Góp ý vào báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sáng nay (29/3), ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn thấy, một vấn đề chưa được đề cập trong báo cáo là ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.
Dẫn hình ảnh nước Nhật khi thảm họa xảy, ĐB cho rằng, người ta cho rằng nước Nhật sẽ không rối loạn và nhanh chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế mà còn vì ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật.
"Hãy nhìn lại chúng ta, không so đâu xa, chỉ cần so với chính thời bao cấp, ý thức chấp hành pháp luật đã đi xuống một cách đáng báo động", ông Cường chỉ ra.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) |
ĐB phân tích, dân chủ phải đi với kỷ cương, dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng kỷ cương chưa theo kịp. Điều nguy hiểm là không tuân thủ pháp luật được coi là bình thường, “người chấp hành pháp luật bị gọi là "hâm”.
“Đó có phải bản chất người Việt?” – ĐB đặt câu hỏi. Thấy rằng, cũng là người Việt ra nước ngoài rất nghiêm túc, người nước ngoài đến Việt Nam một thời gian cũng vi phạm như người Việt Nam, ĐB cho rằng, nguyên nhân quan trọng là bất cập trong quản lý nhà nước khi tuyên truyền không đủ, thiếu biện pháp khả thi cho các quy định được chấp hành.
Do vậy, ĐB thấy "đừng ban hành những quy định như quên gạt chân chống xe thì bị phạt nặng hay bắt xe con có bình chữa cháy... Đừng phạt cho tồn tại những vi phạm về xây dựng, làm hàng giả không bị tiêu hủy.
Đừng để kẻ côn đồ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ ngang nhiên không bị xử phạt, người hiền lành lấn làn một chút lại bị phạt nặng... Xử lý công khai, công bằng giữa người dân và cán bộ, công chức", ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
Ngoài ra, cần "trao quyền cho người thi hành công vụ và bảo vệ họ khi làm đúng, xử lý nghiêm khắc người lạm quyền. Đó là kinh nghiệm thành công trong cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm, những việc tưởng chừng không làm được", ĐB nhấn mạnh thêm.