Sẽ có cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 vào tháng 12 này. Các quốc gia hùng mạnh đang thi nhau chạy đua. Nước Nga với Thủ tướng Putin dẫn đầu dự kiến có màn ra mắt ấn tượng để lần đầu vòng chung kết World Cup được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu. Người Nga hy vọng ông Putin sẽ đưa nước Nga chiến thắng như từng đưa nước Nga giành thắng lợi trong cuộc đua đăng cai Olympic mùa Đông tại Sochi 2012. Nhưng bên cạnh Nga còn nhiều quốc gia hùng mạnh khác.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter gặp gỡ Thủ tướng Nga Putin năm 2009 |
Vì sao thiên hạ nô nức chạy đua đến như vậy. Có phải việc được đăng cai World Cup sẽ giúp quốc gia đăng cai phát triển cơ sở hạ tầng, đưa nền kinh tế lên tầm cao mới. Trong lúc sự thể vẫn chưa rõ ràng thì bất ngờ có nhà kinh tế chứng minh ngược lại. Đó là nhà kinh tế học thể thao Dennis Coates. Ông này đưa ra những luận chứng hết sức sinh động để phản hồi lại cái mục tiêu đăng cai là vì kinh tế. Ông Coates cho hay, nước Mỹ đăng cai World Cup 1994 mất đứt 9,6 tỷ đô la. Tương tự, nước Đức với World Cup 2006 và Nam Phi 2010 cũng lỗ lớn chứ không phải một vốn, bốn lời.
Ông Coates phân tích, khi đăng cai World Cup, ngành dịch vụ và du lịch của nước chủ nhà sẽ phát triển. Bên cạnh đó, nước chủ nhà thu được hàng tỷ đô la qua việc bán vé, tài trợ, quảng cáo. Nhờ World Cup cũng góp phần giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Đó là những nguồn lợi được nhìn thấy, nhưng số tiền chi lớn nhất để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, SVĐ thật hoành tráng; tiền chi cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự... thì lại quá lớn. Số tiền này do Chính phủ nước đăng cai chi. Dẫu FIFA cũng chi một khoản tiền vừa đủ để trợ giúp nước chủ nhà tổ chức giải thì cũng chẳng đủ bù cho xây dựng cơ sở hạ tầng. World Cup 2010, Nam Phi được FIFA trợ giúp 482 triệu USD, trong khi Chính phủ phải chi mấy tỷ USD.
Trong khi nước chủ nhà phải ngồi tính lỗ lãi sau khi giải kết thúc World Cup thì LĐBĐ thế giới - FIFA có ngay sấp xỉ 2 tỷ USD tiền lãi. Thế nên Dennis Coates cho rằng, việc tổ chức World Cup không thể cải thiện nền kinh tế của quốc gia chủ nhà. Nhưng cái được lớn nhất mà tất cả các quốc gia đều lao theo chạy đua đăng cai là người dân nước họ rất tự hào, phấn khởi được sống trong cảnh hội hè suốt 1 tháng trời. Và suốt 4 năm trước đó, đặc biệt 1 tháng trước ngày khai mạc, họ sẽ là tâm điểm của cả thế giới. Đó là cái đích chính mà các quốc gia chạy đua hướng tới chứ không phải là khát vọng kinh tế như mọi người suy nghĩ.
Bùi Anh