vật ông đưa về từ nhà tù Phú Quốc. Cầm đồ vật nhỏ trên tay, ông Tộ nói chuyện: “Lúc trước, khó khăn lắm tôi mới làm được món đồ này, nên giờ phải cất giữ cẩn thận. Đây là kỷ vật thiêng liêng, không thể đánh mất”.

Ông Tộ và vợ
Ông Tộ và vợ 

Sau khi được trao trả tự do, người chiến sĩ được đưa về an dưỡng tại Quân khu 3 một năm, sau đó được đơn vị cử đi học tại chức ngành y. Ông đã khước từ, quyết định tự ôn và thi đậu trường Đại học Y khoa Hà Nội, chuyên ngành Đông y. Nhớ lại ngày nhập học, ông Tộ nói: “Khóa đó, tôi là người cao tuổi nhất trường. Đáng lẽ tôi không được nhận vào học, nhưng vì là người lính từng tham gia kháng chiến nên mới được đặc cách, nhận vào học”. 

Sau 6 năm miệt mài đèn sách, tốt nghiệp ra trường, năm 1980, ông Nguyễn Trường Tộ được cử về công tác tại Sở Y tế Nghệ An. Ba năm sau, ông Tộ được chuyển sang Hội Đông y tỉnh, được đề bạt làm chủ tịch Hội.

Trong quá trình làm việc, ông đã tham gia biên soạn 10 công trình về Đông y được Bộ Y tế trao giải thưởng cao quý Hải Thượng Lãn Ông, Hội Đông y Việt Nam tôn vinh danh hiệu Lương y tiêu biểu. Năm 2002, sau thời gian dài chữa bệnh cứu người, ông Nguyễn Trường Tộ về hưu, sống an nhàn bên vợ con, cháu.

Hiện dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày lương y Tộ vẫn tận tình khám bệnh, cắt thuốc tại nhà cho các bệnh nhân. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người dành hết gần đời mình cho việc chữa bệnh, cứu người. Ông chia sẻ: “Nhà tù của giặc không chỉ là nơi giam cầm và tra tấn mà ở đó còn là trường học giúp tôi rèn luyện phẩm chất, ý chí, y đức và cả trình độ chuyên môn”.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.