Bà rất mừng cho các con vì chúng đều có nhà cao, cửa rộng nhưng một năm bà chỉ được về chốn cửa rộng, nhà cao ấy có hai lần là vào ngày giỗ chồng bà và vào dịp tết đến, xuân về. 28 tết, sau khi thu xếp công việc ổn thỏa, con bà mang xe đến đón mẹ về. Mùng 3 không khí xuân vẫn còn, con lại đưa vô đây trả. Cái Tết của bà cũng trở nên ngắn ngủi và hụt hẫng tự khi nào không hay...
Nỗi cô đơn, trống trải |
“Thôi thì vào đây để cho nó vui lòng”
Tôi được gặp cụ Nguyễn Thị Diệu Hồng, một trong số ít ỏi người còn minh mẫn và có sức khỏe tốt. Vốn là người con gái xứ Huế, với giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ nhã nhặn, thật sự bà đã thu hút tôi ngay từ những lời tâm sự đầu tiên. Vào Nghệ An hoạt động cách mạng, bà gặp ông. Sau đám cưới do đơn vị tổ chức, ông bà sinh thành được 7 người con. Các con của bà đều được ăn học hơn người và thành đạt.
Bà tự hào kể: “Đứa thì làm giảng viên ở Đại học Thủy lợi, đứa thì Đại học Kinh tế, đứa thì ở Đại học Xây dựng...” . Hơn 3 năm trước, bà ở với con gái trong miền Nam, sau lần ra thăm con trai, đang làm hiệu trưởng một trường tại Hà Nội, con trai mời bà ở lại với mình. Thế nhưng, ở được hơn 1 năm thì con trai nói mắc công việc quá, nên gửi bà vào đây ở cho hắn rảnh chân, rảnh tay làm việc. Vậy là một cuộc đời khác đã đến với bà Hồng...
Nét mặt bà cụ như trùng lại khi tôi hỏi: “Bà thấy cuộc sống ở đây thế nào?”. Bà nhẹ nhàng chia sẻ: “Ở đây cái ăn thì không bằng ở nhà. Vì gia đình thì chỉ có vài người thôi còn ở đây hàng trăm người nên không thể so sánh như thế được. Nhưng tôi già rồi, ăn uống quan trọng gì. Người ta bảo ăn để mà sống chứ ai sống để mà ăn đâu cô. Còn chăm sóc thì ở đây hơn, các cô y tá hay các bác sĩ ở đây đều tốt cả, chăm sóc rất tận tình... nhưng tôi vẫn thấy buồn”.
Trước đây, khi ở với con trai, bà cũng trống trải lắm “vì hắn bận suốt ngày, đi từ sáng mà tới tối mịt mới về nhưng ít ra cũng còn trông thấy con, thấy cháu. 7 đứa con,15 đứa cháu, 14 đứa chắt, mỗi lần nghĩ đến là nhớ lắm”...
Theo lời kể của bà, thi thoảng, các con, các cháu trong miền Nam cũng ra đây đông đủ, ở chừng một, hai ngày rồi về. Còn anh con trai ngoài Hà Nội thì “hàng tháng hắn vào đây nộp tiền, nhưng cũng có lần hắn nộp liền 2 tháng xong ngồi hỏi thăm sức khỏe mẹ khoảng 15 phút rồi lại lái xe về luôn”.
Bà rất mừng cho các con vì chúng đều có nhà cao, cửa rộng nhưng một năm bà chỉ được về chốn cửa rộng, nhà cao ấy có hai lần là vào ngày giỗ chồng bà và vào dịp tết đến, xuân về. 28 tết, sau khi thu xếp công việc ổn thỏa, con bà mang xe đến đón mẹ về. Mùng 3 không khí xuân vẫn còn, con lại đưa vô đây trả. Cái Tết của bà cũng trở nên ngắn ngủi và hụt hẫng tự khi nào không hay.
