"Chị Tư Hậu" - Ngôi sao sáng mãi

Đó là người diễn viên ưu tú nhất của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Đó là người diễn viên ưu tú nhất của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.Giờ đây, dẫu chị không đóng phim nữa, song bầu trời điện ảnh Việt Nam còn mãi mãi một ngôi sao mang tên chị. Núi Ấn sông Trà là những thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi. Chị là người may mắn được thừa hưởng những tinh hoa tinh túy nhất của sông núi quê hương. Chị có diễm phúc sống trong một thời kỳ mà những vẻ đep lý tưởng của cuộc sống hòa bình, của vẻ đẹp cách mạng đang vào mùa đẹp nhất. Nên gương mặt chị là kết tinh vẻ đẹp của gương mặt thời đại.
NSND Trà Giang bây giờ
NSND Trà Giang bây giờ
Trà Giang bước vào điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu như một mối lương duyên. Trà Giang làm sang trọng cho điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Và điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã tôn vinh ngôi sao hình tượng của mình. Nếu Trà Giang là diễn viên sân khấu thì chưa chắc chị đã đạt được nhiều thành tich như trong điện ảnh vì chưa chắc chị đã có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng Việt Nam và quốc tế.Miền Bắc Việt Nam năm 1964.Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cái gì cũng đẹp. Thơ hay. Văn trong sáng. Nhạc đẹp. Những bức tranh khỏe mạnh. Bầu trời trong xanh. Mặt đất hiền hòa. Gương mặt con người đôn hậu, phơi phới niềm tin. Và tất cả đều hướng về miền Nam thân yêu.Trong lịch sử 500 năm mở cõi về phương Nam của dân tộc, chắc có nhiều trang oanh liệt. Ý chí thống nhất đất nước luôn sôi sục trong lòng tiền nhân. Song ý chí đó, có lẽ, chưa bao giờ được các văn nghệ sỹ thể hiện một cách nhiệt thành như giai đoạn những năm chống Mỹ.  Truyện ký “Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái ra đời lúc này. Những trang sách chân thực gây chấn động với hàng triệu độc giả. Ngay lập tức, nó được chính nhà văn chuyển thể lên màn ảnh. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Nguyễn Khánh Dư, họa sỹ Trần Kiềm bắt tay vào dàn dựng và thể hiện. Và vai chính - nhân vật chính - chị Tư Hậu được giao cho diễn viên Trà Giang.Sau 10 năm tập kết ra Bắc, Trà Giang có cơ hội đóng vai người phụ nữ miền Nam.
Trà Giang trong vai chị Tư Hậu
Trà Giang trong vai chị Tư Hậu
Nhà văn Bùi Đức Ái, với bản chất khắt khe đối với cuộc sống cũng như đối với nghệ thuật của mình, đã viết kịch bản hết sức công phu. Và đạo diễn Phạm Kỳ Nam, sau “Chung một dòng sông”, ông đã biết cách cộng tác với những người giỏi hơn mình trong loại hình nghệ thuật tổng hợp có tên là điện ảnh. Điều rủi ro lớn đối với bất cứ đạo diễn nào thể hiện ở chỗ anh ta không xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhà biên kịch.Và Trà Giang, với vai chị Tư Hậu, đã minh chứng chân lý, rằng người diễn viên nên có đầy đủ quyền hành như người sáng tạo ra kịch bản, như đạo diễn, nghĩa là cũng sáng tạo để thể hiện một cách sâu sắc hơn, chuẩn xác hơn tư tưởng cũng như tư duy hình ảnh của đạo diễn. Với vai chị Tư Hậu, Trà Giang đã lưu lại trong tâm trí khán giả một hình ảnh đẹp của người diễn viên. Đó là con người lao động miệt mài vì nghệ thuật với tâm hồn trong sáng và với lòng đam mê kỳ lạ. Ở đầu phim, ta thấy đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã sớm đặt nhân vật vào một tình huống khắc nghiệt. Khi chị Tư Hậu chạy vào chòi cá, Hai Báu xộc vào theo. Cái chòi cá được dựng bằng những cành dương. Diễn cảnh người phụ nữ bị hiếp như thế nào? Làm sao vừa biểu hiện được sự lo âu, nỗi sợ hãi, đồng thời cũng thể hiện được sự uất hận? Không những vậy, người diễn viên còn phải thể hiện cảnh này sao không rơi vào trạng thái dung tục? Không gian cảnh quay là nội, trong chòi cá. Thời gian là ban ngày. Đó là một cảnh diễn rất khó, có thể nói là chưa từng có trong điện ảnh cách mạng Việt Nam. Lịch sử điện ảnh Việt Nam chưa  có những bài học kinh nghiệm về việc thể hiện những cảnh bạo lực và tình dục như thế. Đây là một cảnh diễn nan giải đối với nữ diễn viên Trà Giang. Lúc ấy chị còn rất trẻ. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, nhưng bù lại, chị được tạo hóa tặng cho một gương mặt giàu tính biểu cảm và đôi mắt tuyệt vời.
