Cành đồng lúa mênh mông tận chân trời đâu đó thong thoảng mùi hương đồng nội. Rải rác là những túp lều tranh lụp xụp, những cái gọi là nhà chỉ là những cây cột xiêu vẹo, được phủ lên những tấm nhựa cũ kỹ hoặc những lớp tranh lá rách nát mong manh hoặc vả là những chiếc thuyền nho nhỏ bên trong vài vật dụng lặt vặt cũng có thể gọi là nhà của những người dân ở đây. Cuộc đời của họ gắn liền với nơi này như một định mệnh.
Có lẽ, họ cũng không còn biết nỗi buồn là gì, chỉ đành chấp nhận số phận mà trời đã ban cho họ, nói theo phật pháp là cái nghiệp kiếp trước đã dẫn dắt họ đến hoàn cảnh khốn khổ này, rồi từ đó những đứa trẻ ra đờigắn liền với số phận của cha mẹ chúng. Có thể nói: Hỏi một con người hạnh phúc thì giống nhau, nhưng nỗi khổ thì mỗi người một hoàn cảnh, mỗi đứa trẻ có một nỗi khổ khác nhau nhưng tựu chung cũng đều là một kiếp nhân sinh đầy bất hạnh.
Nhưng cũng còn may mắn cho chúng là vào thời điểm xã hội hiện nay vẫn còn nhiều tấm lòng vàng là đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết ở các trường mà chúng tôi đã đến – 3 trường học ở đây nằm trong vùng sâu xa hẻo lánh. Có trường phải đi qua những chiếc phà cũ nát sau đó còn phải băng qua một đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, đi sát triền ruộng khoảng vài cây số mới đến được ngôi trường. Ngày chủ nhật mà ban giám hiệu và các giáo viên đã rất nhiệt tình đưa các em học sinh đến để gặp gỡ đoàn chúng tôi.
Tôi cảm nhận được sự trân trọng và niềm mong đợi sự hiện diện của đoàn chúng tôi ngõ hầu mang đến cho họ một sự trợ giúp nho nhỏ và chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trên con đường học vấn.
Cuộc trao đổi ngắn ngủi với các thầy cô giáo và các em học sinh đã làm cho họ hết sức cảm động và đoàn chúng tôi một sự dâng trào cảm xúc mãnh liệt. Đặc biệt phụ huynh học sinh là những cụ bà đã luống tuổi mà còn phải chăm sóc việc học cho các cháu bởi vì các em đã mất đi tình cảm thiêng liêng từ khi bắt đầu hiện diện trên cõi đời này. Đó là tình mẫu tử hay phụ tử, bởi vì ba mẹ chúng đã bỏ chúng đi để tìm hạnh phúc mới cho riêng mình hoặc là đã ra đi vĩnh viễn bên kia thế giới khi chúng vừa mới chào đời. Nghèo đói và bệnh tật đeo đẵng bên những con người này khiến các em hầu như đã cạn kiệt sức sống.
Thế nhưng, các em vẫn phải âm thầm cắp sách tới trường để có cái chữ sau này mong thoát khỏi cảnh nghèo đói mà ba mẹ chúng đã lâm vào mà khó lòng thoát ra được.Nhìn những gương mặt hồn nhiên, đôi mắt ngây thơ chân chất khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Chúng trông gầy guộc xanh xao nhưng đôi mắt chợt ánh lên một tia hi vọng khi thấy còn có những người đã đến quan tâm đến việc học của các em.
Chương trình chắp cánh ước mơ này được khởi xướng từ một vị Thầy đã từng đi học nước ngoài.Bề ngoài tuy chưa thấy gì thâm sâu nhưng bên trong chất chứa một nỗi thương cảm mãnh liệt đối với những chúng sinh đang ngụp lặn trong biển khổ của trần gian.Vì lẽ đó, vị Thầy này đã hạ quyết tâm phải đem lại tri thức cho những mầm non đất nước ở vùng sâu, vùng xa.
Vị Thầy này là một tấm gương vượt khó xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, không có điều kiện học tập. Do đó, Thầy đã tự mình vươn lên trong cái khó, cái khổ sau bao nhiêu năm rèn luyện phấn đấu, trải qua bao nỗi thăng trầm trong cuộc đời để giờ này đây Thầy đã đứng vững trên đôi chân của mình. Thầy đã trở về giúp đỡ cho học sinh ở quê nhà mình, đó là việc trước mắt, và tương lai, Thầy sẽ nhân rộng mô hình này ra đến mọi miền đất nước.Tuy kinh phí lúc đầu còn hạn hẹp và số lượng mạnh thường quân còn ít ỏi, chúng tôi chỉ cấp cho mỗi em 300,000 đồng mỗi tháng nhưng đó là số tiền không nhỏ đối với họ.Chúng tôi hứa sẽ giúp các em lâu dài và sẽ có phần thưởng cho những em có thành tích cao trong học tập.Tuy đây mới chỉ là điểm khởi đầu nhưng nó đã hé mở một chân trời mới cho những mầm non ở đây.
Có những ước mơ chỉ mãi là mơ ước, nhưng cũng có những ước mơ sẽ trở thành hiện thực nếu cả cộng đồng cùng quan tâm chia sẻ bởi vì một con én không thể làm nên mùa xuân. Hơn nữa với tinh thần Là lành đùm lá rách và Thương người như thể thương thân, đó là đạo lý và truyền thống cao đẹp từ ngàn xưa đến nay của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Chúng tôi hy vọng bạn bè thân hữu gần xa từ đông sang tây, từ nam chí bắc trên đất nước Việt Nam thân yêu khi đọc đôi dòng tự sự này mà chính tôi là người tai nghe mắt thấy sẽ dấy lên phong trào mà tôi tạm gọi là chắp cánh ước mơ cho những mảnh đời bất hạnh.
Tôi đại diện cho đoàn chúng tôi sẽ hết sức cảm kích và tri ơn đến những quý vị muốn quan tâm chia sẻ với chúng tôi về vật chất lẫn tinh thần để cuộc sống chúng ta có thêm nhiều niềm vui. Có thể nói để niềm vui được nhân đôi và nỗi buồn của tha nhân giảm đi một nửa, để xã hội ta có thêm nhiều nhân tài, nhiều con người có ích cho xã hội, và cuối cùng là vì
“ Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”.