Châu Âu – “Đích ngắm” của khủng bố?

EU chưa có một chính sách an ninh chung và thiếu sự hợp tác
EU chưa có một chính sách an ninh chung và thiếu sự hợp tác
(PLO) -Nguy cơ khủng bố vẫn luôn hiện hữu tại châu Âu khi Liên minh châu Âu (EU) vừa cảnh báo và bày tỏ quan ngại về sự trở lại của các tay súng thánh chiến. Có thể nói, châu Âu là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một báo cáo của EU công bố ngày 7/12/2016 ước tính có 5.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo người châu Âu đã đến Syria và Iraq, trong đó khoảng 1/3 đã quay trở lại "Lục địa già" và một số phần tử đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Nguy cơ

Báo cáo nêu rõ khoảng 2.500 tay súng châu Âu vẫn đang tham chiến ở các nước trên và có thể chưa trở lại châu Âu với số lượng lớn trong thời gian ngắn sắp tới. Khoảng 15-20% số tay súng người châu Âu (khoảng 750-1.000 người) đã thiệt mạng trên các chiến trường và khoảng 30-35% đã trở lại châu Âu (khoảng 1.500-1.750 người).

Theo báo cáo trên, ngay cả phụ nữ và trẻ em người châu Âu sinh ra hoặc lớn lên tại các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng có thể bị cực đoan hóa và đặt ra mối đe dọa an ninh.

Hiện không có số liệu cụ thể về số đối tượng trở lại châu Âu bị kết án, đang thụ án tù, đang bị theo dõi hay đã được trở lại hòa nhập cùng cộng đồng. Báo cáo cũng lưu ý rằng các tay súng từ nước ngoài trở lại châu Âu đã tổ chức cuộc tấn công tại Paris vào cuối tháng 11 năm ngoái và vụ đánh bom tại Brussels vào tháng Ba năm nay.

IS đã nhận đứng sau cả hai vụ tấn công này. Ngoài ra, các phần tử khủng bố tuyên bố trung thành với IS tại Libya cũng có thể đang tìm cách sử dụng quốc tịch châu Âu hoặc kết nối với gia đình để trở lại châu Âu.

Những tay súng trở về từ Trung Đông và Libya giữ liên lạc với IS thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chủ yếu qua Twitter hoặc ứng dụng tin nhắn Telegram. Điều phối viên về chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove sẽ gửi bản báo cáo trên đến các Bộ trưởng Nội vụ EU.

Cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu đã bước sang giai đoạn khó khăn
Cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu đã bước sang giai đoạn khó khăn

Mục tiêu dễ bị tổn thương

Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu, xảy ra liên tiếp trong một năm qua tại nhiều thành phố lớn của châu Âu như Paris và Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich, Frankfurt (Đức)…, đã phơi bày những lỗ hổng an ninh của châu Âu đồng thời cho thấy Lục địa già là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Cuộc điều tra về các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Pháp và ngày 22/3/2016 tại Bỉ càng tiến triển, thì những lỗ hổng an ninh này càng lộ rõ. Nguyên nhân là do EU chưa có một chính sách an ninh chung và thiếu sự hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả các công cụ sẵn có. 

Ngày 14/11 vừa qua, báo Le Monde (Pháp) đã trích đăng tài liệu của Trung tâm phân tích hoạt động khủng bố (CAT) trong đó có những thông tin do Cơ quan chống khủng bố của Hungary cung cấp. Tờ báo cho biết các thông tin này đã giúp các cơ quan tình báo của Pháp hình dung được con đường xâm nhập vào châu Âu của các phiến quân IS để thực hiện loạt vụ tấn công liên hoàn ngày 13/11 tại Paris. 

Theo tài liệu của CAT, ngày 1/8/2015, Abdelhamid Abaaoud, kẻ điều phối các vụ tấn công tại Paris là kẻ đầu tiên đã lọt được vào châu Âu thông qua con đường của những người di cư. Với giấy tờ giả, tên này đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để xâm nhập vào châu Âu, đi theo tuyến đường Balkan đến Hungary - điểm trung chuyển, quá cảnh của người tị nạn trước khi đến được Brussels, để rồi sau đó tự do đi lại giữa các nước châu Âu.

Trong khi đó, Salah Abdeslam - kẻ được cho là đóng vai trò đầu não, giữ nhiều bí mật quan trọng về công tác tổ chức loạt vụ tấn công tại Paris, đã thực hiện ba chuyến đi về giữa Brussels và Budapest bằng ô tô để đưa 7 tên khủng bố thánh chiến từ Syria quay lại châu Âu và 3 đối tượng khác từ thành phố Ulm, nơi được coi là “cái nôi” của Hồi giáo cực đoan tại Đức đến Brussels. Các đối tượng này sau đó đã gây dựng lực lượng và lập hang ổ khủng bố ngay giữa lòng châu Âu. 