Trà Giang và các đồng nghiệp
Trà Giang và các đồng nghiệp
Các nhà lý luật điện ảnh, khi nói về diễn viên, hầu như đều tập trung nói về gương mặt của họ. Đối với bất cứ người đạo diễn nào, thì gương mặt người diễn viên luôn như một cánh đồng vô tận, không thể nào và không ai có thể khai thác hoặc khám phá đến tận cùng. Và Trà Giang, với gương mặt của mình, dù chị diễn đủ loại cung bậc tình cảm của con người, thì gương mặt ấy, nhìn lúc nào cũng thấy có sức hút, có một vẻ đẹp bí ẩn luôn lấp lánh tỏa ra. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Khánh Dư đã hợp tác chặt chẽ với nhau, khai thác một cảnh rất khó, khai thác cao trào của cảnh bằng cách khai thác khuôn mặt nhân vật. Hai ông bàn với nhau đẩy máy nổ trên cát, dùng loại đèn có công suất 1 vạn KW để tạo ánh sáng  chiếu qua khe cửa của các cành dương để tạo hình khuôn mặt nhân vật với những vệt đen cắt ngang thì hình ảnh sẽ dữ dội hơn, khủng khiếp hơn. Cách tạo hình đó cùng với những hành động quyết liệt của nhân vật khi chống lại kẻ thù đã thu được những hiệu quả có một không hai. Và đôi mắt chị Tư Hậu được nhà quay phim Khánh Dư miêu tả bằng động tác máy lộn ngược. Và hình ảnh được chỉnh từ mờ đến rõ.  Gương mặt và đôi mắt ấy của chị Tư Hậu đã trở thành những cảnh diễn xuất kinh điển, cảnh quay phim kinh điển và cách dàn dựng kinh điển của điện ảnh Việt Nam trong những bước đi ban đầu.Người ta hay nói về tính cách của nhân vật bằng những từ chung chung như đôn hậu, nhanh nhẹn, ích kỷ v.v... Đó là những từ hết sức trừu tượng. Và đương nhiên, nếu diễn viên nào cảm thấy mình nhập vai với những cảnh phân tích tính cách như vậy thì vai diễn cũng hết sức nhạt nhòa, đơn điệu. Đó không phải là tính cách. Đó chỉ là những khái niệm mang tính chất ước lệ.
