Chuyện không mới nhưng đến hẹn lại lên và vẫn là nỗi bức xúc của không ít phụ huynh và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đó là việc con trẻ vừa mới “chân ướt, chân ráo” vào lớp 1 đã phải... lo học thêm.
Chê dốt để... “gợi ý”!
Trên diễn đàn web Trẻ thơ, một phụ huynh tâm sự: “Con mình học tại một trường “làng” ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ngày khai giảng, mình đã nói với cô giáo là cháu không đi học trước, cháu chưa biết viết..., cô nói rằng không sao, vài tháng cháu sẽ quen... mình đã mừng. 3 ngày sau đấy mình đi đón con đều nhận được lời cô phàn nàn là: Cháu nhà chị viết sai, viết chậm lắm, cô uốn mãi nhưng vẫn chậm hơn các bạn, mà viết chậm như thế này thì không thể học theo các bạn được đâu.
Mình hỏi cô là: Chị tưởng cháu vừa mới học được 1 ngày mà, sao đã viết nhanh, viết đúng được? Trong vở viết thì cô chấm cho luôn hai điểm 2. Cả cuộc đời đi học, ngay những ngày đầu tiên vào trường, con đã bị cô hết lời chê bai, phàn nàn, rồi “ăn” luôn điểm kém cùng với bao nhiêu sự khác lạ về môi trường học tập ở trường tiểu học so với trường mẫu giáo nữa... thử hỏi các cháu có còn hứng thú để học hành nữa hay không? Mình nghĩ cô chấm điểm cho trẻ vừa đi học được một, hai ngày như thế sẽ làm tổn thương con trẻ, như vậy có nên không?”.
Nhiều phụ huynh khác cho biết, thực ra nếu bố mẹ không “cuống” lên trước những lời chê của giáo viên thì sẽ tỉnh táo để biết rằng, đằng sau việc “phung phí” lời chê ấy là gì. Chị T.N, một phụ huynh có con học lớp 2 tỏ ra đầy kinh nghiệm: Hồi cháu nhà tôi học lớp 1 cũng rơi vào tình huống như vậy, và sau nhiều lần “cứ thấy mặt phụ huynh là chê” ấy là thông báo của cô giáo về việc tổ chức dạy thêm tại gia (hay đúng hơn là tại một nhà dân cạnh trường mà cô thuê).
Một số phụ huynh ở các trường danh tiếng như Trường Tiểu học Trung Tự, Kim Liên cũng cho biết đang đau đầu với việc có nên cho con đi học thêm ở chính lớp cô giáo chủ nhiệm tổ chức hay không?
Một phụ huynh lo lắng: “Không phải mình không có tiền cho con đi học thêm, nhưng quả thật là mình không muốn con phải khổ. Nghĩ cho cùng chỉ có mấy chục con chữ, nếu các cháu đã biết đọc, biết viết thì cả năm lớp 1 cô giáo sẽ dạy cái gì? Mình và bố cháu thì rất phản đối nhưng lại lo là nếu con không học thêm thì có thể thái độ của cô đối với con sẽ khác, liệu có ảnh hưởng đến kết quả học của con ở trường không?”.
Không học thêm, không xong
Đang có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau ở các trường tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngoài việc dạy thêm vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, thậm chí có giáo viên còn tổ chức dạy thêm ngay vào sau giờ tan học buổi chiều ở trường. Giáo viên đưa thẳng học sinh ra lớp học thêm để “nhồi” tiếp. Tuy nhiên, ở những trường như Trung Tự, Kim Liên, do sĩ số học sinh/lớp quá đông nên thường cô phải chia một lớp ra thành mấy ca học khác nhau. Mỗi buổi học như vậy, giáo viên thu khoảng 50.000 đồng/học sinh.
Một số trường tiểu học của quận Hoàng Mai thì đứng ra tổ chức dạy thêm dưới hình thức “câu lạc bộ”: Sử dụng cơ sở vật chất của trường, đội ngũ giáo viên của trường để tổ chức câu lạc bộ vào sáng thứ 7 hàng tuần. Nghe qua thì tưởng “câu lạc bộ” là một hình thức lý tưởng để trẻ được thư giãn, vui chơi giải trí nhưng thực chất đồng loạt các lớp đều chỉ dạy toán và tiếng Việt nâng cao. Mức đóng góp cho hình thức “câu lạc bộ” này là khoảng 80.000-100.000 đồng/học sinh/tháng.
Những trường như tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), do còn chung cơ sở vật chất với trường THCS nên học sinh không được học 2 buổi/ngày. Chính vì vậy, giáo viên của các trường này thuê nhà của người dân ở xung quanh khu vực trường đóng để tổ chức dạy thêm một buổi nữa cho học sinh.
Tất nhiên, đây cũng là nhu cầu của phụ huynh nhưng điều đáng nói là những lớp học này không hề chịu sự quản lý hay chịu trách nhiệm của nhà trường nên nếu có việc gì đáng tiếc xảy ra thì cũng không có ai đứng ra bảo đảm quyền lợi của học sinh. Hơn nữa, hầu hết các địa điểm mà giáo viên thuê để dạy ca 2 đều rất chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu không khí... Có thể nói, bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ mặt còn “búng ra sữa” phải chen chúc trong những lớp học như vậy.
Trong khi đó, phụ huynh có con theo học ở những trường này còn phải chấp nhận đóng thêm nhiều khoản tiền như: Tiền thuê cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên dạy ca 2, tiền thuê xe đưa đón học sinh từ lớp học nhà dân đến trường để học buổi chính khóa (nếu địa điểm cách xa trường và học sinh không thể đi bộ)...
Uyên Na