Một đời cô độc vì chồng con
Một mảnh đời khác, cụ bà Nguyễn Thị Chỉnh, năm nay vừa tròn 94 tuổi, đã “nhập khẩu”vào Viện Dưỡng lão Thiên Đức được hơn 4 năm. Tuổi cao nhưng đầu óc bà vẫn còn vô cùng minh mẫn. Có lẽ đến cuối đời nhiều chuyện trong quá khứ lại hiện hữu thật rõ nét trong tâm trí mỗi người. Để rồi, khi kể ra mới hay cuộc đời bà là một tấm bi kịch mang nhiều nước mắt…
Lên 8, bà được gia đình gả cho con người hàng xóm hơn bà 2 tuổi. 14 tuổi, bà sinh đứa con đầu lòng nhưng không giữ được đứa trẻ. Năm 16 tuổi, đứa con gái thứ hai chào đời, khó khăn chất chồng khó khăn khi bà vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải nuôi quân, hoạt động cách mạng và làm tròn bổn phận của người con, người vợ. Chồng bà lúc đó cũng tham gia cách mạng nên đi xa. Mối lái, xa cách nên mãi đến một ngày, ông có nói với bà một câu mà bà tự dưng “thấy yêu hắn”: “Mình vất vả vì tôi nhiều quá. Tôi thương mình nhưng không biết làm thế nào”
Yêu thương vừa chớm nở không được bao lâu thì tấn bi kịch ập xuống. Sau lần ngã nước ở Lào Cai, chồng bà ốm nặng rồi mất. Khi ấy, bà đang vào độ đẹp nhất của đời người 18 tuổi, góa chồng, con còn nhỏ. Bà giữ tấm lòng son ấy trong suốt 80 năm qua, một mực hi sinh và dành hết tình yêu thương vô bến bờ cho con: “Bao nhiêu cái ngon, mình dành cho nó. Nhà một đèn một bóng, nghĩ mà tội lắm cô ạ. Nhiều đêm trái nằng trở trời, ẵm nó, đứng không được, ngồi cũng chẳng xong. Có những hôm, mải đi tiếp tế, quên cả con. Về thấy con khóc lạc cả giọng mà thấy thương con, giận mình vô cùng”.
Con bà lớn, học hành giỏi giang, thi đỗ trường y, rồi đi học xa nhà. Chiến tranh, chạy loạn, mẹ con xa cách nhau hàng năm trời không gặp mặt... Bà thì cứ lầm lũi, lủi thủi một mình trong căn vách dựng tạm góc vườn. Bao nhiêu tiền bạc dành cho con “mình ở nhà bóp bụng thế nào cũng xong” mong cho con nên người. Con gái bà thành đạt, nay đã trở thành phó tiến sĩ ngành y một bệnh viện nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành.
Những tưởng, sau gần 80 năm, bà sẽ được gần con an hưởng tuổi già trong sự ấm cúng của không khí gia đình. “Đang làm việc thì nó báo tôi nó sang Pháp du học 4 năm, lại thêm 4 năm nữa mẹ con xa nhau” - bà kể. 4 năm sống phận con gái nơi đất khách quê người, bà lo lắng từng ngày, từng giờ. Niềm hạnh phúc lớn nhất là hàng tháng, bà lại tất tả sang nhà người đưa thư của xã mong ngóng thư con gái. 4 năm sau trở về, con gái bài nói: “Con muốn lấy chồng và sống định cư ở nước ngoài”. “Thôi thì con hạnh phúc, mình còn cần gì hơn thế đâu” - bà thở dài rồi nói.
Bà nuốt nước mắt, gật đầu làm theo ý con cho nó vui lòng. Để rồi đánh đổi vào đó là quãng đời cuối cùng cô đơn trong viện dưỡng lão, tiếp nối số kiếp cô đơn dài lê thê của cuộc đời bà...
(còn tiếp)
Nguyễn Thu Thiện