Gia đình NSND Trà Giang với đoàn phim Thụy Điển năm 1979
Gia đình NSND Trà Giang với đoàn phim Thụy Điển năm 1979
Trong nghệ thuật, mọi cái đều phải rõ ràng, cụ thể. Và người diễn viên phải thể hiện được những cái rõ ràng, cụ thể đó bằng hành động của mình. Hành động này có liên quan đến hoàn cảnh, môi trường cuộc sống, với mọi người xung quanh. Và đối với người diễn viên, anh ta (chị ta) luôn phải sống trong vai diễn của mình. Điều này được Trà Giang thể hiện rất rõ trong phim Chị Tư Hậu. Với vai này, Trà Giang không chỉ thể hiện chính bản thân mình. Chị đã làm sáng tỏ được nhân vật. Để nhập vai, chị đã có một quá trình tìm kiếm cho bản thân mình một tiểu sử mới và những mối quan hệ mới. Với vai chị Tư Hậu, Trà Giang như đã lãng quên chính mình. Nhưng qua một chuỗi những hành động, suy nghĩ, các mối quan hệ do  nhân vật tạo ra, nhưn những nguồn sóng mới. Và thông qua những cái này, ta sẽ thấy xuất hiện một nhân vật mới.Nhiều diễn viên cảm thấy khó chịu khi phải mất công vào quá tình phân tích nhân vật. Với Trà Giang, việc đọc kỹ kịch bản, đi sâu vào kịch bản đã giúp chị tìm thấy những điều lớn lao, có giá trị quyết định.Ta hãy cùng khai thác trường đoạn chị Tư Hậu chạy ra biển tự tử.Sau sự việc ở chòi cá, chị Tư Hậu lao ra biển tự tử. Đây là một trong những trường đoạn mang tính chất giáo khoa với nhiều chuyên ngành của điện ảnh. Xét về mặt dàn dựng, đạo diễn đã dàn dựng một bãi biển trống vắng. Biển nổi sóng lớn. Nhân vật  chạy trên cát và trên biển với tâm trạng uất ức, tủi hổ. Âm thanh bao trùm là tiếng sóng biển reo gọi. Tiếng động là những bước chân như nhịp tim đau đớn ,tìm đến cái chết. Về mặt quay phim, để miêu tả tâm trạng của chị, nhà quay phim Khánh Dư đã “bắc một cái travelling dài 70m, một độ dài lý tưởng của thời ấy. Cấu trúc của cái dolly boom ấy là dolly từ ngang bờ đến thẳng hướng biển, để tôi có thể quay cảnh chị chạy từ trên bờ biển và võng xuống biển.
Khi quay đoạn chạy trên bờ, tôi lia từ chân lên mặt để cho thấy sự rối bời. Khi chạy ra đến biển thì máy trên dolly boom từ dưới lên cao, cao dần để thấy chị lừng lững đi ra giữa biển. Máy trên cao úp xuống gần như nơi đỉnh đầu, đến khi có tiếng con khóc ở bờ thì chị gần như sực tỉnh. Dolly từ trên cao hạ nhanh xuống, hướng thẳng vào mặt chị. Tôi cho đấy là một cảnh tuyệt vời, một động tác máy chính xác đến không tưởng, và trên hết là hình ảnh từ từ đi vào lòng người , cho thấy nỗi đau, sự mất mát và sự thức tỉnh” ( trích 10 bí quyết hình ảnh - NXBVăn Hóa Sài Gòn - 2008) Về mặt diễn xuất của diễn viên, ta nhận thấy nhân vật đã vào cảnh rất đúng lúc. Chị đã chạy vào cảnh với một tốc độ không thể nhanh hơn, với một thái độ quyết liệt đối mặt với cái chết. Không biết chị Trà Giang đã phải tập cách chạy vào cảnh như vậy bao nhiêu lần. Bước chân. Gương mặt. Ánh mắt. Thái độ.... Không có đạo cụ nào để chị có thể tựa vào. Máy chúc xuống diễn tả hình ảnh chị thật cô đơn, tuyệt vọng. Khán giả dõi theo, lo lắng cho nhân vật. Song, thật bất ngờ. Một âm thanh đã bay vút tới, chặn đứng cái chết. Âm thanh ấy đã có một điểm rơi không thể tốt hơn. Đó chính là tiếng khóc của đứa con gái. Chị bàng hoàng, sực tỉnh, dừng lại. Bao nhiêu tâm trạng được thể hiện trong một khoảnh khắc vĩnh cửu trên nét mặt , trong ánh mắt chị. Tiếng khóc ấy có sức mạnh hơn ngàn  hình ảnh. Đạo diễn - quay phim và diễn viên đã tạo ra một trường đoạn xứng đáng là kiệt tác của điện ảnh nước ta.