Trong báo cáo sẽ công bố vào đầu tháng Ba tới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo các nước châu Á-Thái Bình Dương cần chuẩn bị đối phó với làn sóng di cư tăng nhanh do biến đổi khí hậu trong những năm sắp tới.
Dòng người tị nạn lũ lụt ở Pakistan. (Nguồn: Internet) |
Báo cáo "Biến đổi khí hậu và di cư ở châu Á-Thái Bình Dương" đã nêu bật những nguy cơ đặc thù mà các điểm nóng về biến đổi khí hậu gồm các thành phố ven biển ở châu Á phải đối mặt. Các điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu này đứng trước các sức ép lớn từ dân số tăng đột biến do dân cư nông thôn đổ về các thành phố để tìm kiếm cuộc sống mới tốt hơn. Sức ép này càng phức tạp hơn do số lượng đông đảo các nạn nhân bị tác động của các thảm họa thiên nhiên. Báo cáo của ADB lưu ý rằng các nước châu Á-Thái Bình Dương không chỉ cần tập trung giải quyết tình trạng di cư và tị nạn khí hậu mà cần khẩn cấp phát triển các chính sách và các cơ chế đối phó với sự biến đổi dân số. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa có các cơ chế hợp tác quốc tế để xử lý tình trạng di cư do biến đổi khí hậu. ADB nhấn mạnh các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng đối phó với làn sóng tị nạn mới là tị nạn khí hậu và các dự án hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn khí hậu vẫn không rõ ràng, thiếu phối hợp quốc tế. Theo ADB, hiện nay mô hình chi phối di cư ở Đông Nam Á chỉ là tạm thời và phần lớn liên quan đến lao động không có tay nghề cao. Xung đột cũng là nguyên nhân dẫn đến các làn sóng di cư trong nội bộ châu Á. Tuy nhiên, ADB dự báo điểm đến của làn sóng tị nạn khí hậu gồm những lao động có tay nghề cao ở Đông Nam Á sẽ là các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) như Australia, Mỹ..../.
(TTXVN/Vietnam+)