Những kẽ hở an ninh đến từ việc tự do đi lại, không có kiểm soát biên giới theo Hiệp ước Schengen đã được những kẻ khủng bố lợi dụng triệt để bằng cách trà trộn vào dòng người di cư chạy trốn khỏi các vùng chiến sự Trung Đông và châu Phi. 

Tìm “đòn bẩy” đảm bảo an ninh

Bên cạnh đó, các vụ khủng bố đẫm máu tại châu Âu cũng cho thấy hợp tác và trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU là không hiệu quả dù có nhiều cơ chế hợp tác.

Trong số những cấu trúc an ninh khu vực phải kể đến Hệ thống thông tin Schengen (SIS), nơi lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học của các đối tượng đã bị kiểm tra tại biên giới EU; Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) có nhiệm vụ đối phó với tội phạm, vũ khí chính của Europol là các lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu; Hệ thống dữ liệu hành khách hàng không (PNR) nhằm phát hiện những đối tượng khả nghi; Lực lượng biên phòng và tuần tra châu Âu (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới; và Cơ quan Tư pháp châu Âu có nhiệm vụ điều tra các phần tử khủng bố…

Khủng bố dường như vẫn chưa “buông tha” châu Âu
Khủng bố dường như vẫn chưa “buông tha” châu Âu

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan tình báo của các nước thành viên EU. Thế nhưng, sự phối hợp và vận hành của các cơ chế này chưa thực sự hiệu quả. 

Theo các chuyên gia phân tích, một trong những “chìa khóa” cho cuộc chiến chống khủng bố là chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, thông tin tình báo lại là một công cụ thuộc chủ quyền quốc gia, vì thế các nước không sẵn sàng chia sẻ.

Các cơ quan tình báo cũng không muốn chia sẻ nguồn thông tin, vì vậy, một hệ thống hạ tầng thông tin chống khủng bố ở phạm vi châu lục vẫn chưa được xây dựng. Đây chính là những rào cản hạn chế hiệu quả của việc hợp tác an ninh giữa các nước EU. 

Trong một chương trình bình luận mới đây trên kênh "Public Sénat", Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Nghị viện châu Âu Jean Arthuis đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một cơ quan điều phối thống nhất, tập trung về an ninh nội khối. Ông Arthuis cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của PNR được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 14/4/2016.

Theo ông, mục tiêu của PNR là kiểm soát những công dân châu Âu tham gia thánh chiến ở Trung Đông và từ đó quay trở về. Tuy nhiên, PNR giống như "một con dao không chuôi" và đây không phải là Hệ thống dữ liệu hành khách của EU mà là "28 Hệ thống dữ liệu quốc gia". 

Dưới góc độ an ninh, dư luận các nước EU đều cho rằng liên minh này có quá ít đòn bẩy để đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa khủng bố bởi các lực lượng an ninh cũng như các phương tiện, thiết bị và kế hoạch giải quyết khủng hoảng, đều thuộc phạm vi năng lực và chủ quyền của các quốc gia thành viên. 

Có thể khẳng định rằng, cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu đã bước sang giai đoạn khó khăn với các hoạt động khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn. Châu Âu đang bị cuốn vào một cuộc chiến ngay trên lãnh thổ của mình và đây thực sự là một thử thách lớn.

Theo các nhà phân tích, việc tốt nhất là tổ chức tốt mạng lưới an ninh châu Âu trên cơ sở củng cố năng lực của các cấu trúc hiện có và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Nếu EU không hành động mang tính phối hợp thì vấn đề đảm bảo an ninh và chống khủng bố vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn./. 

Các công tố viên Bỉ ngày 7/12 đã buộc tội khủng bố đối với 2 người Kosovo và 1 người Serbia bị tình nghi tham gia hoạt động tuyển mộ các phần tử thánh chiến ở Syria và cung cấp tài chính cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Văn phòng công tố Bỉ xác nhận 3 đối tượng nói trên bị buộc tội tham gia các hoạt động khủng bố. Danh tính của những kẻ này đã được công bố gồm Egzona K. (23 tuổi), người Serbia; Kastriot M. (23 tuổi) và Mahid D. (27 tuổi), đều là người Kosovo.

Các công tố liên bang Bỉ cho biết hôm 6/12, một tòa án chống khủng bố đã ra lệnh tạm giam 3 trong số 8 đối tượng bị bắt trong một chiến dịch truy quét trên khắp nước này, nhưng sau đó đã phóng thích những người còn lại sau quá trình thẩm vấn.

Hiện Bỉ là một trong số các nước châu Âu đang duy trì mức cảnh báo an ninh cao, sau khi xảy ra loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại sân bay và ga điện ngầm ở thủ đô Brussels hồi tháng 3, làm 32 người thiệt mạng. Theo số liệu thống kê, ước tính có khoảng 465 đối tượng từng tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của các phần tử thánh chiến ở Syria và Iraq đang hoạt động tại Bỉ.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.