Trong bài phát biểu góp ý vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên thảo luận của QH sáng nay (29/3), ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ như vậy.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
ĐB nói, cử tri và người dân bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và gần đây Tổng Bí thư có nêu khái niệm “chạy luân chuyển”, điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới là phải chạy.
“Việc này người dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban ngành đều biết nhưng thiếu cơ chế thực thi, cơ sở để gắn trách nhiệm trong quá trình xử lý, nên trong quá trình thực hiện có chưa trả lời được câu hỏi “chạy ai, ai chạy” thì chúng ta chưa trả lời được” – ĐB Nguyễn Ngọc Phương trăn trở.
Còn ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đưa ra “câu hỏi lớn của nhiệm kỳ” về nạn “chạy chức, chạy quyền” mà dư luận vẫn râm ran là “vì sao thích chạy, sao chạy được?”.
Theo ĐB Đương, nạn “chạy chức, chạy quyền” không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn tạo ra tệ nạn, tham nhũng vì những người đã “chạy” được chức, quyền thì phải vơ vét để bù chi phí.
Đặc biệt, ĐB Đương lưu ý, dù đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp thì cũng phải làm, phải chống vì nó “nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ". ĐB cũng nhấn rằng, cần có “thuốc đặc trị” cho nạn “chạy chức, chạy quyền” vì như “một cơ thể nhiều virut xâm hại chính thể mà không có thuốc chữa thì không được”.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) |
Nhưng “quan trọng là thực thi chứ ban hành nhiều nghị quyết có khi lại kích thích cho “vi rút” tham nhũng phát triển”. Đạo đức là yếu tố hàng đầu nhưng cần có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về đạo đức xã hội vì hiện mới nặng về đánh giá đạo đức chung chung, còn hành vi “ngầm” không ai đánh giá được.
Vì thế, ĐB tin tưởng, “chỉ Bộ Chính trị mới giải đáp được, đưa ra được những quyết sách để tấn công tội “chạy” chức quyền”. Nếu không “cử tri nói các ông nói nhiều quá nhưng không thay đổi tình hình, nên các ông đừng nói nữa” – ĐB này nói.