Đó là sự tính toán chính xác đến mức tuyệt đối như toán học của tập thể các nhà làm phim. Đó là kết quả của một quá trình phân tích logic hành động của nhân vật, phân tích hành vi của con người, phân tích sự vận động của nhân vật, phân tích kỹ lưỡng động tác máy, phân tích hiệu quả của âm thanh v.v... Và có thể thêm điều này nữa, đó là sức khỏe của diễn viên. Nếu chị Trà Giang không khỏe mạnh, và tuổi vẫn còn trẻ, chắc không thể có bước chạy quyết liệt và quyến rũ đến thế. Đó cũng là một logic mà ít ai quan tâm. Tôi xin bổ sung thêm một chuyện. Ngày học ở VGIK, tôi thấy các nữ diễn viên học nhảy theo nhạc đến đẫm mồ hôi. Rồi họ còn phải học trượt tuyết, trượt băng, bắn súng, cưỡi ngựa, bơi lội, chạy trên các địa hình. Tôi hỏi diễn viên A. Batalov, sao khoa diễn viên không có nữ sinh viên Việt Nam học tập, ông trả lời, diễn viên rất cần sức khỏe. Có thể do thể lực của nữ diễn viên Việt Nam khá yếu nên không thể theo học được khoa này. Từ đó tôi cứ suy nghĩ mãi về ý kiến của ông.Trong điện ảnh Việt Nam, nhiều đạo diễn dàn dựng những cảnh ngoài trời tốt hơn những cảnh trong nhà. Cũng tương tự, đa số các quay phim quay những cảnh ngoại tốt hơn cảnh nội. Nguyên nhân có thể do các nhà làm phim chủ yếu là đạo diễn và quay phim chưa làm chủ được ánh sáng và thường bỏ qua khâu kỹ thuật lấy cảnh. Điều đó dẫn đến hiện tượng là nhiều diễn viên cũng diễn thành công hơn những cảnh ở ngoài trời. Riêng Chị Tư Hậu, Trà Giang đã diễn một trường đoạn được quay nội rất thành công. Đó là trường đoạn chị Tư Hậu đỡ đẻ cho vợ một anh lính ngụy tên là Mười Hội. Căn nhà của người vợ lính được đạo diễn Phạm Kỳ Nam dàn dựng khá giản dị. Hầu như không có gì đặc biệt. Phía trên treo một chiếc đèn măng-xông. Trung tâm cảnh là một người phụ nữ trong cơn đau đẻ. Bên ngoài đất trời đang vần vũ. Âm thanh của tiếng mưa và tiếng gió quất vào bối cảnh. Chị Tư Hậu vào cảnh với thái đội vội vã như cứu người chết đuối. Đạo cụ chị mang theo vào cảnh  chỉ có một túi y tá. Cảnh được bắt đầu với cuộc tiếp xúc giữa chị Tư Hậu với vợ Mười Hội. Mấy lời thăm hỏi, động viên của chị Tư Hậu không làm cho  người phụ nữ trở dạ bớt đau đớn. Tiếng kêu của chị khiến không gian như căng thẳng thêm. Sự lúng túng của người chồng làm xung đột cảnh thêm đa chiều. Âm thanh của những dụng cụ y tế như đẩy tiết tấu của cảnh nhanh hơn. Bạn diễn của Tư Hậu là người phụ nữ quằn quại rên la như tác động mạnh đến sự tập trung của diễn viên Trà Giang. Song ngay lúc ấy, lại thêm một loạt âm thanh dội xuống bối cảnh. Đó là tiếng súng, tiếng pháo. Khuôn hình như bị  căng xé ra. Ngọn đèn bão lắc lư. Ánh sáng chao đảo. Cái chậu nước rơi xuống, vỡ ra. Chị Tư Hậu phải tìm nơi trú thân. Nhưng không có một khoảnh khắc im lặng nào ngưng đọng. Diễn viên tiếp tục diễn xuất. Chị Tư Hậu tiếp tục hành động. Xử lý dụng cụ y tế. Động viên sản phụ. Phân việc cho người chồng. Rồi đứa trẻ được sinh ra. Tiếng khóc oa oa hòa trong tiếng súng. Bất ngờ vọng vào khuôn hình tiếng gà gáy. Mặt vợ chồng Mười Hội sáng ngời. Chị Tư Hậu mệt lả, dựa vào vách nhà. Gương mặt mệt mỏi đầy thanh thản.Để có được một vai diễn thành công, ngươi diễn viên cần phải có sự hưng phất tuyệt đối và sự tính toán  chính xác trong cùng một thời điểm. Tài nghệ của Trà Giang đã đi vào hình tượng của vai chị Tư Hậu nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của diễn viên Trà Giang.
