Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Tuyền tổng cộng 12 năm tù.
Đầu tháng 6/2004, ông Nguyễn Thế Phong, Hiệu trưởng Trường PTCS Ngô Sỹ Liên thuộc xã Phi Thông, TP Rạch Giá, Kiên Giang được tập thể giáo viên trường cử làm đại diện mua đất nông nghiệp lập dự án phân lô làm nền nhà bán cho cán bộ, giáo viên của trường.
Để thực hiện dự án này, ông Phong thỏa thuận với Lê Thị Thanh Tuyền đứng ra tạm ứng vốn mua 6 thửa đất với tổng diện tích 25.000m2 đất nông nghiệp tọa lạc trên địa bàn phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá. Sau đó, Tuyền làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa đất trên qua tên ông Phong để tiến hành lập dự án. Ban quản lý dự án gồm: ông Phong làm Trưởng ban; Lê Thanh Giàu (Chủ tịch Công đoàn trường) là thành viên và Trần Văn Kiệt (thủ quỹ của trường) là thủ quỹ dự án.
Sau đó, ông Phong thông báo cho giáo viên đăng ký mua nền nhà với giá 32 triệu đồng/nền rồi tổ chức bốc thăm lấy ký hiệu lô đất và giao cho Kiệt thu tiền. Theo thỏa thuận, Kiệt thu đợt 1 và 2 mỗi đợt 10 triệu đồng, riêng đợt 3 thu 12 triệu đồng giao cho Tuyền trực tiếp thu và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người mua. Trường hợp đóng tiền đủ 1 lần thì mỗi lô đất được giảm xuống còn 30 triệu đồng.
Thủ quỹ Kiệt đã thu của 58 giáo viên đăng ký mua đất bằng biên lai thu tiền có đóng dấu của nhà trường (trong đó, có người nộp tiền 2 đợt, có người nộp tiền đủ 3 đợt) với tổng số tiền 2.776.100.000 đồng và giao tiền lại cho Phong nhưng không làm biên nhận và cũng không có chứng từ chứng minh.
Còn Phong đã thanh lý hợp đồng với Tuyền đợt 1 tổng cộng 1,26 tỷ đồng; đợt 2 được 480 triệu đồng. Trong thời gian chờ dự án được phê duyệt, Phong chuyển công tác về Phòng Giáo dục TP Rạch Giá nên bàn giao toàn bộ hồ sơ những người đăng ký mua đất lại cho Lê Thanh Giàu đại diện làm chủ dự án.
Cuối năm 2009, dự án được UBND TP Rạch Giá phê duyệt chấp thuận phân thành 150 lô, trong đó giáo viên và người nhà của giáo viên đăng ký mua 90 lô, Phong và Giàu đăng ký mua 30 lô, còn 30 lô Tuyền ký hợp đồng bán cho ông Phạm Văn Bảy với giá 1,5 tỷ đồng. Đến ngày 19/7/2011, Tuyền yêu cầu Giàu bàn giao toàn bộ danh sách những người đăng ký mua đất cùng biên lai nhận tiền, giấy bốc thăm ký hiệu lô. Nhằm ý định chiếm đoạt tiền của người mua đất, Tuyền lập danh sách trắng chưa ghi tên, có đánh số thứ tự từ 01 đến 150 lô cho Giàu ký khống và đóng dấu Ban Chấp hành Công đoàn của Trường PTCS Ngô Sỹ Liên vào danh sách khống với lý do đề làm GCNQSDĐ.
Có danh sách khống này trong tay, Tuyền đưa 13 người thân trong gia đình vào đứng tên 63 lô và một số người quen bên ngoài đứng tên 45 lô khác rồi đem GCNQSDĐ thế chấp ngân hàng để vay tiền. Đối với ông Phạm Văn Bảy, Tuyền chỉ giao được 6 lô và chiếm đoạt 24 lô đất còn lại tương ứng với số tiền 1,2 tỷ đồng. Đến ngày bị bắt, Tuyền mới bàn giao GCNQSDĐ cho 28 lô và chiếm đoạt số tiền đăng ký mua đất của các giáo viên khác để chi xài cá nhân, không giao đất theo hợp đồng.
Sau nhiều lần tạm hoãn vì vắng mặt một số người bị hại, ngày 29/9/2014, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm (lần 1) tuyên phạt bị cáo Tuyền 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại, TAND Cấp cao tại TPHCM tiến hành xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo Hội đồng xét xử, hành vi nhận tiền của người mua đất nhưng không đưa tên vào danh sách cấp giấy CNQSDĐ, không giao đất, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phải hành vi lừa đảo như cấp sơ thẩm xét xử; cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm của Lê Thanh Giàu trong việc ký danh sách khống tạo điều kiện cho bị cáo Tuyền đưa tên người nhà vào danh sách để chiếm đoạt tiền; số tiền Kiệt đã thu của 58 giáo viên đăng ký mua đất tổng cộng 2.776.100.000 đồng nhưng Phong mới giao cho bị cáo Tuyền 1.740.000.000đ, còn lại 1.036.000.000đ cấp sơ thẩm chưa làm rõ hiện nay ai quản lý và trách nhiệm như thế nào…
Mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án ra xét xử (lần 2) tuyên phạt bị cáo Tuyền 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tải sản”, tổng hợp hình phạt là 12 năm tù, buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt còn lại cho những người bị hại.
Đối với Trần Văn Kiệt khi giao tiền đăng ký mua đất của 58 giáo viên cho Phong không làm biên nhận và cũng không chứng minh được số tiền 1.036.000.100đ còn lại, Kiệt và Phong có trách nhiệm tiếp tục bồi thường cho các giáo viên, đây là quan hệ dân sự nên tách ra thành vụ kiện dân sự khác.
Riêng Lê Thanh Giàu tuy có ký danh sách khống để Tuyền chiếm đoạt tiền của giáo viên, nhưng trước khi ký khống Giàu có báo và được hiệu trưởng của Trường PTCS Ngô Sĩ Liên đồng ý, vì mục đích muốn có GCNQSDĐ sớm để cấp cho giáo viên, bản thân Giàu không có hưởng lợi cá nhân, nên chưa chứng minh được Giàu có hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi của Trần Văn Kiệt, Nguyễn Thế Phong, Lê Thanh Giàu hiện chưa đủ yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra, khi nào có đủ tài liệu chứng cứ sẽ xử lý sau.