Bố của bà Trịnh Thị Thu Phương (tỉnh Tuyên Quang) tham gia quân ngũ từ năm 1972 đến năm 1977, được công nhận là thương binh hạng 4. Bà Phương sinh năm 1977, khi sinh ra đã bị dị tật lệch cột sống hình chữ C cong phải. Cháu của bà sinh năm 2011, là con của người em ruột bà bị bệnh động kinh co giật.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Phương hỏi, bà và cháu của bà có thuộc diện bị ảnh hưởng chất độc hóa học không? Nếu được thì thủ tục thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Về việc xác nhận và giải quyết chế độ đối với con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tại Khoản 4 Điều 28 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: "Biên bản giám định dị dạng, dị tật của Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền kết luận dị dạng, dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc hóa học và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên".
Do vậy, trường hợp bố của bà sinh con dị dạng, dị tật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giới thiệu con dị dạng, dị tật ra Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh. Nếu Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận dị dạng, dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc hóa học và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì bà sẽ được giải quyết chế độ.
Đề nghị bà liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục, hồ sơ.
Đối với cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (thế hệ thứ 3), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ về chính sách, chế độ cho cháu (thế hệ thứ 3) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi có kết luận của cơ quan chức năng (Bộ Y tế) khẳng định ảnh hưởng của chất độc hóa học tới thế hệ thứ 3.
Trường hợp cháu của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật nếu đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp theo chính sách bảo trợ xã hội hiện hành.