 NSND Trà Giang bên những tác phẩm hội họa của mình.
 NSND Trà Giang bên những tác phẩm hội họa của mình.
Nhìn Trà Giang nhập vai, người xem có cảm giác chị vào vai  rất dễ dàng, rất tự nhiên, Đối với người diễn viên, vào vai một cách tự nhiên là cái khó khăn nhất trong nghệ thuật diễn xuất. Và không thể có sự diễn xuất giỏi nếu người diễn viên chỉ dựa vào năng khiếu. Thiếu sự lao động và rèn luyện nghiêm túc, công phu không thể có nghệ thuật. Trà Giang đã trải qua những ngày lao đông nghệ thuật đầy cam go, gian khó, tập trung cao độ nhất cùng với những khát khao, cháy bỏng nhất mới tạo ra vai diễn xuất sắc như vai chị Tư Hậu.Đó là vai diễn đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam về hình ảnh một người phụ nữ trưởng thành trong cuộc đấu tranh giải phóng. Việc chọn được kịch bản, tạo ra bầu không khí hành động sáng tạo, người đạo diễn đã giúp người diễn viên thể hiện những gì tốt đẹp nhất trong con người mình. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã dàn dựng nhiều phim, song Chị Tư Hậu là phim thành công nhất của ông. Nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư cũng đã đoạt nhiều giải thưởng trong vai trò người cầm máy quay, song, cho đến cuối đời, ông đã công nhận rằng, ông thành công nhất với vai trò người quay phim Chị Tư Hậu. Và với Trà Giang cũng vậy. Chị đã đóng nhiều phim vói nhiều vai diễn cũng như nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, song vai diễn thành công nhất của chị mãi vẫn là vai chị Tư Hậu.Về bộ phim Chị Tư Hậu, tuy còn một số vấn đề về tuyến xung đột của tác phẩm, ví dụ như, kẻ gây tội các với chị Tư Hậu là viên sỹ quan Pháp, song anh Khoa, chồng Tư Hậu, lại bắn Hai Báu, sỹ quan Ngụy. Điều này có thể có thật trong cuộc sống song các nghệ sỹ phản ánh thực tế qua lăng kính nghệ thuật không nên quá lệ thuộc vào cuộc sống. Thêm vào đó, các tuyến nhân vật phụ và các đường dây cốt truyện phụ còn mờ nhạt, thiếu tập trung bởi các nhân vật phụ chưa ai có câu chuyện rõ nét của mình. Tuy nhiên, Chị Tư Hậu vẫn là một mốc son trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Và Trà Giang từ vai chị Tư Hậu đã trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời điện ảnh Việt Nam. Bộ phim Chị Tư Hậu cùng với diễn xuất của Trà Giang là một trong số không nhiều tác phẩm điện ảnh mà khán  giả sau này còn có nhu cầu xem lại.
Theo Đoàn Tuấn
TGĐA

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.